“Đồng Nai xứ sở hãi hùng
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp um”
Câu thơ nói đến vùng đất mới phía Nam khi lưu dân đến khai phá còn hoang sơ, nhiều hiểm nguy, thú dữ. Việc Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập nền hành chính, mở mang bờ cõi vùng đất phía Nam đặt vùng đất này dưới sự quản lý của chúa Nguyễn năm 1698 có vai trò hết sức quan trọng.
Toàn cảnh đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: Vĩnh Huy |
* Người xác lập quyền quản lý xứ Đồng Nai – Gia Định
Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 tại xã Chương Tín, H.Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, H.Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Ông là con thứ ba trong gia đình cha là Tiết chế Chiêu võ hầu Nguyễn Hữu Dật, mẹ là Nguyễn Thị Thiện, hai anh của ông là Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào, Trung Thắng hầu Nguyễn Hữu Trung đều là những bậc danh tướng của đương triều.
Hiện nay, Khu mộ, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đã được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Tỉnh Đồng Nai đầu tư kinh phí mở rộng, tu bổ, tôn tạo nhằm tôn vinh công lao của Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh đối với vùng đất Đồng Nai – Gia Định qua đó bảo tồn, phát huy có hiệu quả tiềm năng của di tích, giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. |
Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào kinh lược vùng đất phía Nam và đặt bản doanh tại cù lao Phố (nay là P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Sách Gia Định thành thông chí cho biết: “Mùa xuân năm thứ 8, Mậu Dần (1698) thời Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu), triều đình sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu họ Nguyễn (Hữu Cảnh) sang kinh lược đất Cao Miên, ông lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm H.Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn (Sài Gòn) làm H.Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh lập ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị”.
Từ một vùng lưu dân sinh sống tự phát, Nguyễn Hữu Cảnh chính thức sáp nhập, quản lý vùng đất mới, định hướng phát triển, thu nạp, chiêu mộ thêm dân, khai khẩn ruộng đất, đặt đơn vị hành chính, chuẩn định thuế, lập bộ tịch đinh điền… tạo cơ sở cho việc phát triển xứ Đồng Nai – Gia Định.
* Nơi lưu dấu người đi mở cõi
Tri ân công lao và đóng góp to lớn của Nguyễn Hữu Cảnh, sau khi Ông qua đời người dân Biên Hòa – Đồng Nai tôn thờ như một vị Thần Thành Hoàng, nơi đây chính là điểm ghi dấu bước chân “người đi mở cõi”. |
Việc phụng thờ Nguyễn Hữu Cảnh tại miếu Bình Kính được xác lập và gắn liền với sự kiện năm 1700, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trấn an vùng biên giới Tây Nam bộ trên đường trở về Nguyễn Hữu Cảnh lâm bệnh nặng và qua đời tại Rạch Gầm (Mỹ Tho, Tiền Giang). Quá trình di quan ông về quê hương Quảng Bình, đoàn quân dừng lại tại cù lao Phố – Biên Hòa nơi ông đặt đại bản doanh năm xưa. Nhân dân thương tiếc và để ghi nhớ công lao cũng như những đóng góp của ông trong công cuộc mở mang, phát triển vùng đất mới đã quyết định rước vong linh đưa ông vào thờ tại miếu Bình Kính xem như Thần Thành Hoàng của làng đầy hiển linh, luôn giúp cho xứ sở bình an, thịnh vượng, từ đó tên gọi đình Bình Kính (làng Bình Kính) – đền Lễ Công (theo cách gọi Trịnh Hoài Đức) – đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (cách gọi hiện nay) tồn tại, phát triển cho đến ngày nay.
Nghi thức đọc văn tế trong lễ cúng Kỳ yên tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: Vĩnh Huy |
Tại nơi đình quan Ông ở vùng đất cù lao Phố cách đình Bình Kính khoảng 50m, nhân dân lập mộ để tưởng vọng. Các đời vua nhà Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đã 4 lần ban sắc phong nhằm tưởng nhớ công đức to lớn Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Đặc biệt, tại gian chánh điện hiện còn bộ áo mão, cân đai tương truyền của đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh sử dụng năm xưa. Khi ông mất, nhân dân Biên Hòa đã lưu giữ như một kỷ vật quý báu của làng và thờ cúng qua các thế hệ. Hàng năm, vào ngày 16-5 (âm lịch) tại đền thờ người dân tổ chức lễ giỗ của Ông thu hút đông đảo nhân dân dâng hương, chiêm bái.
Nguyễn Trí Nghị
.