(ĐN) – Sáng 20-12, Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai (huyện Trảng Bom) đã tổ chức Hội thảo xây dựng đề án về cơ chế chính sách thu hút học sinh, sinh viên vào học các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Quang cảnh hội thảo xây dựng đề án về cơ chế chính sách thu hút học sinh, sinh viên vào học các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: Hải Yến
|
Hội thảo có sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT); các trường trung học phổ thông và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
GS-TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp cho biết, trước khi tổ chức hội thảo tại Đồng Nai, Trường đại học Lâm nghiệp đã tổ chức 1 hội thảo ở phía Bắc. Là đơn vị được Bộ NNPTNT giao chủ trì soạn thảo đề án về cơ chế chính sách thu hút học sinh, sinh viên vào học các ngành NNPTNT, nhà trường rất mong các đại biểu góp ý, phân tích sâu những đề xuất về cơ chế, chính sách cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Những chính sách này phải xuất phát từ thực tiễn và nhằm giải quyết các vấn đề thực tế.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hải Yến |
Số liệu thống kê hàng năm của Bộ Giáo dục và đào tạo cho thấy, đào tạo nhân lực trình độ đại học cho các ngành thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản ở nước ta đang có xu hướng giảm mạnh so với quy hoạch nhân lực của Bộ NNPTNT.
Cụ thể, năm 2018 mới đáp ứng được khoảng 64,5% năng lực đào tạo, năm 2019 giảm còn 56,4% và năm 2020 là 45,7%. Số sinh viên đăng ký học lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chưa đến 2% tổng số sinh viên nhập học toàn quốc. Trong khi đó, nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng đối với người lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên rất cao (khoảng 46 ngàn người/năm).
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Hải Yến |
Theo tính toán của Bộ NNPTNT, tính đến năm 2025 nước ta cần 80 ngàn cán bộ hợp tác xã nông nghiệp; 10 ngàn cán bộ quản lý nông nghiệp; 100 ngàn nông dân được đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp; 60 ngàn người làm dịch vụ kỹ thuật, sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Hiện nay, nước ta có 52 cơ sở đào tạo các ngành/nghề thuộc lĩnh vực NNPTNT; trong đó có 16 trường cao đẳng, 29 trường đại học, 7 viện nghiên cứu. Tuy vậy, hàng năm chỉ có khoảng 5 ngàn cử nhân, kỹ sư, bác sỹ thú y tốt nghiệp đại học các ngành thuộc lĩnh vực này, là quá ít và chưa đủ để phục vụ cho sự phát triển của ngành NNPTNT.
Để thu hút người học trong lĩnh vực NNPTNT nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, một số cơ chế, chính sách đã được đề xuất gồm: chính sách học bổng, miễn, giảm học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên học ngành NNPTNT; nhà nước đảm bảo kinh phí đào tạo cho các cơ sở đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản khó tuyển sinh (các ngành này không phải thực hiện cơ chế tự chủ); đầu tư tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo ngành nông lâm nghiệp và thủy sản; ưu đãi nghề cho người làm việc trong ngành nông lâm nghiệp và thủy sản.
Cùng với đó, ở cấp cơ sở đào tạo, các trường cũng có các chính sách riêng nhằm thu hút người học.
Hải Yến
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202412/de-xuat-co-che-chinh-sach-de-thu-hut-nguoi-hoc-ve-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-da33364/