Hiện nay, cây thanh long đang vào vụ thu hoạch chính. Tuy năng suất trái cao nhưng các nhà vườn ở Đồng Nai lại rầu rĩ, bởi giá thanh long bán tại vườn chỉ còn 5-8 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất và đầu ra cũng rất khó khăn. Nguyên nhân là do vào chính vụ nguồn cung dồi dào, trong khi thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc cũng đang vào vụ thu hoạch rộ. Vì thế, cung lớn hơn cầu, giá giảm sâu và khó tìm người mua. Bên cạnh đó, việc chế biến trái thanh long tại Đồng Nai, các tỉnh, thành lân cận còn ít nên loại trái cây này thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa, rớt giá”.
Câu chuyện trái cây dội chợ, giá bán rẻ như cho, nhiều nhà vườn phải chặt bỏ cây trồng hoặc bỏ trái chín không thu hoạch không phải là chuyện lạ. Đồng Nai là vùng trái cây lớn của Đông Nam Bộ, với nhiều loại cây ăn trái có diện tích lớn như: xoài, chuối, chôm chôm, mít, cam, bưởi, thanh long… Tuy tỉnh nổi tiếng với nhiều loại trái ngon nhưng hiện đa số tiêu thụ ở thị trường nội địa. Do đó, việc vào vụ thu hoạch chính giá trái cây giảm sâu thường lặp đi lặp lại. Hầu hết các nhà vườn đều mong muốn Đồng Nai thu hút được các doanh nghiệp đầu tư chế biến các loại trái cây để có đầu ra ổn định và tăng giá trị cho sản phẩm.
Trung bình mỗi năm, Đồng Nai cung cấp cho thị trường gần 600 ngàn tấn trái cây các loại. Đơn cử năm 2023, cung cấp khoảng 214,1 ngàn tấn chuối; hơn 152 ngàn tấn chôm chôm; 114,6 ngàn tấn xoài; hơn 90 ngàn tấn bưởi… Trong đó, hầu hết bán tươi nên giá rất bấp bênh.
Theo các chuyên gia kinh tế, để các loại cây trồng có đầu ra ổn định, thoát được cảnh “long đong”, tỉnh phải thu hút được đầu tư vào chế biến sâu nông sản. Đồng thời, tỉnh phải mở rộng được thị trường xuất khẩu trái cây tươi và sản phẩm trái cây chế biến. Như vậy đến mùa, các trái cây loại một có thể đưa đi xuất khẩu, còn các loại khác đưa vào chế biến để tăng giá trị cho nông sản.
Các vấn đề trên, chính quyền tỉnh, địa phương đã thấy và đang đầu tư 2 cụm công nghiệp cho chế biến nông sản tại Cẩm Mỹ và Định Quán. Nhưng do vướng mắc về thủ tục, đất đai nên 2 cụm công nghiệp này hiện chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật để thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi nông sản hình thành chuỗi khép kín thì nông dân phải liên kết sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn mới đáp ứng được tiêu chuẩn cho xuất khẩu. Đây là xu hướng chung cho phát triển nông nghiệp bền vững mà Đồng Nai cũng như cả nước phải thực hiện theo cam kết của Chính phủ với thế giới sẽ đạt net zero vào năm 2050.
Khánh Minh
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202408/de-nhieu-cay-trong-khong-con-chiu-canh-long-dong-7605670/