Năm 2025 đánh dấu tròn 200 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức (1825-2025) – một nhà thơ, nhà sử học, nhà văn hóa lớn của triều Nguyễn.
Đoàn viên và học sinh quét mã QR tham quan Di tích Lăng mộ Trịnh Hoài Đức, thành phố Biên Hòa. Ảnh: L.Na |
Cũng trong năm nay, Đồng Nai sẽ tổ chức Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Trịnh Hoài Đức 5 năm/lần (2020-2025) nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm có đóng góp xuất sắc cho nền VHNT địa phương.
Dấu ấn 200 năm
Trịnh Hoài Đức là một trong những danh nhân văn hóa tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam, được biết đến với vai trò nhà chính trị, nhà văn hóa và nhà ngoại giao xuất sắc dưới triều Nguyễn. Từ nhỏ, ông đã nổi bật với trí tuệ hơn người, đặc biệt giỏi chữ Hán và có năng khiếu về văn chương. Nhờ sự thông minh và học vấn uyên bác, ông nhanh chóng được các bậc tiền bối đánh giá cao và tiến thân trong chốn quan trường. Dưới triều vua Gia Long, Trịnh Hoài Đức được giao nhiều trọng trách trong triều đình, trong đó có chức Thượng thư Bộ Lại – một vị trí có ảnh hưởng lớn trong hệ thống hành chính nhà Nguyễn.
Không chỉ có tài an dân trị nước, được vua tin yêu, quần thần ngưỡng vọng, danh nhân Trịnh Hoài Đức còn toát lên nhân cách lớn của một bậc sĩ phu với cuộc sống giản dị, thanh cao, gần dân. Ông để lại cho hậu thế một kho tàng văn hóa, lịch sử đồ sộ. Trong đó, tác phẩm Gia Định thành thông chí được đánh giá là bách khoa địa lý – lịch sử của vùng đất Nam Bộ, là thư tịch cổ của đất nước. Bộ sách ghi lại đầy đủ nhất, toàn diện nhất về xứ Đồng Nai – Gia Định trong thời kỳ khai phá, lập nghiệp của cư dân Việt.
Lăng mộ của Trịnh Hoài Đức hiện nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa. Năm 1990, khu lăng mộ của ông và vợ được xếp hạng Di tích Văn hóa, lịch sử cấp quốc gia. Hiện công trình thuộc Dự án Bảo tồn, tôn tạo Di tích Lăng mộ Trịnh Hoài Đức được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 343/QĐ-UBND ngày 12-2-2009. Tuy nhiên, dự án hiện vẫn chưa thực hiện được do trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, thạc sĩ Trần Quang Toại cho biết, Trịnh Hoài Đức là danh nhân văn hóa gắn liền với vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Cách đây 16 năm, thành phố Biên Hòa đã có dự án cải tạo hơn 100 ngôi mộ trong khu vực di tích, thuộc phường Trung Dũng.
“Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tỉnh cần có cơ chế, chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho thành phố Biên Hòa thực hiện công tác giải tỏa, kịp tiến độ hoàn thành dự án nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất danh nhân Trịnh Hoài Đức” – ông Toại nói.
Danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức (1765-1825) hiện được thờ tại Văn miếu Trấn Biên (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa). Tên của Trịnh Hoài Đức được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh lựa chọn đặt tên đường, tên các trường học nhằm ghi nhớ công lao và giáo dục thế hệ sau về tinh thần hiếu học, lòng tự hào dân tộc.
Tôn vinh, tri ân công đức của người hiền
Hiện người dân và du khách có thể đến di tích tham quan, dâng hương tưởng nhớ ông bất cứ thời gian nào, xem đây là một trong những địa chỉ về nguồn ý nghĩa. Từ năm 2023, Đoàn phường Trung Dũng đã lắp đặt bảng mã QR giới thiệu về di tích ngay tại Khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức. Khi quét mã, trên điện thoại sẽ xuất hiện đường link, nhấp vào đó sẽ hiện lên infographic mà Đoàn phường đã thiết kế chi tiết, rõ ràng. Trên infographic, ngoài thông tin, còn có nhiều hình ảnh bắt mắt, sinh động về di tích.
Chị Phạm Thị Hồng Tươi, thuyết minh viên Di tích Văn miếu Trấn Biên, cho hay cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Trịnh Hoài Đức là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Nhiều năm nay, Văn miếu Trấn Biên duy trì các lễ giỗ và tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Trịnh Hoài Đức đối với vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, với dân tộc đến nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên. Đây là việc làm có ý nghĩa to lớn thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, một trong những nhiệm vụ năm 2025 của Hội VHNT Đồng Nai – Cơ quan thường trực Hội đồng Xét tặng Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức, là tổ chức giải thưởng. Giải thưởng không chỉ ghi nhận những thành tựu trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo VHNT, phản ánh đất nước, con người Đồng Nai, mà qua đó còn tôn vinh những tác giả có tác phẩm đạt chất lượng, thúc đẩy sự nghiệp phát triển VHNT Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung.
Hai thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức rời xa cõi tạm, nhưng di sản của ông vẫn còn nguyên giá trị trong lòng hậu thế. Sự kiện kỷ niệm 200 năm ngày mất của ông và Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức năm 2025 không chỉ là dịp để tôn vinh, tri ân một danh nhân lớn, mà còn là cơ hội để thế hệ hôm nay tiếp tục kế thừa, phát huy tinh thần hiếu học, sáng tạo và yêu nước của ông. Vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai hôm nay vẫn tiếp tục phát triển, mang trong mình tinh thần hiếu học và đổi mới không ngừng, đúng như những giá trị mà Trịnh Hoài Đức đã để lại.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202502/danh-nhan-trinh-hoai-duc-niem-tu-hao-cua-vung-dat-bien-hoa-dong-nai-7fd5e46/