Đông Nam bộ (ĐNB) là vùng chăn nuôi trọng điểm của cả nước. Đặc biệt, với ngành chăn nuôi, chế biến gia cầm, vùng ĐNB dẫn đầu cả nước trong chăn nuôi theo chuỗi đảm bảo an toàn dịch bệnh (ATDB).
Giết mổ và chế biến thịt gà xuất khẩu đi Nhật Bản tại Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên
ĐNB cũng là vùng thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn đầu tư theo hướng công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh tại thị trường nội địa và xuất khẩu thịt, trứng, sản phẩm chế biến từ gia cầm trên thị trường thế giới.
Đi đầu xây dựng vùng chăn nuôi ATDB
Tính đến cuối năm 2022, tổng đàn gia cầm của vùng ĐNB là gần 70,6 triệu con, chiếm gần 12,7% tổng đàn cả nước. Giai đoạn 2018-2023, tổng đàn gia cầm của vùng ĐNB có tốc độ tăng trưởng thuộc tốp đầu cả nước với mức tăng trưởng bình quân gần 9,7%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước là hơn 6,3%/năm.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) hiện cả nước có 2.210 vùng, cơ sở ATDB tại 55 tỉnh, thành phố. Phần lớn cơ sở, vùng chăn nuôi ATDB hiện tập trung tại khu vực ĐNB. Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐNB đã xây dựng và cấp giấy chứng nhận cho 959 cơ sở chăn nuôi gia cầm ATDB còn hiệu lực đối với bệnh Cúm gia cầm, Newcastle.
Đồng Nai đang là trung tâm chế biến thức ăn chăn nuôi của vùng ĐNB nói riêng, của cả nước nói chung. Toàn tỉnh có khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, có nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. |
Với tổng đàn hơn 26 triệu con gia cầm, riêng tổng đàn gà khoảng 25 triệu con, Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn gia cầm lớn của vùng ĐNB. Từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã tích cực triển khai xây dựng các vùng chăn nuôi gia cầm ATDB. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh cấp gia hạn 17 giấy chứng nhận cơ sở ATDB. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 657 cơ sở ATDB, duy trì 5 vùng ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên địa bàn các huyện: Định Quán, Vĩnh Cửu, Long Thành, Cẩm Mỹ, Trảng Bom.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho biết, chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là gà công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn với khoảng 90% tổng đàn chăn nuôi trang trại. Các trang trại đều ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn. Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai đang phối hợp với Cục Thú y khảo sát và xây dựng 3 vùng ATDB đáp ứng tiêu chuẩn OIE phục vụ xuất khẩu.
Phát triển chuỗi chăn nuôi – chế biến xuất khẩu
Vùng ĐNB là khu vực trọng điểm trong xuất khẩu thịt, trứng và sản phẩm chế biến từ gia cầm khi thu hút được nhiều tập đoàn, DN lớn đầu tư chuỗi chăn nuôi gia cầm từ khâu chăn nuôi đến chế biến, xuất khẩu.
Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2017, Việt Nam xuất khẩu chính ngạch thịt gà sang thị trường Nhật Bản. Trong đó, Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) là DN đầu tiên xuất khẩu thịt gà và các sản phẩm chế biến từ thịt gà vào thị trường khó tính này.
Dây chuyền chế biến thịt gà tự động xuất khẩu của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam
Tiếp theo, vào năm 2020, Công ty TNHH CPV Food là thành viên của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã khánh thành tổ hợp nhà máy chế biến gà xuất khẩu CPV Food Bình Phước. Dự án có vốn đầu tư ban đầu 250 triệu USD, công suất thiết kế lên đến 100 triệu con mỗi năm và tháng 10-2022 chính thức xuất khẩu thịt gà vào thị trường Nhật Bản. Nhà máy sẽ cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản 45%, châu Âu 35%, châu Á 10% và Trung Đông 10%. Dự kiến sẽ đem về nguồn ngoại tệ 100 triệu USD/năm trong giai đoạn 1 và 200 triệu USD/năm trong giai đoạn 2, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia sản xuất thực phẩm gia cầm lớn trên thế giới.
Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) Montri Suwanposri cho biết, C.P. Việt Nam đang xây dựng và mở rộng chuỗi sản xuất theo quy trình khép kín để đảm bảo chất lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu và tầm nhìn của C.P. Việt Nam là “Nhà bếp của thế giới” để lên kế hoạch cho sản xuất, kinh doanh trong những năm tới.
Theo đó, chăn nuôi gia cầm ở ĐNB không ngừng nhân rộng các chuỗi liên kết theo quy trình khép kín từ con giống đến chăn nuôi, giết mổ và bảo quản, chế biến. Trong đó, các trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu là khâu quan trọng trong chuỗi liên kết trên.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm ĐNB Lê Văn Quyết chia sẻ, chăn nuôi gà công nghiệp đã qua giai đoạn chạy theo phong trào. Hiện đa số các trại nuôi đều được đầu tư theo chuẩn công nghiệp hiện đại, tham gia chuỗi liên kết hoặc nuôi gia công cho các DN lớn. Trong đó, không thiếu các HTX tham gia vào các chuỗi liên kết có sự tham gia của DN cung cấp con giống, sản xuất cám, chế biến, phân phối… Chủ trang trại chăn nuôi yên tâm vì sản phẩm có DN bao tiêu với giá tốt để cung cấp cho thị trường xuất khẩu với tiềm năng còn rất lớn.
Bình Nguyên