Bệ đài phun nước với cụm 3 tượng con cá hóa long là một phần không thể thiếu của di tích lịch sử cấp quốc gia Quảng trường Sông Phố, nằm ngay bùng binh trước trụ sở UBND tỉnh, giao giữa đường Cách Mạng Tháng Tám và 30-4 (thuộc phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa).
Mô hình 3 tượng cá chép hóa long được tu bổ tại đài phun nước Quảng trường Sông Phố ngày nay. Ảnh: L.Viên |
Đây không chỉ là một trong những biểu tượng quý giá, có ý nghĩa lịch sử, gắn bó thân thương với người dân Biên Hòa – Đồng Nai mà còn là tác phẩm gốm đặc sắc, tiêu biểu của nhà điêu khắc tài ba Lê Văn Mậu cùng các cộng sự là nghệ nhân Trường Bá nghệ Biên Hòa xưa (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai).
Đi vào lịch sử xứ Biên Hòa
Trước năm 1945, Quảng trường Sông Phố có tên tiếng Pháp là Place Morène. Sau khi đánh chiếm và bình định Biên Hòa, vào đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã tiến hành cho xây dựng ở khu vực quanh Sông Phố – đoạn được cho là đẹp nhất dòng sông Đồng Nai, các công trình kiến trúc phục vụ cho chính quyền thuộc địa như: Tòa bố Biên Hòa, Dinh Tỉnh trưởng, Quảng trường Sông Phố…
Quảng trường Sông Phố đi vào lịch sử xứ Biên Hòa từ những ngày sôi động khi quần chúng nổi dậy cướp chính quyền vào mùa thu Tháng Tám năm 1945. Sử liệu của tỉnh còn ghi lại: “Ngày 26-8-1945, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa tập trung hàng trăm quần chúng tiến vào Tòa bố Biên Hòa treo lá cờ đỏ sao vàng… Ngày 27-8-1945, nơi đây đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể chào mừng chính quyền cách mạng lâm thời đầu tiên của tỉnh Biên Hòa. Hàng ngàn người từ các địa phương của tỉnh Biên Hòa tập trung tại đây tham gia mít tinh…”.
Tại giao lộ Quảng trường Sông Phố, một hồ nước được xây dựng kiên cố, hài hòa trong cảnh quan chung. Trong hồ có đài phun nước, với bệ đỡ là tác phẩm cụm 3 tượng cá trong thế rồng dựng dáng vờn nước trông rất đẹp mắt.
Nguyên Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai Nguyễn Háo Thoại cho hay: “Bệ đài phun nước là khối tam giác với 3 cạnh là tượng 3 con cá đỡ bệ nước. Ngoài ý nghĩa về bộ tam tài trong văn hóa, cụm 3 tượng cá hóa long còn mang ý nghĩa sâu sắc về tích cá chép khi vượt qua thác nước thành công sẽ hóa thành rồng”.
Tích cực lưu trữ và bảo tồn di tích
Ông Nguyễn Háo Thoại nhấn mạnh, bên cạnh ý nghĩa lịch sử nằm trong cụm di tích cấp quốc gia Quảng trường Sông Phố, thì cụm 3 tượng cá hóa long còn được xem là một trong những biểu tượng của Biên Hòa do thầy Lê Văn Mậu, nguyên Hiệu trưởng Trường Bá nghệ Biên Hòa cùng cộng sự là các thầy của trường thực hiện.
Một tượng cá còn lại trong cụm 3 tượng cá hóa long đang được Bảo tàng Đồng Nai lưu trữ. |
Nhà điêu khắc Lê Văn Mậu (1917-2003) là một trong những nghệ nhân tài ba gắn bó với Biên Hòa. Với nhiều tác phẩm đặc sắc và những cống hiến trong lĩnh vực nghệ thuật cho đất nước, ông đã được trao tặng nhiều danh hiệu, bằng khen, có tên trong nhiều công trình giới thiệu những nhà văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu như: Niên giám văn nghệ sĩ và Hiệp hội Văn hóa Việt Nam (1969), Who’s who in Vietnam (Thông tấn xã Việt Nam 1975) và Viện Nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam…
Qua thời gian, trong cụm 3 tượng cá hóa long tại di tích, có 1 tượng đã bị mất, 2 tượng còn lại bị xuống cấp nặng nề, bề mặt nhiều chỗ nứt, rêu mốc bám… nếu không được tu bổ kịp thời sẽ có nguy cơ bị hủy hoại hoàn toàn. Do đó, cuối năm 2023, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc tu bổ cấp thiết tượng cá hóa long tại đài phun nước di tích Quảng trường Sông Phố. Đơn vị này kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và giao UBND thành phố Biên Hòa làm chủ đầu tư triển khai thực hiện tu bổ cấp thiết di tích. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn xã hội hóa do Công ty gốm Việt Thành tài trợ. Đến nay, công trình mới đã hoàn thành thi công, lắp đặt, tạo sự đồng bộ, chỉn chu cho toàn bộ khuôn viên di tích quan trọng này.
Đối với thiết chế văn hóa cũ là 2 tượng cá chép hóa long, Bảo tàng Đồng Nai đang lưu trữ nhằm bảo vệ, giữ gìn, đồng thời có phương án bảo tồn tốt nhất cho công trình. Về lâu dài, người dân, nhà nghiên cứu… có thể tham quan, thưởng lãm 2 tượng cá này.
Lâm Viên