Những chuyến xe tấp nập xuyên biên giới, những đêm trắng bốc dỡ hàng liên tục, những mặt hàng phong phú, số lượng lớn liên tục được xuất, nhập… Đó là hơi thở của cuộc sống vùng biên giữa Việt Nam và Campuchia. Sinh khí này vừa thể hiện quan hệ kinh tế, vừa gắn kết tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Điểm khởi hành của những chuyến hàng xuyên biên giới
2 giờ sáng, khi phần lớn người dân còn đang say giấc, khu vực cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang) đã bắt đầu sôi động. Những đoàn xe tải chở hàng từ các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng… tấp nập đổ về. Nông sản từ các xã lân cận cũng nhanh chóng được chuyển tới chợ đầu mối, nơi hàng hóa được phân loại, đóng gói sẵn sàng cho hành trình xuyên biên giới.
4 giờ sáng, xe ba gác, xe tải nhỏ và xe máy hối hả đổ về các vựa thu mua, mang theo rau củ, trái cây tươi ngon để tập kết. Đến 6 giờ sáng, dòng xe nối đuôi nhau rời cửa khẩu, mang nông sản tươi ngon đến Phnom Penh (Campuchia) và các tỉnh lân cận. Với khoảng cách chỉ 70km từ Long Bình đến Phnom Penh, hàng hóa dễ dàng được tiêu thụ ngay trong ngày.
Ông Tấn Quang, một thương lái lâu năm tại chợ đầu mối nông sản Long Bình, cho biết: “Thị trường tiêu thụ nông sản và thủy sản ở Campuchia rất thuận lợi. Nhiều nhà vườn thức dậy từ 3 giờ sáng để cắt rau, trái cây và chỉ sau vài tiếng là hàng hóa đã sang đến nước bạn. Cá lóc, cá rô nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long không chỉ được thương lái Campuchia ưa chuộng mà còn bán tận Thái Lan”.
Bắp cải tập kết ở khu kinh doanh nông sản Ngân Ý thị trấn Long Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang) để xuất khẩu đi Campuchia. (Ảnh: An Phú) |
Tỉnh An Giang hiện có 5 cửa khẩu, gồm 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên, Vĩnh Xương), 2 cửa khẩu chính (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông) và cửa khẩu phụ Bắc Đai. Trong đó, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên được xem là điểm sáng nhờ kết nối trực tiếp với quốc lộ 91 của Việt Nam và quốc lộ 2 của Campuchia. Hạ tầng thuận lợi này giúp giảm chi phí vận chuyển và thúc đẩy giao thương hai chiều.
Tại khu vực Tịnh Biên, nhịp sống buôn bán diễn ra sôi động nhất từ 3 giờ đến 8 giờ sáng và từ 14 giờ đến 17 giờ chiều. Các mặt hàng xuất khẩu phổ biến từ Việt Nam gồm gạo, rau quả, cá tươi, trong khi Campuchia cung cấp lúa, xoài, cao su và các loại nông sản theo mùa.
Ông Võ Văn Hải, đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hải Khánh Huy, cho biết công ty ông hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản như lúa, rau, củ, quả, dừa tươi, nông sản sấy và lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa). Thế mạnh của công ty là nhập khẩu lúa, gạo từ Campuchia qua cửa khẩu Tịnh Biên để cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước. Khoảng cách vận chuyển ngắn và thời gian xử lý thông quan nhanh giúp công ty ông tiết kiệm đáng kể chi phí logistics.
Cú hích cho thương mại biên giới từ hiệp định song phương
Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam và Campuchia có hiệu lực từ ngày 20/7/2023, đã mở ra chương mới cho giao thương giữa hai nước. Hiệp định này không chỉ thúc đẩy trao đổi hàng hóa mà còn hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại, logistics và các dịch vụ hỗ trợ vùng biên.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, các hội chợ thương mại quốc tế thường niên tại khu vực biên giới giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh số từ 10-12%. Đồng thời, việc tham gia hội chợ, triển lãm và hội nghị kết nối giao thương tại Campuchia đã góp phần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi hàng hóa giữa An Giang và các tỉnh, thành phố của Campuchia.
Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, năm 2023 kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu An Giang đạt gần 2,47 tỷ USD. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, con số này đã chạm mốc 520 triệu USD.
Tính đến năm 2021, Việt Nam – Campuchia đã phát triển 11 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 26 cặp cửa khẩu phụ. Các cửa khẩu quốc tế được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, gồm nhà kiểm soát liên hợp, quốc môn và hệ thống giao thông nội bộ, tạo điều kiện thông quan nhanh chóng và hiệu quả. Theo quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia có 60 cửa khẩu, trong đó có 20 cửa khẩu quốc tế, 14 cặp cửa khẩu chính và 26 cửa khẩu phụ.
Những bước tiến trong giao thương biên giới là minh chứng rõ nét cho quan hệ kinh tế khăng khít giữa Việt Nam và Campuchia. Với các hiệp định song phương và sự đầu tư vào hạ tầng cửa khẩu, giao thương xuyên biên giới hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho cả hai bên.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/cua-khau-bien-gioi-mach-noi-kinh-te-viet-nam-va-campuchia-207971.html