Những năm gần đây, người dân, nhất là những cư dân ở các thành phố, đô thị lớn ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.
Người dân chọn mua các loại nông sản sạch tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Hà
Tiêu dùng ngày nay không chỉ đòi hỏi về chất lượng sản phẩm, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về tính xã hội và tính nhân văn của từng sản phẩm. Một số người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao hơn đối với những sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn sản xuất xanh, có thông điệp bền vững, xem đó là tiêu chuẩn cho một sản phẩm chất lượng cao.
Dần thay đổi thói quen tiêu dùng
Trong những năm gần đây, sự quan tâm của người dân đối với môi trường đã được cải thiện. Với nhận thức ngày càng cao, người dân, nhất là ở đô thị quan tâm hơn đến việc tiêu dùng xanh, đòi hỏi cao hơn về chất lượng, sự thông minh và tiện dụng của sản phẩm. Đặc biệt là những sản phẩm ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường.
Đã thành thói quen, mỗi lần đi chợ là chị Nguyễn Thị Kim Dung (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) lại đem theo chiếc giỏ đan bằng mây tre để đựng thực phẩm như rau củ quả, gia vị. “Túi ny-lông tiện dụng và rẻ nhưng vô cùng gây hại cho môi trường và sức khỏe. Thử nhẩm tính mỗi sạp hàng, mỗi lần mua bất cứ thứ gì từ mớ rau con cá đến trái chanh, trái ớt đều sử dụng bao ny-lông thì mỗi ngày lượng rác thải nhựa sẽ quá tải như thế nào? Để thay đổi thói quen của người tiêu dùng sẽ phải mất nhiều thời gian nhưng với sự sẵn sàng, hiểu biết, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh tại đô thị sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn” – chị Kim Dung nói.
Khảo sát đầu năm 2023 của NielsenIQ – một công ty về nghiên cứu thị trường cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện. |
Tương tự, chị Kim Hoàng (P. Thống Nhất, TP. Biên Hòa) cho hay, những ngày bận rộn chị thường đặt đồ ăn online. Chị thường tham khảo lựa chọn cửa hàng nào sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng với môi trường như: ly, hộp, ống hút bằng giấy hoặc tre nứa, bã mía… thì chị mới đặt.
“Một thao tác mà có lẽ nhiều người mua sắm hiện đại ít chú ý, là ở bước thanh toán của các ứng dụng giao đồ ăn online sẽ có lựa chọn “lấy dụng cụ ăn uống” hoặc không, việc lựa chọn thế nào góp phần thể hiện sự văn minh, hành động vì môi trường từ chính hành động nhỏ của những người tiêu dùng hiện đại. Theo tôi, việc xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững chính là kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tốt đẹp” – chị Kim Hoàng chia sẻ. Ngoài tiêu dùng xanh thì gần đây trào lưu mua sắm xanh cũng bước đầu có những tín hiệu tích cực đến với người dân, nhất là giới trẻ.
Bên cạnh việc cân nhắc kỹ xem các sản phẩm, dịch vụ có cần thiết hay không, việc sửa chữa/thay đổi các sản phẩm thay vì mua mới, giải pháp thuê/cho thuê hay “cũ người mới ta” cũng được cân nhắc kỹ lưỡng. Cụ thể như fanpage Give Away Biên Hòa hoạt động từ những năm 2018, đã nhận ký gửi cho hơn 4 ngàn khách ở Biên Hòa, bán ra hơn 46 ngàn sản phẩm cũ, góp phần giúp người tiêu dùng vừa có thêm nguồn thu từ đồ cũ, vừa bảo vệ môi trường.
Hướng tới các giá trị bền vững
Tiêu dùng xanh xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống của con người. Hiện nay, người tiêu dùng trên cả nước nói chung và tại các đô thị nói riêng đang dần dần hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.
Chủ tịch Hội doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh chia sẻ, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà còn quan tâm nhiều đến các yếu tố an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc – xuất xứ, hay công dụng, tính năng sản phẩm, hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng…
Đồng Nai đã có kế hoạch về sản xuất, tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030. Theo đó, tỉnh khuyến khích phát triển, sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên, vật liệu có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế. |
Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai nhấn mạnh, xu hướng tiêu dùng xanh mang tính xã hội sâu sắc với những sản phẩm nhãn xanh, nhãn an toàn, sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về môi trường, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng, hướng tới kinh tế xanh, bền vững… Bên cạnh đó, các DN, đơn vị cung ứng cần đảm bảo đạo đức, chữ tín trong sản xuất, kinh doanh, từ đó giữ vững thương hiệu của DN, xây dựng môi trường kinh doanh – tiêu dùng lành mạnh, văn minh.
Việc phát triển các hệ thống siêu thị, bán lẻ hiện đại góp phần không nhỏ trong việc đưa các sản phẩm xanh, sạch đến gần hơn với người tiêu dùng vì đa số đều được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả với hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã áp dụng nhiều chương trình thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh, khuyến khích người dân sử dụng các bao bì thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phổ biến rộng các mô hình này là không dễ dàng. Việc này cần có lộ trình dài hơi với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với từ khu vực dân cư bởi giá thành để sản xuất các mặt hàng, sản phẩm xanh còn cao. Đại diện một số siêu thị trong tỉnh cho hay, nhiều trào lưu về sử dụng các loại ny-lông dễ phân hủy, lá chuối, bã mía… để làm bao bì cũng nhanh chóng “hụt hơi” vì thiếu tính tiện lợi, bền, rẻ so với các loại bao bì ny-lông thông dụng.
Cùng với đó, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, thói quen mua hàng qua mạng cũng kéo theo sự tăng trưởng nhanh và nhiều túi ny-lông, hộp nhựa… bởi khi vận chuyển thức ăn, hàng tiêu dùng, các loại bao bì thân thiện với môi trường đều khó đáp ứng các tiêu chí “bền, rẻ, tiện lợi”.
Theo nhiều chuyên gia, để các loại sản phẩm xanh nên phổ biến rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững, các DN sản xuất, cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để người tiêu dùng ngày càng quan tâm, tìm hiểu và dần thay đổi thị hiếu, thói quen tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường.
Hải Hà