Theo đánh giá của một số chuyên gia về môi trường, ngành nông nghiệp của Đồng Nai có nhiều cơ hội để bán tín chỉ carbon, bởi trên địa bàn tỉnh hiện có gần 170 ngàn hécta cây lâu năm và hơn 141 ngàn hécta cây hàng năm. Nếu tỉnh áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn, hữu cơ thì đây là cơ sở để phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Dự kiến trong thời gian tới, thị trường mua bán tín chỉ carbon ngày một sôi động, vì thế ngành nông nghiệp Đồng Nai cần phải đón đầu xu hướng trên để tăng cao lợi nhuận cho ngành nông nghiệp. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có tính toán cụ thể một hécta cây trồng lâu năm, cây hàng năm sẽ đạt được bao nhiêu tín chỉ carbon. Vì thế, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trên cả nước rất cần Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm có đánh giá và công bố tín chỉ carbon có được từ cây trồng lâu năm và cây hàng năm. Đây sẽ là cơ sở cho các tỉnh, thành tính toán số lượng tín chỉ carbon có được trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy, khi thị trường carbon được thành lập và đi vào hoạt động, các địa phương có thể đưa tín chỉ carbon lên sàn giao dịch để chào bán.
Vừa qua, các tổ chức thế giới đã mua tín chỉ carbon của Việt Nam với giá 5 USD/tín chỉ. Theo tính toán của các chuyên gia, riêng ngành nông nghiệp Việt Nam có thể tạo ra khoảng 57 triệu tín chỉ carbon/năm, nếu bán được sẽ thu về gần 300 triệu USD. Riêng tại Đồng Nai, ngành nông nghiệp có thể tạo ra vài triệu tín chỉ carbon/năm. Để ngành nông nghiệp tạo ra tín chỉ carbon đồng nghĩa với việc nông dân phải sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn, hữu cơ. Đây cũng là đòi hỏi của nhiều quốc gia trong nhập khẩu nông sản. Như vậy, nông dân sản xuất nông nghiệp theo mô hình xanh, tuần hoàn, hữu cơ sẽ thu được lợi kép. Cụ thể là sẽ tạo ra tín chỉ carbon để bán và nông sản làm ra được dán nhãn xanh, dễ dàng xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… Xuất khẩu nông sản vào được các thị trường lớn, nông dân sẽ có đầu ra ổn định, giá cao và lợi nhuận sẽ tăng.
Theo dự báo, thị trường carbon toàn cầu sẽ đạt 2,4 ngàn tỷ USD vào năm 2027. Đồng thời, quy mô của thị trường này sẽ tiếp tục tăng vào những năm tiếp theo khi ngày càng có nhiều quốc gia cam kết giảm phát thải để tiến đến net zero. Vì thế, Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường carbon thế giới để chào bán tín chỉ carbon nông nghiệp và tín chỉ carbon rừng.
Hương Giang