Tỉnh sẽ thực hiện điều chỉnh về chức năng, phạm vi phục vụ, công suất, công nghệ xử lý và duy trì 4 khu xử lý (KXL) rác sinh hoạt (RSH). Đây là nội dung được đề cập trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Xử lý rác thải sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: H.Lộc |
Việc giảm từ 9 KXL theo quy hoạch còn 4 KXL đối với RSH nhằm tập trung đầu tư công nghệ xử lý, giảm chôn lấp rác.
* Ưu tiên công nghệ đốt
Nhiều năm trước, tỉnh đã quy hoạch 9 KXL chất thải rắn tập trung với tổng diện tích gần 460 hécta. Do không đáp ứng được yêu cầu của tỉnh về giảm tỷ lệ chôn lấp, công nghệ, đơn giá…, một số KXL chất thải đã ngưng tiếp nhận và xử lý RSH.
Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về môi trường, đồng thời tập trung nguồn rác thải để thuận lợi đầu tư công nghệ, tỉnh đưa vào Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nội dung 4 KXL sẽ thực hiện chuyển sang công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng hoặc phát điện; bổ sung công nghệ để xử lý rác trơ, tro xỉ và tro bay thành sản phẩm gạch không nung, vật liệu san lấp nhằm giảm chôn lấp chất thải. Đó là các KXL ở các xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), Bàu Cạn (huyện Long Thành) và Túc Trưng (huyện Định Quán).
Đồng Nai hiện phát sinh khoảng 2,1 ngàn tấn RSH/ngày. Dự kiến đến năm 2025 gần 2,5 ngàn tấn/ngày, năm 2030 gần 3,3 ngàn tấn/ngày. |
Tại Quyết định số 3263/QĐ-UBND ngày 13-12-2023 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra yêu cầu: giai đoạn 2022-2025, 4 chủ đầu tư KXL nói trên phải hoàn thành xây dựng lộ trình, chuyển đổi, bổ sung công nghệ xử lý RSH hiện có với công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng hoặc phát điện theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; bao gồm cả bổ sung công nghệ xử lý chất thải thứ cấp là tro sỉ và rác trơ sau quá trình đốt.
Cũng trong giai đoạn này, tỉnh sẽ hoàn thành thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện giai đoạn 1 Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Nghị quyết 28/NQ-HĐND ngày 22-9-2022 của HĐND tỉnh.
Đến năm 2030, tất cả các KXL trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại, đáp ứng khối lượng và thành phần RSH phát sinh trên địa bàn tỉnh. Tỉnh sẽ chấm dứt hoàn toàn chôn lấp RSH trực tiếp.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Amacao (trụ sở ở Thành phố Hà Nội) Nguyễn Hà cho biết, đơn vị đang xúc tiến đầu tư dự án đốt RSH phát điện tại huyện Định Quán. Nếu thuận lợi, đây sẽ là KXL chất thải đầu tiên của tỉnh chuyển đổi công nghệ xử lý.
“Chúng tôi đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư dự án. Nếu thủ tục này xong trong tháng 4 tới thì cuối năm 2024 chúng tôi sẽ khởi công dự án, khoảng 18-20 tháng sau, tỉnh sẽ có Dự án Đốt rác phát điện” – ông Hà khẳng định.
Nhà đầu tư này cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tạo điều kiện thẩm định, giải quyết hồ sơ, thủ tục nhanh; đảm bảo nguồn rác khi nhà máy đi vào hoạt động (quy mô công suất 1 ngàn tấn/ngày).
* Không chôn lấp rác trực tiếp
Đồng Nai hiện có tỷ lệ chôn lấp RSH thấp nhất cả nước, dưới 15%. Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh ban hành cuối năm 2023 đặt ra mục tiêu chấm dứt chôn lấp rác trực tiếp vào năm 2030.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, giảm tối đa, tiến tới không chôn lấp trực tiếp chất thải là quyết tâm của tỉnh vì lợi ích lâu dài về môi trường, xã hội và kinh tế. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, quyết liệt và có trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, chủ đầu tư KXL chất thải, từng người dân.
Phải giảm lượng chất thải rắn phát sinh tại nguồn, giảm chất thải nhựa thông qua phân loại thu hồi phế liệu; tăng cường tái sử dụng các vật liệu, sản phẩm từ chất thải; tái chế rác thải thành các sản phẩm mới. Chủ đầu tư KXL phải đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý triệt để các loại chất thải không thể tái sử dụng, tái chế; xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, phát điện, hướng tới hoạt động xử lý ổn định, bền vững và không chôn lấp.
“Phải làm sao để các dự án xử lý chất thải trở thành điểm học tập về môi trường cho học sinh và cộng đồng. Từ đó nâng cao trách nhiệm của mọi người với môi trường” – Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi bày tỏ.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Trần Trọng Toàn cho rằng, tỉnh đã đưa ra mục tiêu, lộ trình, yêu cầu về công nghệ xử lý chất thải đối với các chủ đầu tư KXL rất rõ ràng. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và môi trường cùng các sở, ngành liên quan sẽ theo dõi, giám sát, tổ chức kiểm tra tình hình đầu tư các dự án xử lý chất thải về thực hiện các nội dung theo giấy chứng nhận đầu tư, về sử dụng đất, xây dựng, bảo vệ môi trường. KXL chất thải nào không đáp ứng được các yêu cầu sẽ không được tham gia đấu thầu, xử lý chất thải.
Các giải pháp tỉnh đưa ra để hỗ trợ nhà đầu tư là bố trí quỹ đất phù hợp cho dự án nhà máy xử lý RSH; các hạng mục, công trình tái chế nhằm giảm thiểu chôn lấp và tiết kiệm tài nguyên. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư liên danh, liên kết áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường vào hoạt động. Thực hiện điều chỉnh về chức năng, phạm vi phục vụ, công suất để các dự án sau đầu tư hoạt động ổn định và hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh cũng bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai để đảm bảo nguồn vay ưu đãi cho các chủ đầu tư dự án môi trường thực hiện chuyển đổi công nghệ…
Hoàng Lộc