Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo khi đặt phòng khách sạn, resort qua mạng có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt vào mùa cao điểm du lịch. Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự tiện lợi của nền tảng trực tuyến để giăng bẫy, khiến không ít người mất tiền oan. Các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý người tiêu dùng.
Phương thức lừa đảo tinh vi
Một trong những phương thức phổ biến mà kẻ gian sử dụng là lập các fanpage giả mạo tên các khách sạn, resort nổi tiếng. Những trang này thường đăng tải hình ảnh đẹp, thông tin hấp dẫn, mức giá ưu đãi để thu hút khách hàng.
Ngay trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, anh N.K.T. (ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) đã gặp phải tình huống lừa đảo tinh vi. Anh T. đặt 1 phòng đôi từ ngày 17 đến ngày 19-1 trên một fanpage có tên “Khach san Dhawa Ho Tram” trên Facebook. Sau khi được tư vấn, anh T. chuyển khoản đặt cọc 4,5 triệu đồng.
Ngay sau đó, trang này thông báo anh chưa đặt phòng thành công vì ghi sai nội dung của mã đặt phòng. Kẻ gian đã gửi một đường link dẫn đến tài khoản Facebook cá nhân có tên Thành Trung và yêu cầu anh T. liên hệ với người này để được hỗ trợ nhận lại số tiền.
Tiếp tục liên hệ với tài khoản Thành Trung, người này yêu cầu anh T. gọi video chia sẻ màn hình và thao tác trên ứng dụng ngân hàng. Đây thực chất là một cái bẫy khác, có thể khiến nạn nhân mất thêm tiền hoặc bị đánh cắp thông tin ngân hàng.
Tin nhắn lừa đảo cực kỳ tinh vi. Ảnh: NVCC |
Làm giả phiếu nhận đặt phòng để đưa con mồi vào “tròng”. Ảnh: NVCC |
Gần đây còn có trường hợp du khách đặt phòng trên fanpage giả mạo một cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng cũng với thủ đoạn tương tự.
Trên thực tế, nhiều nhóm đối tượng lừa đảo lựa chọn hình thức lập fanpage giả mạo rồi thực hiện chiêu trò hack để có số lượt yêu thích và theo dõi lớn trên Facebook.
Các nhóm này có thể chạy quảng cáo để fanpage giả hiển thị đầu tiên khi người dùng tìm kiếm thông tin về khách sạn. Hơn nữa, các đối tượng này còn đánh cắp bài viết từ fanpage chính chủ, sau đó mua lượt thích, bình luận ảo để tạo lòng tin. Điều này khiến nhiều du khách dễ bị đánh lừa, đặc biệt là những người lần đầu đặt phòng tại khách sạn đó.
Nhiều khách hàng sau khi bị lừa đã cố gắng báo cáo trang Facebook lừa đảo nhưng không có tác dụng. Các trang đó vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Trước tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực du lịch ngày càng gia tăng, ngày 12-2, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã có văn bản số 253/CDLQGVN-QLLT gửi Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, sở du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin của cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nói chung và cơ sở lưu trú du lịch nói riêng trước khi đặt dịch vụ, thực hiện giao dịch thanh toán; chỉ nên đặt dịch vụ tại các website, fanpage chính thức của đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch do cơ quan quản lý du lịch địa phương cung cấp hoặc qua các nền tảng đặt dịch vụ có uy tín.
Nhiều dấu hiệu để “nhận diện” lừa đảo
Thực tế, có rất nhiều dấu hiệu để nhận diện một fanpage giả mạo. Một trong số đó là trang mới lập, đăng bài dồn dập trong khoảng thời gian ngắn, cách đặt tên không chuyên nghiệp, chỉn chu (viết thường, viết tắt).
Ngoài ra, nhiều fanpage giả mạo có lượt theo dõi cao nhưng lại không có bình luận thật từ khách hàng thực sự.
Anh T. chia sẻ: “Để nhận biết được fanpage có uy tín hay không, có thể tìm hiểu hoặc nhìn vào nhóm bạn bè chung của mình đã từng đặt phòng và họ có thích, theo dõi trang thì đó có thể là trang uy tín”.
Ngoài ra, du khách có thể tìm kiếm số điện thoại chính thức của khách sạn trên Google để gọi điện xác nhận.
Hiện nay, không ít khách sạn có hơn chục fanpage “thật giả lẫn lộn” trên Facebook. Thậm chí, có những trường hợp trang giả mạo còn có lượt thích và theo dõi cao hơn trang chính thức. Điều này khiến việc phân biệt thật giả trở nên khó khăn hơn.
Hàng chục fanpage “thật giả lẫn lộn” trên Facebook khiến khách hàng không thể phân biệt |
Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, tình trạng lừa đảo các dịch vụ du lịch qua mạng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho du khách, gây bức xúc trong dư luận mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở kinh doanh du lịch chân chính nói riêng và ngành du lịch Đồng Nai nói chung.
Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị các sở, ngành liên quan, Hiệp hội Du lịch và UBND các huyện thành phố hỗ trợ, phối hợp tuyên truyền tới các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân để hiểu biết về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo mới trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ khách hàng; thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các nền tảng thông tin, trang mạng xã hội giả mạo cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của mình; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan; không lan truyền hoặc lợi dụng các thông tin sai lệch về cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để gây sự chú ý của du khách.
Tăng cường áp dụng các biện pháp bảo mật, ngăn chặn các hành vi xâm nhập, giả mạo; cung cấp thông tin các website, fanpage, nền tảng mạng xã hội chính thức gửi Sở Văn hóa, thể thao và du lịch để tăng cường thông tin nhận diện fanpage, website chính thức nhằm tránh tình trạng bị giả mạo.
Thực tế cho thấy, các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, khiến nhiều người dù cẩn thận vẫn có thể rơi vào bẫy. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, kẻ gian có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn trước.
Trong bối cảnh đặt phòng và giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến, người dân cần chủ động tìm hiểu và trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân. Chỉ cần một chút bất cẩn là có thể trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp. Vì vậy, hãy luôn cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch để có những chuyến du lịch an toàn, trọn vẹn.
Người dân nếu gặp phải các trường hợp lừa đảo, vui lòng liên hệ theo số điện thoại 0903.324792 (Chánh Thanh tra sở) hoặc 0918.354462 (Phó trưởng phòng Phòng Quản lý thể thao và du lịch), Sở Văn hóa, thể thao và du lịch để tiếp nhận thông tin và xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Minh Hạnh
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202502/chua-kip-tan-huong-ky-nghi-tien-da-boc-hoi-vi-dat-phong-khach-san-qua-fanpage-gia-e284834/