Ông Phạm Duy Hiếu từng được biết đến là CEO trẻ nhất ngành ngân hàng Việt Nam khi trở thành CEO của VietABank và sau đó là ABBANK khi mới 34 tuổi. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Startup Vietnam Foundation – SVF), Chủ tịch VMI – Sáng kiến Cố vấn khởi nghiệp Việt Nam, CEO iValue Holdings.
Ông Phạm Duy Hiếu |
Có thể nói, SVF là một trong những quỹ hỗ trợ khởi nghiệp xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam. Năm 2014, trong khi nhiều người tại Việt Nam chưa biết đến khái niệm khởi nghiệp (startup) là gì, thì SVF đã bắt đầu có những hoạt động đầu tiên nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại các tỉnh, thành, tập trung vào mảng nông nghiệp.
* Thêm sức sống mới cho hoạt động khởi nghiệp
* SVF là nơi “đỡ đầu” cho những dự án khởi nghiệp phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ông có thể điểm lại một số thành quả mà “người bắc cầu” SVF đã và đang thực hiện, hướng tới?
– Lúc khởi đầu, chúng tôi tâm niệm nông nghiệp và công nghệ thông tin là hai lĩnh vực mà Việt Nam có ưu thế và có thể ra biển lớn (Go global) nên có sự lựa chọn này. Với nguồn lực hữu hạn, chúng tôi đã đỡ đầu cho một số nhóm khởi nghiệp lúc đó như: Nấm tươi cười – Quán quân Startup Việt năm 2017; CXT30 – giống lúa có sức sống mạnh mẽ, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp tái tạo hệ sinh thái; Tiêu Bầu Mây – sản phẩm đã xuất khẩu đi các nước Mỹ, Nhật, Australia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất…
Đến nay, một số startup thời kỳ đó vẫn đang phát triển tốt, một số phải thay đổi sản phẩm mô hình, một số tan rã rồi tái khởi nghiệp… Tuy nhiên, ít người bỏ cuộc!
Sau này, chúng tôi đã đóng gói quy trình đỡ đầu này để chuyển giao cho các tỉnh, thành, giúp họ tự tổ chức ươm tạo các nhóm khởi nghiệp tại địa phương, huy động nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra những tác động xã hội lớn hơn.
* Quy trình đỡ đầu đã được chuyển giao cho các địa phương. Vậy các địa phương cần làm gì để nâng chất các dự án khởi nghiệp này?
– Thế giới đang dịch chuyển rất nhanh. Người ta không thể đập bỏ một nhà máy để nhanh chóng xây dựng một nhà máy khác, trong khi các công ty nhỏ thì đổi mới rất nhanh, sáng tạo rất nhiều và họ chiến thắng.
Do đó, tiềm lực của đổi mới sáng tạo nằm ở con người, nên ở đâu có con người, ở đó có tiềm lực đổi mới sáng tạo. Muốn nâng chất các dự án khởi nghiệp, hãy nâng chất con người, nâng chất các nhóm khởi nghiệp. Hãy kêu gọi các tổ chức như thế đến hợp lực, cùng nhau hành động, cùng nhau phát triển vì tiềm năng của con người chúng ta là vô tận.
* Trong thời kỳ kinh tế biến động, khó khăn như hiện nay, làm sao để làn sóng các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp mới ở các địa phương có thể tận dụng cơ hội, vươn tầm và chinh phục thị trường trong và ngoài nước?
– Khó khăn mới là cơ hội! Trong điều kiện thuận lợi, chúng ta rất khó bám đuổi những người đi trước, những quốc gia đi trước. Tựa như trên làn đường cao tốc, ta khó mà bắt kịp với những siêu xe tốc độ. Nhưng khi kinh tế biến động khó khăn, bước vào đường núi ngoằn ngoèo, hiểm trở, các siêu xe tốc độ sẽ phải nhường vị trí cho những chiếc xe nhỏ bé có tính linh hoạt, thích ứng cao.
Đối với làn sóng khởi nghiệp như hiện nay, đừng coi đó là một phong trào, hãy xem khởi nghiệp là thái độ sống. Đó là thái độ sống tích cực, đối mặt với các vấn đề của xã hội và giải quyết nó bằng khả năng sáng tạo, cam kết kỷ luật của mình thay vì phàn nàn, phán xét và trở thành nạn nhân của ngoại cảnh.
* Phát triển con người là nền tảng thành công cho các tổ chức
* Những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, ông dành rất nhiều tâm huyết vào mục tiêu phát triển con người. Ông đánh giá như thế nào về con người trong phát triển bền vững?
– Ngày nay, người ta thường nhắc đến khái niệm “phát triển bền vững” nhưng tôi ngộ ra rằng đó không phải là cụm từ cố định. Mà bền vững là phải thích ứng liên tục với sự thay đổi. Xã hội và cuộc sống của chúng ta thay đổi từng giây, từng phút nên nếu bền vững mang nghĩa cố định thì chúng ta sẽ không thích ứng được, đồng nghĩa với việc bị loại ra khỏi “cuộc chơi” đó.
Chủ tịch SVF Phạm Duy Hiếu chia sẻ với các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp tại một buổi hội thảo về tư duy đổi mới sáng tạo. Ảnh: NVCC |
Con người trong phát triển bền vững là làm cho bản thân mình trở nên tràn đầy năng lượng tích cực, đồng thời năng lượng ấy phải do chính mình làm chủ. Năng lượng chuyển hóa thành hành động, hành động sẽ mang lại kết quả. Năng lượng là khởi đầu, giúp cho chúng ta có thêm niềm tin, sức mạnh để liên tục học hỏi, cải tiến, phát triển trong thời đại mới.
Bất kể hành trình nào cũng song hành với rất nhiều yếu tố, có người đến người đi, có lúc thuận lúc nghịch. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình chúng ta kiến tạo ra tương lai chính là hành trình dấn thân và trải nghiệm. Chỉ có dấn thân và trải nghiệm mới mang đến cho chúng ta những bài học và sự tiến bộ. Sự tiến bộ đó mang lại sự trưởng thành. Thành công xét cho cùng cũng là do trưởng thành mang đến.
Ngoài là doanh nhân, diễn giả, ông Phạm Duy Hiếu còn là chuyên gia tư vấn xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Theo ông, nếu không có văn hóa doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ loay hoay trong việc thực thi chiến lược. |
* Xu hướng trẻ hóa đang ngày càng diễn ra trong đội ngũ lãnh đạo ở các công ty, các tập đoàn đa quốc gia. Theo ông, việc trao quyền cho người trẻ có lợi thế cũng như thách thức nào?
– Phải trao thôi, nếu không người già sẽ phải làm mãi. Ở một khía cạnh nào đó, tuổi trẻ là lợi thế, đặc biệt khi bạn làm lãnh đạo. Vì trước những vấn đề khó khăn, nan giải, bạn thường đặt câu hỏi cho những người đi trước, người có kinh nghiệm để tìm câu trả lời và lúc đó bạn trở thành người lắng nghe. Điều đó cũng thật tuyệt vời khi bạn là một người trẻ, một người lãnh đạo không có cái tôi, lúc đó cả tổ chức sẽ theo bạn.
Hơn nữa, tuổi trẻ thường có suy nghĩ tích cực, cái gì cũng dám thử “như một đứa trẻ” và nói theo ngôn ngữ chuyên môn là họ có tinh thần “đổi mới sáng tạo”, sẵn sàng làm những điều mới để đưa công ty mình đi lên phía trước. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Thật sự thì mỗi thế hệ sẽ có những điểm mạnh của riêng mình. Đổi mới sáng tạo không hạn chế tuổi tác, đã có nhiều tấm gương người lớn tuổi khởi nghiệp chứng minh điều này. Vì thế, chúng ta hãy tạo ra một sự phối hợp giữa nhiều thế hệ cùng sáng tạo. Như thế thì sự sáng tạo sẽ khai thác được nhiều điểm mạnh.
* Nhìn lại suốt quá trình đã qua, dường như ông lựa chọn đi trên một con đường theo cách rất riêng. Đó là tinh thần xây dựng “hệ sinh thái”, thế hệ doanh nhân tử tế. Theo ông, nên hiểu hai từ “tử tế” như thế nào cho đúng trong nền kinh tế mở?
– Tử tế theo tôi hiểu là làm những việc có lợi cho cộng đồng, cho công ty và cho chính mình. Có những công ty thành công, nhưng có rất ít công ty đáng ngưỡng mộ. Có những nhà lãnh đạo thành công, nhưng có rất ít nhà lãnh đạo đáng ngưỡng mộ.
Sự ngưỡng mộ không đơn giản đến từ con số doanh thu và lợi nhuận, sự ngưỡng mộ đến từ phẩm chất, đến từ cách thức đối nhân xử thế, đến từ những tác động xã hội, đến từ khả năng tạo ảnh hưởng tích cực và lan tỏa những điều tốt đẹp. Với tôi, sự tử tế dù nhỏ đến đâu, cũng không bao giờ là lãng phí.
* Xin cảm ơn ông!
Hải Hà (thực hiện)
.