Ngày 15-3-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN). Điều này được các nhà đầu tư, địa phương kỳ vọng sẽ tháo gỡ những chồng chéo, tạo sự thông thoáng cho công tác quản lý, phát triển.
Sản xuất tại một doanh nghiệp (thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai) đang có nhu cầu vào cụm công nghiệp. Ảnh:V.Gia |
Bên cạnh nghị định này, Luật Đất đai mới cũng sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2025. Những chính sách, quy định mới khi được triển khai có thể mang lại tín hiệu tích cực hơn đối với sự phát triển của hệ thống CCN trên địa bàn cả nước.
Nghị định mới cho phát triển CCN
Nghị định 32/2024/NĐ-CP có quy định nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN. Cụ thể, nghị định quy định ưu đãi đầu tư đối với CCN là địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
Ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài CCN trên địa bàn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự năm 2022. Trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các cụm đã đi vào hoạt động; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của cụm CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, CCN phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống. Mức hỗ trợ từ Nhà nước không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong cụm.
Theo nhiều doanh nghiệp và chủ đầu tư hạ tầng thì việc khống chế quy mô diện tích CCN với quy mô không vượt quá 75 hécta vẫn chưa được thay đổi. Điều này trong tương lai sẽ bất cập khi số lượng doanh nghiệp thứ cấp ngày càng tăng nhanh.
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cũng sẽ hỗ trợ kinh phí trong hoạt động của CCN. Trong đó, địa phương hỗ trợ lập dự án đầu tư, chi phí vận chuyển, lắp đặt máy móc, dây chuyền thiết bị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình trong làng nghề, khu dân cư di dời vào trong cụm. Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định.
Trong việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, nghị định mới cũng giao quyền chủ động cho các địa phương ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khi có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng CCN đáp ứng quy định. UBND cấp tỉnh sẽ thành lập hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư để chấm điểm theo thang điểm 100 nhằm lựa chọn các nhà đầu tư phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, nghị định hướng tới sự đồng bộ, thống nhất hơn với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có hiệu lực pháp lý cao hơn như: Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Luật Đất đai năm 2024… Chính phủ cũng phân cấp mạnh hơn cho các địa phương để dễ triển khai thực hiện.
Kỳ vọng vào hiệu quả thực tiễn
Ngay sau khi có nghị định mới về quản lý, phát triển CCN, Bộ Công thương đã có văn bản gửi các địa phương nhằm triển khai thực hiện. Bộ đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo xúc tiến đầu tư, thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN. Bộ cũng lưu ý việc thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; xử lý dứt điểm các cụm, dự án trong cụm gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, chậm tiến độ.
Tại Hội nghị Gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã do UBND tỉnh tổ chức mới đây, Trưởng phòng Công nghiệp (Sở Công thương) Nguyễn Hoàng Quyên cho hay, Đồng Nai quy hoạch nhiều CCN nhưng tiến độ đầu tư hạ tầng vẫn chưa đạt yêu cầu. Với nghị định mới của Chính phủ về phát triển CCN và những điểm mới, thủ tục gọn hơn trước đây, Đồng Nai kỳ vọng việc lựa chọn nhà đầu tư các cụm sẽ nhanh hơn. Đây cũng là điều kiện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các CCN để cho các doanh nghiệp bên ngoài chuyển vào.
Về phía nhà đầu tư hạ tầng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long cho hay, nhu cầu vào CCN của các doanh nghiệp, hội viên trong hội là rất lớn. Trước đây, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã tiến hành khảo sát trong các hội viên của mình, từ đó lên ý tưởng xây dựng một CCN để ưu tiên phục vụ các thành viên trong hội. Tuy nhiên, việc triển khai dự án vẫn đang gặp vướng mắc vì nhiều khó khăn. Khi có các quy định mới của Nhà nước được ban hành về phát triển CCN, hỗ trợ phát triển hạ tầng và Luật Đất đai mới có hiệu lực thì các doanh nghiệp kỳ vọng tiến độ này sẽ được triển khai nhanh.
“Chúng tôi đang kỳ vọng chính sách mới của Nhà nước được triển khai trên thực tế và việc đấu thầu, thực hiện dự án của doanh nghiệp thuận lợi hơn” – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Long Lê Bạch Long chia sẻ.
Văn Gia