Hiện nay, Đồng Nai đã xuất khẩu hàng hóa vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, hàng hóa chủ yếu xuất qua một số thị trường như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Dù được Bộ Công thương đánh giá là tỉnh có các doanh nghiệp tiếp cận với các FTA (hiệp định thương mại tự do) nhanh nhưng thực tế, nhiều thị trường đã có FTA chưa được khai thác tốt. Đơn cử như: Hiệp định Thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết với 27 nước khu vực châu Âu, song hàng hóa của Đồng Nai chủ yếu bán vào được 5-6 nước; còn những nước khác trong khu vực châu Âu sản phẩm bán qua rất ít, chủ yếu qua doanh nghiệp trung gian.
Hiện Việt Nam có 16 FTA đã có hiệu lực với khoảng 60 đối tác phủ rộng khắc các châu lục, chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu. Các FTA trên có nhiều dòng thuế đã và đang giảm về 0%. Đây là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Đồng Nai cũng như cả nước mở rộng xuất khẩu vào những thị trường đã ký các FTA để hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Theo Bộ Công thương, các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp của Việt Nam có rất nhiều cơ hội để xuất khẩu vào các thị trường trên thế giới. Đặc biệt là các nước Việt Nam đã có ký kết FTA, vì các nước này có nhu cầu rất lớn về hàng hóa, trong đó có nhiều mặt hàng Việt Nam đang có sẵn như: trái cây, rau, củ, quả, thủy sản, sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, linh kiện điện tử… Tuy nhiên, muốn xuất khẩu vào các thị trường trên thì doanh nghiệp phải tìm hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng, hàng rào kỹ thuật của từng nước. Từ đó, có kế hoạch sản xuất sản phẩm phù hợp với từng thị trường và hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) Tạ Hoàng Linh chia sẻ, hiện có nhiều tập đoàn thu mua lớn trên thế giới như: Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ); Falabella (Chile); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan)… đang muốn tìm nguồn cung hàng hóa từ Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể liên hệ trực tiếp với các tập đoàn, thương vụ Việt Nam tại các nước hoặc tham gia triển lãm, xúc tiến thương mại của Bộ Công thương để giới thiệu sản phẩm với các tập đoàn trên, để từ đó có thêm cơ hội đưa hàng hóa xuất khẩu vào các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Có nhiều thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ không còn lo lắng cho đầu ra của sản phẩm.
Khánh Minh