(ĐN)- Đó là một trong những nội dung đáng lưu ý trong Kế hoạch số 154/KH-UBND do UBND tỉnh vừa ban hành để thực hiện Kế hoạch số 310-KH/TU ngày 11-1-2024 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25-10-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ siêu âm cho bệnh nhân. Ảnh: Hạnh Dung |
Trước đây, các trung tâm y tế cấp huyện được giao cho UBND cấp huyện quản lý. Sau đó, các trung tâm này lại được giao cho Sở Y tế quản lý.
Đến nay, việc quản lý các trung tâm y tế lại được giao về UBND cấp huyện quản lý. Các trung tâm y tế thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về y tế, dân số, an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn; có nhiệm vụ quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức hoạt động chuyên môn của y tế cơ sở.
Kế hoạch của UBND tỉnh cũng nêu rõ, kiện toàn tổ chức bộ máy y tế cơ sở bao gồm: y tế khu phố, trạm y tế, trung tâm y tế, y tế trường học, y tế cơ quan, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp. Khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân.
Nếu như trước đây, mỗi phường, xã, thị trấn bất kể dân số, diện tích lớn hay nhỏ chỉ được thành lập một trạm y tế thì nay, việc tổ chức và hoạt động của trạm y tế sẽ phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế – xã hội, khả năng tiếp cận của người dân.
UBND tỉnh giao cho các huyện, thành phố có quy mô dân số, mất độ dân cư cao nghiên cứu, sắp xếp trạm y tế theo quy mô dân số. Các khu công nghiệp cần căn cứ quy mô lao động, điều kiện thực tiễn và nhu cầu để thành lập cơ sở y tế phù hợp.
Tỉnh Đồng Nai hướng tới năm 2030 sẽ có 100% trạm y tế đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; duy trì 100% xã, phường, thị trấn có hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Các trạm y tế, trung tâm y tế thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã, tuyến huyện…
Hạnh Dung