Mùa khô dai dẳng và khốc liệt. Các loại hoa trong vườn còi cọc, lụi dần. Duy những bông phi điểu cánh nhọn màu vàng cam vẫn vươn lên một cách kiêu kỳ. Phòng khách nhỏ được bài trí nhẹ nhàng, trên tường treo bức tranh sơn dầu vẽ ngôi nhà có cái ngõ nhỏ rực nắng, ánh nắng sớm mai quét một đường chênh chếch qua lớp sương mỏng như lụa. Bức tường chính có tấm ảnh khổ lớn chụp dàn nhạc quốc tế, nhạc sĩ Phong Du nổi bật với vầng trán cao, gương mặt thanh tú đậm chất Á Đông. Trên nóc chiếc đàn piano, bình hoa cũ đã được thay bằng một bình hoa mới, khăn trải bàn ăn cũng được thay bằng tấm khăn ren có hoa chìm.
Bà Dịu ngồi co 2 chân trên ghế sofa đọc báo, 2 mắt kèm nhèm, thân hình co rụt lại, mái tóc lưa thưa lộ rõ cả da đầu. Trong khi bà bận rộn với đống sách báo, nhạc sĩ Phong Du ngồi trước máy tính, những nốt nhạc lên xuống trên khuông nhạc như đàn kiến đen làm đôi mắt già nua của ông hấp háy. Không gian lặng tờ. Dội lên rào rào tiếng gõ bàn phím, tiếng ầm ì giao thông ngoài đường, tiếng chim ríu ran trên đám cây ngoài cửa sổ. Gió thốc vào mùi khói hăng bốc lên từ đám đốt lá và rác thải ven con kênh đào sau nhà.
– Con Thảo dạo này không đến tưới vườn. Đất khô nỏ rồi. Bà Dịu nói và bỏ đống báo, đứng dậy đi lấy thức ăn từ tủ lạnh ra, chuẩn bị bữa trưa.
– Nó còn trẻ, thiếu gì việc phải lo. Hôm nay chưa tưới thì mai tưới. Bà phiền lòng làm gì. Nhạc sĩ Phong Du miệng nói, tay gõ bàn phím. Ông có thói quen soạn nhạc trên máy tính – điều hiếm thấy ở lứa tuổi U.90.
Thảo là cháu ngoại của bà Dịu, rớt đại học, ở nhà chờ thi lại. Mỗi tuần một lần, cô đến giúp ông bà dọn nhà và tưới vườn, nhưng thay vì dọn dẹp, Thảo lại bày bừa thêm, cô cũng phóng tay xả nước làm rau và hoa ngã rạp xuống, đất vườn nhão ra như bùn. Cháu làm cây cối chết ngợp mất. Con nhỏ vụng thối này. Bà Dịu nhìn qua cửa sổ mắng cô cháu gái. Thế cho cây cối nó mát mẻ bà ạ. Với lại, mấy ngày cháu mới sang mà. Cô gái cười chống chế, cặp mắt một mí díp lại như sợi chỉ. Xong việc cô cất ống nước, để nguyên quần áo dính đầy lá cỏ và ướt từng mảng lăn ra giường của bà Dịu, lướt điện thoại. Cô thường ngủ ngay sau đó, quăng điện thoại trên nệm, thi thoảng bà Dịu vào nhìn cô cháu, bực bội phát đen đét vào mông Thảo về tội cô ngủ ngày sưng mắt.
Gần trưa, nhạc sĩ Phong Du tắt máy tính, ngồi vào đàn piano. Những ngón tay dài bị thời gian làm cho thô sần của ông chạy trên dãy phím trắng đen. Ánh nắng đổ tràn ngoài cửa sổ làm những vết đồi mồi trên mặt ông nổi rõ. Ông vừa đàn, vừa hát nho nhỏ bằng giọng khàn đục: Cỏ mùa xuân dâng ngập bờ đê …í a…. Em tôi trẩy hội mùa xuân… chứ là mớ bảy mớ ba… Thung thăng lối về…
Nhạc sĩ Phong Du được mời làm giám khảo cuộc thi sáng tác ca khúc cấp tỉnh mở rộng. Trong số gần 200 tác phẩm, ông ấn tượng với ca khúc của tác giả trẻ Nguyễn Hoàng Khánh Duy, đến từ một tỉnh trung du Bắc Bộ. Bài hát có tựa đề Bí mật của mùa xuân. Nhạc sĩ Phong Du bất ngờ vì ca từ, giai điệu, khúc thức… đều rất chỉn chu, tác giả vận dụng dân ca Bắc Bộ với những rằng, thì, là, ơi a, í a… nhuần nhuyễn, những chỗ luyến láy, ngân nga rất tự nhiên và mềm mại.
Nhạc sĩ Phong Du vốn cho rằng ca khúc trẻ hầu hết ca từ sến súa, loanh quanh chuyện yêu đương, giận hờn, than trách… Nhưng Khánh Duy diễn tả tình yêu rất tài tình. Ca từ như bức tranh mô tả sắc xuân trong trẻo, giai điệu nồng nàn, có chút đong đưa lơi lả khiến tâm hồn ông rung động.
– Cậu trai này rồi sẽ tiến xa đây – nhạc sĩ nhủ thầm khi bản nhạc chấm dứt, những âm thanh mỏng manh rung mãi trong ngực ông như tiếng rung cánh của bầy ong mật, gương mặt nhăn nheo vì tuổi tác ngời lên một niềm vui lặng lẽ.
Buổi tối, nhạc sĩ Phong Du ngồi một mình trên ban công. Đèn đường hắt qua hàng rào khiến khu vườn nhỏ tối đen dưới nhà đôi ba chỗ lấp lánh những vệt sáng run rẩy. Gió đêm làm bay những sợi tóc bạc dài mảnh của ông. Ca khúc của chàng trai không hiểu sao cứ trở đi trở lại trong đầu nhạc sĩ, đánh thức ký ức về tuổi thanh xuân đã mờ nhòa. Cái tên Nông trường Tháng Tám nhắc ông nhớ đến một kỷ niệm, một dòng nước mát đã trôi rất xa…
*
Nhạc sĩ Phong Du thường cho rằng, đời ông chỉ có 2 giá trị đáng kể, âm nhạc và tình yêu.
Thời trẻ, Phong Du lủng củng với ông nội, một thương gia chỉ có độc ước mơ cháy bỏng là thằng cháu đích tôn sẽ nối nghiệp mình. Nhờ ông bố có tư tưởng cấp tiến, Phong Du được lên thủ đô học đàn guitar, accordeon, thổi kèn… Tài năng của ông được tung hô, các thiếu nữ thời thượng bị ông hút hồn, yến tiệc làm ông ngây ngất. Cho tới ngày người chú họ từ vùng tạm chiếm về, lôi thốc ông cùng cây đàn accordeon đi phục vụ kháng chiến.
Nhạc sĩ Phong Du đi khắp chiều dài đất nước, miệt mài viết ca khúc, đệm đàn, dạy hát, chỉ huy dàn nhạc, ra nước ngoài biểu diễn… Ông hăm hở sống và sáng tác đến độ có đồng nghiệp bảo nguồn năng lượng dồi dào của ông đủ… kéo cả một đoàn tàu hỏa. Bài hát của Phong Du khi trữ tình sâu lắng, khi sôi sục, bùng cháy. Đôi bài trong số đó thành bản hit của nhiều ca sĩ. Nhưng Phong Du thừa thông minh để không chết chìm trong thành công và danh tiếng do ông tạo ra. Những lời phỉnh nịnh không làm ông thay đổi.
– Đừng bao giờ viết loại nhạc dễ nghe nhưng nhàn nhạt, vô vị và kém sáng tạo. Khác nào một nồi canh suông không bỏ muối. Phong Du nói với học trò của ông, hầu hết còn trẻ.
Tư duy sắc sảo nhưng cực đoan và hiếu thắng, vô số lần nhạc sĩ đã tranh biện, cãi vã rồi làm lành. Ban đêm ông mất ngủ, dằn vặt mình thiếu mềm mỏng, gây thù chuốc oán. Ông nếm trải vị đắng bị “đánh hội đồng” do tính cách “thẳng như nòng súng” gây ra. Đồng nghiệp nhiều người ghét ông. Chỉ bởi ông phản đối họ viết ca khúc như hô khẩu hiệu, những bài hát vừa dễ dãi, vừa có cấu trúc lộn xộn. Để trả đũa ông, người ta phản pháo rằng nhạc Phong Du trúc trắc như đường lên Trúc Lâm Yên Tử, hát xong mệt như vừa… đóng gạch. Nhạc sĩ coi thị phi như muỗi vo ve bên tai. Ông cho rằng những đồng nghiệp kém tài, thất bại, ganh với sự sôi nổi, đầy màu sắc trong cuộc sống của ông.
Tranh minh họa: PHẠM CÔNG HOÀNG |
Khi làm việc với các ca sĩ, nhạc sĩ Phong Du có thói quen kiểm tra kỹ lưỡng phòng thu âm, mic, các bản phối. Mọi thứ phải hoàn hảo. Trong những buổi tập, mặt và cổ ông đỏ như gà chọi, mồ hôi tháo ra ướt đẫm chiếc sơ mi được ủi cẩn thận.
– Hãy hát bằng cả trái tim. Tròn vành rõ chữ. Nhưng đừng trơn tuồn tuột. Vô cảm thì chỉ là thợ hát, không phải nghệ sĩ. Âm nhạc phải như ánh nắng, sưởi ấm tâm hồn con người, vá lành những vết thương, khiến người ta khát sống. Thế mà nghe các cô cậu hát tôi phát bệnh. Cậu A tốt giọng, nhưng không cần phải gào lên như thế. Còn cô Y thì hát như đang ngủ gật, như đang thất tình.
Người bị ông khiển trách dĩ nhiên là buồn. Thật ra, nhạc sĩ Phong Du chỉ muốn truyền sang họ niềm đam mê, tình yêu thắm thiết của ông đối với vạn vật: bầu trời lúc hoàng hôn, những ngọn cỏ run rẩy, bông hoa tỏa hương dịu nhẹ hay những âm vang vô hình mà trái tim ông cảm nhận được. Ở đâu đó, ông đọc được một câu khiến ông cảm động và coi như tuyên ngôn của cuộc đời “trong bất cứ cống rãnh nào anh cũng tìm ra được ngọc trai”.
Với Phong Du, các nhà soạn nhạc là những ông hoàng. Họ có thể dùng ca từ, giai điệu và thanh âm tác động, sửa chữa những khiếm khuyết của đời sống, như thể thẩm mỹ viện sửa chữa và nâng cấp sắc đẹp của phụ nữ. Ông từng ảo tưởng về tài năng của mình cho đến khi cay đắng nhận ra rằng ca khúc của ông tràn đầy tình yêu cuộc sống, yêu con người nhưng chỉ như hạt cát nhỏ nhoi trong sa mạc, không xây lên được tòa lâu đài.
Khi đã cao tuổi, nhạc sĩ Phong Du khoan hòa hơn và chấp nhận cuộc sống như bức tranh sơn dầu loang lổ những vệt màu. Ông hài lòng với đóng góp của riêng ông – một ngọn đèn nhỏ trong rất nhiều ngọn đèn nhỏ chiếu sáng những khoảng tối…
Cùng với âm nhạc, tình yêu của phái đẹp mang lại cho Phong Du những giây phút thăng hoa tuyệt đỉnh, sự chân thành ấm áp lẫn cảm xúc đau đớn, khổ sở. Ông thích sự phục tùng nhưng lại mất hứng khi phụ nữ dâng hiến một cách tự nguyện. Tình yêu trong ông mau chóng tắt nguội dù khi đến với ai ông cũng chân thành, say đắm như yêu lần đầu.
Trong số những bóng hồng lướt qua cuộc đời, nhạc sĩ Phong Du áy náy, có cảm giác phạm tội với một người.
*
Hồi ấy, Nông trường Chè Tháng Tám mời ông về dựng chương trình văn nghệ để tham dự hội diễn ca múa nhạc toàn ngành nông nghiệp. Nông trường nhỏ bé, trải dài trên những quả đồi thấp nằm giữa các dãy núi đá vôi. Đang mùa hoa sở. Sắc trắng tinh khôi bao quanh các nương chè. Người ta xếp cho nhạc sĩ ở một mình trong căn phòng khách tỏa ra khí lạnh và mùi ẩm mốc, ban đêm gió bấc lùa qua khe cửa sổ, rú rít làm Phong Du trằn trọc. Cuộn mình trong chiếc chăn bông dành cho khách có mùi đăng đắng như mùi cỏ khô, ông tự trách mình chủ quan, không mang đủ áo ấm. Nữ công nhân ở đây hầu hết đã cứng tuổi nhưng rất ít người có gia đình. Nổi bật trong số họ là Phiên, cô gái có giọng hát hơi khàn và độ ngân rung hiếm có, lên được các nốt cao, khác biệt với hầu hết ca sĩ đương thời. Trong dàn hợp ca, cô luôn được nhạc sĩ Phong Du chọn là người hát chính. Tiếc là cô không đẹp, người thấp đậm, ngực căng phồng với làn da nâu giòn.
Trong hơn 2 tuần, nhạc sĩ Phong Du làm việc quần quật với đội văn nghệ. Bếp ăn tập thể chỉ có vài món lỏng chỏng, cả đội bí mật dồn mấy suất lại cho “thầy”, sự việc bị phát giác, ông đã suýt rơi nước mắt. Hôm nào Phiên cũng tự tay pha trà cho nhạc sĩ, có hôm cô bẽn lẽn mang tới cho ông một củ sắn nướng bọc trong tờ giấy báo nóng hôi hổi. Một đôi lần, ông ra nương chè cùng các nữ công nhân. Mùa đông, chè chưa ra nụ, lá sẫm lại trong gió rét. Ở một vài cây chè cổ thụ đứng riêng biệt đã xuất hiện búp sớm, những búp chè non tơ tràn đầy nhựa sống khiến tâm hồn yêu cái đẹp của nhạc sĩ rung động. Các cô công nhân hát “hái chè bắt bướm” và cười vang một cách hồn nhiên.
– Đừng yêu anh. Em sẽ khổ… Anh xin lỗi… Phong Du nói với Phiên vào hôm họ ngồi tâm tình bên bờ con suối chảy ra từ một hang ngầm, làn sương mỏng bay là là trên làn nước trong xanh, suốt mùa đông tĩnh lặng như đang thiếp ngủ.
Nhưng sự cô đơn, niềm khát khao và cả sự buông thả của ông nhạc sĩ quanh năm xa nhà đã cuốn cô gái vào dòng xoáy tình ái đầy cám dỗ, khiến cô mê mụ, chìm đắm… Những đêm đông lạnh lẽo trở nên nóng hầm hập. Từ cơ thể căng tròn của cô gái trẻ phảng phất mùi hương ngan ngát của búp chè tươi, nụ hôn của cô cũng mang vị ngọt chát của chè…
Trong đội văn nghệ đã len lén những ánh mắt ngờ vực, ghen tị. Có cả những lời xì xào. Nhưng khi có mặt nhạc sĩ, tất cả lại tuế tóa, khỏa lấp.
Dù vậy, nỗi buồn và sự day dứt vẫn đè nặng lên Phong Du. Cô gái trẻ bị ông cuốn hút có thể do tiếng sét ái tình, mà cũng có thể chỉ là sự ngưỡng mộ của một cô gái trẻ với người đàn ông lịch lãm có tài, theo cảm nhận của cô. Giữa ông và cô hình thành một sợi dây mơ hồ giăng mắc, một điều gì đó bí mật và ngọt ngào mà ông vừa muốn đón nhận, lại vừa muốn đẩy ra. Ông hiểu là cô và ông thuộc 2 thế giới khác hẳn nhau và ông không muốn dấn sâu vào mối quan hệ với cô gái.
Đêm trước khi chia tay, trăng hạ tuần mờ tỏ, cô gái run rẩy vì chưa quen với bàn tay đàn ông ve vuốt, cô khóc, những giọt nước mắt của cô làm tâm hồn ông rối loạn. Ông ôm xiết thân hình trẻ trung của Phiên vào lòng, cảm thấy tràn ngập niềm biết ơn lẫn cảm giác tội lỗi…
Tham dự hội diễn lần đó, Nông trường Chè Tháng Tám thắng lợi tuyệt đối, giành được nhiều huy chương vàng, bạc, Phiên cũng có huy chương bạc tiết mục đơn ca, cả nông trường tưng bừng phấn khởi, nhạc sĩ Phong Du được tung hô như người hùng.
Trở về thủ đô, nhạc sĩ không dứt nghĩ về cô gái trẻ đã yêu ông bằng một tình yêu vô tư, trong trẻo, giấu giếm và tuyệt vọng. Ông cồn cào nhớ tiếng cười, giọng hát, ánh nhìn khắc khoải và những giọt nước mắt ấm nóng của cô. Sau đó vài tháng, ông kiếm cớ đi công tác để ghé vào thăm Phiên. Tim ông đập xao xuyến khi xe leo lên con dốc bị mưa xói lở thành rãnh lớn. Nương chè uốn lượn quanh những quả đồi lúp xúp và những cây sở cổ thụ vẫn như xưa. Hương chè thoang thoảng trong không gian xanh mướt, xa xa những vách núi bảng lảng sương như tranh thủy mặc. Dãy nhà tập thể của công nhân nữ phơi đầy quần áo. Một nữ công nhân lớn tuổi ý nhị cho ông biết rằng ông vừa rời đi thì Phiên đã xin nghỉ việc, trông cô rất buồn, mắt sưng mọng. Ông buồn bã quay ra, lòng trĩu nặng. Từ đó, ông vùi ký ức về cô gái xuống tận nơi sâu thẳm của tâm hồn.
Nhạc sĩ gặp lại người tình thời “trẻ trâu” sau cuộc hôn nhân dở dang và tóc trên đầu đã bạc quá nửa. Bà Dịu trở thành hồng nhan tri kỷ, người biết im lặng khi ông cần cô đơn, người mỗi ngày cơm bưng nước rót và chịu đựng tính nóng như lửa cùng những thói tật của ông. Hơn bất cứ ai, ông cần bà và hàm ơn người phụ nữ nhẫn nhịn, giàu đức hy sinh.
*
Không khí xuân đã len lỏi qua tấm rèm cửa, qua những nụ mai vàng bé như chiếc cúc áo, long lanh như hạt ngọc, qua cả những âm thanh phố xá rộn ràng. Trong nhà nhạc sĩ Phong Du đã tràn ngập hoa và những túi quà của người thân cùng học trò. Nhạc sĩ vẫn chơi đàn vào mỗi buổi sáng, ông chưa quên những bài hát của Khánh Duy. Nhưng tuổi già làm ông dễ mệt mỏi cả thần trí lẫn cơ thể và ông không muốn nghĩ lâu về bất cứ chuyện gì.
Sáng nay, bưu điện mang đến nhà cho nhạc sĩ Phong Du một lẵng hoa lộng lẫy, kèm một phong bao đựng thiệp chúc Tết và lá thư viết tay, những con chữ đẹp và cứng cáp.
“ Thưa nhạc sĩ Phong Du kính mến!
Cháu là Khánh Duy, tác giả ca khúc Bí mật của mùa xuân đoạt giải B cuộc thi vừa rồi đấy ạ. Thật may vì cuộc thi cho những thí sinh ở rất xa như cháu được tham gia. Cháu và mẹ lên Google và được biết ông tham gia hội đồng giám khảo. Bà ngoại từng kể rằng hồi bà còn trẻ, ông đã đến dạy hát cho đội văn nghệ nông trường của bà. Bà cháu luôn mong ước cháu sẽ theo con đường âm nhạc. Hôm biết tin có giải, cháu mừng lắm và đã thắp hương cho bà ngoại. Chắc bà rất vui. Cháu mong có dịp đến thăm ông.
Gia đình cháu chúc ông bà đón xuân mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi.
Khánh Duy”.
Nhạc sĩ Phong Du ngồi lặng đi, bàn tay nổi gân màu nâu đất đặt trên ngực trái, như muốn ghìm bớt nỗi xúc động. Hơi thở của ông nặng và khô. Trí óc mịt mờ vì tuổi tác của ông chợt rạng lên, như được chiếu rọi bởi một luồng ánh sáng lạ kỳ. Lời lẽ bức thư có chút dè dặt nhưng tràn đầy cảm xúc. Lẽ nào… Những đồi chè uốn lượn, hoa sở trắng muốt và con suối mơ màng như đang ngủ. Nổi bật trên màu xanh của nương chè, cô gái có giọng hát khàn ngân rung đang đưa tay vẫy ông, mắt cô ngấn lệ…
Trái tim nhạc sĩ Phong Du hân hoan, lại như vừa bị một vết bỏng…
Truyện ngắn của nhà văn Hoàng Ngọc Điệp
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202501/bi-mat-cua-mua-24c431b/