(ĐN)- Ngày 21-3, Tòa án nhân dân tỉnh tiếp tục mở phiên tòa xét xử và tiến hành phần tranh luận đối với 32 bị cáo về tội trốn thuế trong đường dây buôn lậu xăng, dầu liên tỉnh (chuyên án 920G).
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Tố Tâm |
Trong phần luận tội, Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh đề nghị mức án đối với các bị cáo (cùng ngụ TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) gồm: Mai Thị Dần (57 tuổi) mức phạt tiền từ 3 – 3,5 tỷ đồng; Nguyễn Đức Chuyên (62 tuổi, chồng Mai Thị Dần) mức án từ 18 – 20 tháng tù và hình phạt bổ sung là 100 triệu đồng; Nguyễn Đức Dần (37 tuổi, cháu bị cáo Chuyên) từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù; hình phạt bổ sung là 100 triệu đồng.
Ngoài ra, các bị cáo khác cũng đã bị Viện KSND tỉnh đề nghị mức án cao nhất là 20 tháng tù.
Xác định chủ mưu
Viện KSND tỉnh xác định, bị cáo Nguyễn Đức Dần là chủ mưu của vụ án nên xét thấy cần thiết phải đề nghị một mức án hình phạt tù đủ nghiêm để cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội trong một thời gian nhất định nhằm giáo dục và phòng ngừa chung.
Đại diện VKSND tỉnh phát biểu tranh luận tại phiên tòa ngày 21-3. Ảnh: Tố Tâm |
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, bị cáo Mai Thị Dần cùng chồng là bị cáo Chuyên góp vốn thành lập Công ty TNHH Hà Lộc (gọi tắt Công ty Hà Lộc,thành phố Vũng Tàu) với ngành nghề kinh doanh là mua bán xăng, vận tải xăng, dầu đường biển và đường bộ; …
Vào năm 2018, được sự đồng ý của Mai Thị Dần, Đức Chuyên và Đức Dần đã thành lập Công ty Đầu tư thương mại dịch vụ vận tải Hà Anh với mục đích tách tàu biển ra khỏi Công ty TNHH Hà Lộc để hoạt động riêng. Bị cáo Đức Dần được bị cáo Đức Chuyên và Thị Dần đồng ý cho sử dụng nhân viên, thuyền trưởng, thuyền viên và tàu biển của Công ty Hà Lộc.
Đức Dần đã điều động tàu ra biển theo hướng phao số 0 (biển Vũng Tàu) thuộc vùng biển Việt Nam để mua xăng, dầu rồi đem bán ra thị trường Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ ngày 6-7-2020 đến ngày 8-10-2021, Đức Dần đã mua tổng cộng hơn 7,4 triệu lít xăng và hơn 2,1 triệu lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ nhập vào kho xăng, dầu của Công ty Hà Lộc. Các bị cáo đã trốn thuế tổng số tiền hơn 15,2 tỷ đồng.
Các bị cáo khác là kế toán, giám đốc, quản lý, thuyền trưởng, thuyền phó, thủy thủ, máy trưởng, thợ máy… đã vận hành hoặc theo tàu để lén lút đi nhận xăng, dầu vào ban đêm tại phao số 0 và đem về nhập kho Công ty Hà Lộc và đem bán lại ở nhiều tỉnh thành khác nhau.
Luật sư xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa không tranh luận về tội danh đối với các bị cáo: Đức Dần, Đức Chuyên và Mai Thị Dần nhưng cho rằng, mức án Viện KSND tỉnh đề nghị đối với các bị cáo là quá nặng. Bởi lẽ, theo luật sư, cáo trạng xác định tổng số tiền trốn thuế tính trên lượng xăng dầu nhập về và bán ra mà không trừ số xăng dầu đã hao hụt nên gây bất lợi cho bị cáo.
Bị cáo Đức Dần và Mai Thị Dần tại phiên tòa xét xử ngày 21-3 |
Trong vụ án, bị cáo Đức Chuyên và Mai Thị Dần chỉ là người tạo điều kiện cho bị cáo Đức Dần thực hiện hành vi phạm tội bằng cách cho sử dụng nhân viên, tàu thuyền… sử dụng trong việc vận chuyển, mua bán xăng dầu không có hóa đơn chứng từ. Do đó, bị cáo Đức Chuyên và Mai Thị Dần không phải là người có vai trò cầm đầu trong vụ án.
Luật sư bào chữa cũng đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Đức Dần, Đức Chuyên và Mai Thị Dần vì có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả; tự nguyện khắc phục hậu quả cho các bị cáo khác; tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng; thành khẩn khai báo để sớm làm rõ vụ án…
Luật sư cũng đề nghị HĐXX gỡ bỏ lệnh kê biên đối với tài sản công ty và trả lại một số tài sản đã thu giữ trong quá trình khám xét cho công ty và các bị cáo.
Cũng tại phiên tòa, 2 bị cáo Đức Chuyên và Mai Thị Dần đồng ý với số tiền trốn thuế mà cáo trạng đã truy tố. Đồng thời xin HĐXX cho các bị cáo khác được hưởng mức án nhẹ nhất bởi lẽ những bị cáo khác chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty.
Tố Tâm