Đồng Nai từng rất dồi dào về nguồn lợi thủy sản thiên nhiên với hệ thống sông ngòi dày đặc như: sông Đồng Nai, sông La Ngà và sông Thị Vải. Ngoài ra, hồ Trị An và rừng ngập mặn (thuộc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch) cũng góp phần vào sự đa dạng thủy sản nước ngọt, nước lợ.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức thả cá giống trên sông Đồng Nai năm 2024. Ảnh: B.Nguyên |
Hiện nay, nguồn lợi thủy sản này ngày càng cạn kiệt do tình trạng đánh bắt, khai thác theo kiểu tận diệt diễn ra nhiều năm qua. Việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản đang là vấn đề thời sự hiện nay. Cần các giải pháp đồng bộ trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt.
Cạn kiệt nguồn lợi thủy sản
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hệ thống sông Đồng Nai từng có hàng trăm loài cá nước ngọt, 12 loài tôm nước ngọt. Bên cạnh đó, nguồn thủy sản nước lợ cũng khá đa dạng. Trong đó có 17 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam ở các mức độ đe dọa khác nhau cần được bảo vệ.
Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Khu hệ cá tại các lưu vực sông, hồ trong tỉnh đang bị khai thác quá mức và ngày càng suy giảm cả về thành phần loài cũng như số lượng cá thể, trong đó số lượng cá thể giảm đến mức báo động. Nhiều loài cá trước đây xuất hiện phổ biến trên lưu vực các sông, hồ trong tỉnh, nay rất hiếm gặp như: cá me, cá cóc đậm, các loài cá trèn, các loài trong họ cá lăng, các loài trong nhóm cá chạch sông…
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, một ngư dân có hơn 20 năm đánh bắt cá trên hồ Trị An thuộc huyện Vĩnh Cửu, chia sẻ trước đây nguồn cá, tôm rất dồi dào. Trong đó, có nhiều giống cá đặc sản nổi tiếng ngon, bán được với giá cao nên thu nhập của ngư dân khá ổn định. Vài năm trở lại đây, nguồn cá tôm ngày càng cạn kiệt. Đặc biệt, mùa khô năm 2023, nước hồ xuống thấp, nhiều khu vực cạn trơ đáy. Các loại thủy sản bị mắc cạn, chết một lượng lớn. Nguồn cá tôm ngày càng cạn kiệt nên đời sống của ngư dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn vì hầu như không còn thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, chủ Cơ sở Chế biến khô cá kìm tại ấp Bến Nôm, xã Phú Cường (huyện Định Quán), chia sẻ trước đây, nguồn cá thiên nhiên rất dồi dào. Tại ấp Bến Nôm có nhiều cơ sở sản xuất cá khô, tôm khô từ nguồn thủy sản thiên nhiên đánh bắt được. Trong đó, khô cá kìm là đặc sản dồi dào tại địa phương. Nhưng nguồn tôm, cá thiên nhiên ngày càng ít. Hiện nhiều cơ sở sản xuất phải đi thu gom từ nhiều sông, hồ ở các tỉnh lân cận vì nguồn thủy sản tại địa phương ngày càng cạn kiệt.
Từ năm 2022, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, hoạt động thả giống thủy sản thường xuyên được tổ chức, thả hàng triệu con giống/năm vào vùng nước tự nhiên của sông Đồng Nai, hồ Trị An, rừng ngập mặn Long Thành – Nhơn Trạch…
Tăng cường xử lý vi phạm
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đa dạng sinh học tại các thủy vực ở Đồng Nai suy giảm mạnh như ảnh hưởng của việc xây dựng các hồ chứa nước ở thượng nguồn làm cản trở đường di cư của các loài cá, thu hẹp phạm vi phân bố các loài thủy sản. Ô nhiễm môi trường do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng làm giảm sút nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, việc khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như: sử dụng xung điện, chất độc, các nghề, ngư cụ có tính chọn lọc thấp, khai thác con non trong mùa sinh sản…, làm cho nguồn lợi không tái tạo được và dần mất đi.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh, một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn thủy sản dần cạn kiệt là việc người dân khai thác thủy sản mang tính tận diệt. Đây là việc làm rất đáng lên án. Nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, nghề và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị và địa phương tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vùng trọng điểm như: hồ Trị An, sông Đồng Nai và rừng ngập mặn Long Thành – Nhơn Trạch. Kết quả, đến nay toàn tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 29 trường hợp, phạt tiền 371,5 triệu đồng, tịch thu 32 máy xung điện, 767 lợp xếp, 8 ngư cụ lưới te.
Từ nhiều năm nay, Đồng Nai luôn quan tâm công tác tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản. Trong đó, công tác tuyên tuyền, vận động người dân không sử dụng các hình thức khai thác thủy sản mang tính hủy diệt; tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, có ý thức đấu tranh, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; tích cực giao nộp chất nổ, chất độc, xung điện và ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản.
Cùng với đó, nhiều năm qua, Đồng Nai luôn chú trọng công tác thả cá phóng sinh bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho hay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động Phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đưa việc thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản thành phong trào thi đua thiết thực. Mục tiêu góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, phục hồi đa dạng sinh học trên hệ thống sông Đồng Nai. Phong trào này thu hút sự quan tâm, phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan dân vận, Mặt trận, đoàn thể, nghề nghiệp, chính trị – xã hội về công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Bình Nguyên