(ĐN)- “Trong khi “đường biên” giữa báo chí trung ương và địa phương không còn lớn như trước thì việc đổi mới tư duy của người làm báo, thay đổi cách thức làm báo, đặc biệt báo điện tử là yêu cầu tất yếu của các cơ quan báo chí. Điều này giúp Báo Đồng Nai vươn xa, vượt ra khỏi giới hạn bạn đọc là hơn 3,2 triệu dân trong tỉnh”.
Đó là chia sẻ của PGS-TS Vũ Quang Hào, Trưởng khoa Truyền thông sáng tạo, Trường đại học Nguyễn Tất Thành tại lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ rút tít và viết sa pô (chapeau) do Báo Đồng Nai tổ chức ngày 13-4.
Lớp bồi dưỡng có sự tham gia của hơn 50 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của Báo Đồng Nai.
PGS-TS Vũ Quang Hào hướng dẫn phóng viên, biên tập viên cách tiếp cận đề tài trong tác phẩm báo chí. Ảnh: Huy Anh
|
Theo PGS-TS Vũ Quang Hào, báo điện tử đang phát triển khá nhanh và toàn diện theo hướng đa phương tiện. Không đơn thuần chỉ là tin, bài, ảnh mà còn bao gồm nhiều loại hình khác như: longform, inforgraphic, podcast, phóng sự truyền hình…
PGS-TS Vũ Quang Hào (bìa phải) cùng cán bộ, phóng viên Báo Đồng Nai, đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng trao đổi nghiệp vụ về ảnh báo chí trên Báo Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh |
Để tăng tính hấp dẫn của tin, bài, PGS-TS Vũ Quang Hào cho rằng, phóng viên cần tìm kiếm, truyền tải những thông tin được công chúng quan tâm, có tác động, ảnh hưởng đến nhiều người. Góc tiếp cận vấn đề của nhà báo phải đánh vào lợi ích của công chúng. Trước khi viết về vấn đề, sự kiện nào đó, nhà báo phải dành thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về nó.
Đồng thời xây dựng hệ thống tư liệu, dữ liệu về vấn đề chuẩn bị viết. Những dữ liệu trong tin, bài phải đảm bảo uy tín, tính thuyết phục, nên đưa các dữ liệu quan trọng vào các box hoặc làm đồ họa.
Thứ tự thông tin trong mỗi tin, bài gồm: tít, sa pô, câu mào tin, phân tích thông tin, hình ảnh/đồ họa. Phóng viên cần viết câu mào tin với nội dung “nóng” nhất, có thể trích dẫn lời của nhân vật được cho là “chất”, “đắt” nhất.
Công chúng hiện nay cũng rất quan tâm đến các box dữ liệu. Trên báo điện tử cần tạo màu sắc cho các box này để thu hút công chúng. Đối với nội dung phân tích trong tin, nên lấy ý kiến của các chuyên gia để tăng tính thuyết phục.
Hình ảnh sử dụng trên báo điện tử ưu tiên hình cận, đặc tả được hành động, sắc thái, cảm xúc của nhân vật, có thể gửi gắm được thông điệp, tương tác giữa các nhân vật liên quan. Hình ảnh cần có chú thích càng cụ thể càng tốt.
Mỗi bài viết trên báo điện tử không nên quá dài. Tít bài, nội dung bài viết phải có vấn đề để thu hút bạn đọc. Thông tin phải đảm bảo tính xác thực, thông tin đã qua phân tích, đánh giá, bình luận, thông tin tư vấn, chỉ dẫn. Phải để lộ những từ khóa trong từng đoạn của bài viết để người đọc có thể tìm kiếm nhanh chóng, dễ dàng.
Tổng Biên tập Báo Đồng Nai Đào Văn Tuấn phát biểu tại lớp bồi dưỡng. Ảnh: Huy Anh |
Phát biểu tại lớp bồi dưỡng, Tổng biên tập Báo Đồng Nai Đào Văn Tuấn nhấn mạnh, hoạt động báo chí là hoạt động sáng tạo, đòi hỏi phóng viên, biên tập viên phải không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả, khán giả, thính giả.
Thói quen tiếp nhận thông tin ngày nay của độc giả đã thay đổi rất nhiều. Do vậy, phóng viên không chỉ truyền tải những thông tin mình có mà còn phải tạo ra những tác phẩm báo chí, truyền tải thông tin mà công chúng cần, mang tính định hướng. Để thông tin đến được với bạn đọc, hấp dẫn bạn đọc thì việc rút tít và viết sa pô là yêu cầu rất quan trọng.
Hạnh Dung