Tham gia vào hội nhập sâu, nhanh và rộng nên Việt Nam cam kết sẽ thực hiện tăng trưởng xanh để phát triển bền vững. Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) đang “tăng tốc” trong thực hiện sản xuất, tiêu dùng xanh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao đổi về sản xuất xanh tại Nhà máy Nestlé Trị An ở Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Hương Giang |
Theo các chuyên gia kinh tế của Việt Nam và thế giới, vùng ĐNB có nhiều lợi thế để huy động các nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh.
* Cần sớm tháo gỡ các rào cản
Vùng ĐNB có nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những rào cản cần được tháo gỡ sớm để thúc đẩy, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh. Cụ thể là những chính sách về đầu tư xanh, thương mại xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh, nông nghiệp xanh, pháp lý xanh… chưa rõ ràng, cụ thể. Do đó, quá trình thực hiện vẫn còn những vướng mắc.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, để vùng ĐNB trở trung tâm kinh tế xanh của quốc gia, Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý và chính sách đầu tư xanh rõ ràng, minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án xanh. Cụ thể là đầu tư vào năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Đồng thời, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích các tổ chức tham gia vào tín dụng xanh, cung cấp nguồn vốn xanh cho doanh nghiệp để đầu tư vào sản xuất bền vững.
Khoảng 3-4 năm trở lại đây, nhiều khách hàng nước ngoài khi nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đều yêu cầu sản phẩm phải thân thiện với môi trường. Trong đó, những sản phẩm sản xuất theo mô hình tuần hoàn, sản phẩm xanh thường được ưu tiên đặt hàng nhiều hơn.
Vùng ĐNB đề xuất thiết lập Quỹ Phát triển hạ tầng ĐNB để huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng xanh của vùng. Quỹ có thể được thành lập dưới hình thức quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ tín dụng để tiếp cận nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn xã hội. |
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam đều khẳng định, nhiều tập đoàn nước ngoài đang muốn đầu tư vào ĐNB các dự án năng lượng tái tạo, đô thị xanh, công nghiệp xanh… nhưng cần có chính sách rõ ràng và ổn định lâu dài từ 10-20 năm. Đồng thời, các quỹ đầu tư nước ngoài chỉ đợi các cơ chế, chính sách về tài chính xanh thông thoáng sẽ rót vào ĐNB hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp trên các lĩnh vực: công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics…
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, 4 năm qua, vùng ĐNB đã chịu tác động nặng nề từ suy thoái kinh tế toàn cầu do dịch bệnh Covid-19, xung đột chính trị. Kinh tế của vùng đang trên đà phục hồi nhưng vẫn còn chậm, tăng trưởng GRDP chưa đạt kế hoạch. Ngoài nguyên nhân nêu trên còn do vướng mắc về cơ chế, chính sách.
“Năm 2024 và 2025, vùng ĐNB nên đề xuất Chính phủ tập trung sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để thúc đẩy nhanh các dự án kết nối hạ tầng giao thông của vùng. Từ đó, tạo động lực thu hút đầu tư vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn để năm 2026 tăng tốc hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững” – tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ.
Do đó, hoàn thiện chính sách pháp lý xanh vùng ĐNB là rất cấp thiết để tạo điều kiện cho đột phá trong phát triển kinh tế xanh của vùng.
* Các giải pháp cho tăng trưởng xanh
Từ cuối tháng 5-2021, tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 do Hàn Quốc chủ trì, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra 6 giải pháp quan trọng cho tăng trưởng xanh gồm: phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp quốc gia và toàn cầu; chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp; quan tâm xây dựng thể chế để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội; nâng cao năng lực chủ động thích ứng của những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; ngăn chặn dịch bệnh, phục hồi kinh tế; các quốc gia nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung của toàn nhân loại.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, vùng ĐNB đã triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế xanh để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững.
Theo các hiệp hội doanh nghiệp, Chính phủ cần thống nhất những quy định về nhãn sinh thái, nhãn xanh, nhãn năng lượng, nhãn carbon, nhãn tái chế… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong xuất khẩu hàng hóa. |
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và Việt Nam không ngoại lệ. ĐNB là trung tâm kinh tế lớn nhất của quốc gia, đóng góp 45% trong thu ngân sách của cả nước nên cần triển khai nhanh, mạnh mẽ hơn Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Từ đó, liên kết, thúc đẩy các vùng kinh tế khác cùng phát triển theo hướng xanh, bền vững. Tuy quá trình thực hiện có nhiều khó khăn, thách thức nhưng các ngành, doanh nghiệp, người dân cùng chung tay thực hiện. Mỗi lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ nên ứng dụng công nghệ mới và sạch, đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, quy trình, tổ chức, mô hình quản lý, sản xuất, cấu trúc lại thị trường, tiêu dùng mới.
Trong Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng ĐNB vào giữa tháng 7-2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vùng ĐNB sẽ tập trung vào đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại. Trong đó, ĐNB sẽ lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao. Huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hòa với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thời gian qua, mỗi tỉnh, thành trong vùng ĐNB đã ban hành quyết định về tăng trưởng xanh của địa phương để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ. Riêng Đồng Nai, vào ngày 31-1-2024, đã thành lập Ban Chỉ đạo về tăng trưởng xanh của tỉnh do Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức làm trưởng ban. Trong đó, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đều tham gia trong ban chỉ đạo.
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai đã xây dựng và triển khai kế hoạch về tăng trưởng xanh. Các giải pháp đã được thực hiện trong thời gian qua và kết quả là nhiều doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản xuất xanh, tuần hoàn. Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đang tái cơ cấu, đẩy mạnh ứng khoa học kỹ thuật để hướng đến nền nông nghiệp sinh thái. Ngoài ra, các lĩnh vực khác cũng được Đồng Nai chú trọng phát triển theo hướng xanh như: đô thị xanh, thương mại dịch vụ xanh, logistics xanh, tiêu dùng xanh…
Nhóm P.V