Thời gian qua, du lịch vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) đã gặt hái được một số thành quả nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Số lượng khách đến ĐNB chiếm 54% của cả nước, nhưng doanh thu chỉ bằng 27% cả nước. Nguyên nhân là do còn những điểm nghẽn về chính sách nên các địa phương gặp khó khăn trong thu hút đầu tư mới, nâng cấp các khu, điểm du lịch nên du khách đến tham quan vẫn chưa chịu chi tiền nhiều.
Một số nhà vườn tại thành phố Long Khánh chờ được gỡ vướng pháp lý để đầu tư hạ tầng, phục vụ du lịch. Ảnh:N.Liên |
Giai đoạn 2020-2023, ĐNB đón gần 140 triệu lượt khách du lịch. Riêng năm 2023, lượng khách đến ĐNB đạt 65,3 triệu lượt, chiếm trên 54% tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam.
Rào cản về pháp lý
Khoảng 3 năm gần đây, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19, Đồng Nai phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch, khai thác những giá trị từ thiên nhiên như: rừng, thác, hồ tại các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán và Tân Phú. Bên cạnh đó, kết quả nổi bật từ xây dựng nông thôn mới đã giúp Đồng Nai có thêm các sản phẩm du lịch sinh thái vườn tạo ấn tượng với du khách tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, thành phố Long Khánh… Tuy nhiên, để các sản phẩm du lịch phát triển bền vững, tạo ra những giá trị xứng tầm thì Đồng Nai cũng như các địa phương khác trong cả nước đều đang vướng các quy định về đất đai, xây dựng.
Trong dự thảo quy hoạch phát triển vùng, ĐNB được định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo 4 nhóm chính gồm: Nhóm sản phẩm du lịch đặc thù; nhóm sản phẩm chính với các loại hình du lịch MICE, du lịch đô thị. Nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ gồm du lịch sinh thái; du lịch làng nghề, ẩm thực. Nhóm du lịch cộng đồng; du lịch thể thao; du lịch kết hợp chữa bệnh… Nhóm sản phẩm du lịch mới với các dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch cuối tuần gắn với các đô thị thông minh…
Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và trải nghiệm Trị An Adventure Thân Văn Linh chia sẻ, doanh nghiệp của anh có thế mạnh về khai thác những tour khám phá, trải nghiệm rừng, hồ, leo núi, trải nghiệm các vùng quê yên bình. Thời gian qua, Trị An Adventure đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch theo xu hướng mới như: Phú Điền Glamping tại huyện Tân Phú cung cấp dịch vụ khám phá, trải nghiệm cảnh đẹp vùng quê với những cánh đồng lúa, hoa sen và các mô hình canh nông hiệu quả; hay tour khám phá làng dân tộc Tà Lài, khám phá rừng… được du khách đánh giá cao. Thế nhưng, kết quả đạt được chưa như mong đợi.
Theo anh Linh, để phát huy những tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông, du lịch sinh thái rừng…, các doanh nghiệp và người dân rất cần được tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, xây dựng.
Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, nhiều năm nay, những tiềm năng, lợi thế du lịch về rừng, thác, hồ; du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa thể phát triển xứng tầm vì những “rào cản” pháp lý liên quan đến Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp. Đây cũng là khó khăn không chỉ riêng Đồng Nai, mà các tỉnh, thành vùng ĐNB, cả nước đều gặp phải, khiến cho nhiều dự án du lịch sinh thái rừng có quy mô lớn phải “giậm chân tại chỗ” do vướng các quy định.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất và đã tổng hợp, kiến nghị, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà Đồng Nai cũng như các vùng, miền trong cả nước đang vướng mắc, nhằm tạo điều kiện cho du lịch phát triển xứng tầm.
Thiếu sự liên kết bền vững
Bên cạnh những rào cản pháp lý, sự kết nối giữa các điểm đến với doanh nghiệp du lịch trong vùng ĐNB vẫn còn khá rời rạc, chưa đủ mạnh để tạo sức bật cho du lịch bứt phá.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trịnh Hàng, thời gian qua, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong liên kết, khảo sát, phát triển các sản phẩm du lịch. Công tác quảng bá hình ảnh chung của vùng cũng như việc thực hiện các nội dung trong ký kết liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố đạt hiệu quả chưa cao, mới chỉ thực hiện tốt được việc tổ chức và tham gia các sự kiện quảng bá du lịch do các tỉnh, thành tổ chức. Các tour, tuyến du lịch giữa các tỉnh, thành còn ít. Đáng chú ý, các chương trình, chính sách cụ thể trong liên kết, hỗ trợ, ưu đãi cho du khách giữa các địa phương trong vùng, đặc biệt là hỗ trợ, ưu đãi các doanh nghiệp lữ hành trong vùng chưa được quan tâm đúng mức.
Để du lịch vùng ĐNB phát triển bền vững, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu nhấn mạnh, du lịch ĐNB được xác định là ngành kinh tế quan trọng. Do đó, các địa phương trong vùng phải liên kết chặt chẽ hỗ trợ doanh nghiệp, các khu, điểm du lịch tạo nên các tour đặc sắc thu hút khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng và sẵn sàng chi trả số tiền lớn cho các dịch vụ đi kèm. Như vậy, ĐNB sẽ tăng được doanh thu từ ngành du lịch. Tới đây, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, hệ thống giao thông kết nối vùng hoàn thiện sẽ tạo ra những cơ hội mới cho du lịch ĐNB phát triển. Bên cạnh đó, ĐNB cần xây dựng những nội dung, chương trình xúc tiến du lịch cụ thể để quảng bá tới người dân trong và ngoài nước.
Vùng ĐNB có những sản phẩm, điểm đến chất lượng, có bản sắc riêng, cần biến những sản phẩm, điểm đến đó thành những cảm xúc thu hút du khách và đưa ra những thông điệp du lịch chung của vùng. Song song đó, công tác truyền thông phải đẩy mạnh hơn nữa. Mỗi địa phương phải xây dựng hình ảnh du lịch đặc trưng để quảng bá cho du lịch địa phương và những sản phẩm du lịch liên kết vùng. Ngoài ra, ĐNB cần mạnh dạn đầu tư, xây dựng những tour chất lượng cao trong vùng và quảng bá rộng rãi đến du khách trong nước và quốc tế.
Dự kiến năm 2024, số lượng khách du lịch đến ĐNB có thể vượt 70 triệu lượt. Nếu như có những dịch vụ, sản phẩm đặc sắc để khách du lịch chịu chi thêm khoảng 500 ngàn đồng/người thì doanh thu từ ngành này có thể tăng thêm 35 ngàn tỷ đồng/năm.
Ngọc Liên
Bài 3: Gỡ “nút thắt” cho ngành công nghiệp không khói