Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn của trung ương, tỉnh. Để thực hiện các dự án này, hàng ngàn hộ dân của tỉnh đã phải “nhường” đất, chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các khu tái định cư (TĐC) cho các hộ dân có đất bị thu hồi lại thực hiện rất chậm. Điều này khiến cho rất nhiều hộ dân đã bàn giao đất phục vụ thi công các dự án nhưng vẫn chưa được cấp đất TĐC để xây dựng nhà cửa.
Dù Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã đưa vào khai thác hơn 1 năm nhưng khu tái định cư chưa hoàn thành. Ảnh: Phạm Tùng |
Tại rất nhiều dự án trên địa bàn Đồng Nai, dù các hộ dân đã sớm thực hiện bàn giao mặt bằng phục vụ thi công nhưng vẫn chưa được cấp đất TĐC do các khu TĐC xây dựng chậm. Chưa có đất TĐC, các hộ dân này bất đắc dĩ trở thành những “chủ nợ” TĐC và phải đi ở nhờ, ở trọ.
Có dự án, dù đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác nhưng các hộ dân có đất bị thu hồi vẫn chưa được giao đất TĐC.
Khi “chủ nợ” chật vật đi ở trọ
Tháng 7-2022, bà Huỳnh Thị Sẩm, 80 tuổi ở khu phố 3, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa là một trong hàng chục hộ gia đình được tham gia bốc thăm vị trí đất TĐC tại Khu TĐC cư Bửu Long 3 để chuẩn bị cho việc thu hồi đất thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu), thành phố Biên Hòa. Sau khi bốc thăm vị trí đất, gia đình bà Sẩm được thông báo 3 tháng sau sẽ bàn giao đất TĐC.
Sau khi bàn giao 150m2 đất của gia đình cho cơ quan chức năng để phục vụ thi công dự án, toàn bộ gia đình bà Sẩm gồm 16 thành viên phải đi thuê nhà trọ để ở trong thời gian chờ được bàn giao đất TĐC. Thế nhưng, đã gần 2 năm, gia đình bà Sẩm vẫn phải ở trọ do chưa được giao đất TĐC. “Gia đình tôi có đến 16 người nên phải thuê 4 phòng trọ. Tôi cùng vợ chồng một người con và 3 người cháu sống chung trong căn phòng trọ ở khu phố 1, phường Bửu Long. Còn 3 gia đình của 3 người con khác phải thuê thêm 3 phòng trọ xung quanh đây để sinh sống”- bà Sẩm cho hay.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường NGUYỄN NGỌC HƯNG cho biết, Khu TĐC Lộc An – Bình Sơn thuộc Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, TĐC Cảng hàng không quốc tế Long Thành là khu TĐC hiếm hoi được triển khai xây dựng song song với quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Cũng theo bà Sẩm, do tuổi cao nên bà hiện không có công ăn việc làm. Trong khi đó, gia đình 4 người con hiện cũng chỉ kiếm sống bằng các công việc thời vụ nên khi ở trọ, áp lực trả tiền phòng trọ là rất lớn. “Tiền hỗ trợ tạm cư mỗi tháng được 4,5 triệu đồng. Số tiền này không thể đủ để trang trải tiền trọ cho cả gia đình nên cuộc sống rất khó khăn”- bà Sẩm bùi ngùi kể.
Cũng phải đi ở trọ gần 2 năm nay, sau khi bàn giao mặt bằng thi công tuyến đường ven sông Đồng Nai, vợ chồng ông Đặng Hùng Chuẩn đã 80 tuổi ở khu phố 3, phường Bửu Long đang hết sức lo lắng, bởi chờ mãi mà vẫn chưa được cấp đất TĐC và khi nhận đất, liệu có đủ tiền xây dựng nhà hay không. “Tôi nhận được 700 triệu đồng tiền đền bù và hỗ trợ. Thế nhưng qua 2 năm ở trọ, số tiền trên đã hao hụt một phần, nếu tiếp tục kéo dài cảnh ở trọ thì còn hao hụt nữa và đến lúc nhận đất TĐC thì không thể xây nổi nhà mà ở”- ông Chuẩn bày tỏ.
Cuối tháng 4-2023, tuyến chính của Dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được chính thức thông xe, đưa vào khai thác sau hơn 2 năm thi công xây dựng. Đến nay, khi tuyến cao tốc này đã được khai thác hơn 1 năm thì 160 hộ dân trên địa bàn huyện Xuân Lộc đã “nhường” đất cho dự án vẫn đang phải mỏi mòn chờ đợi TĐC.
Gia đình anh Nguyễn Hữu Lễ (ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) cho hay, cuối năm 2020, gia đình bàn giao hơn 3,5 ngàn m2 đất để phục vụ thi công dự án. Thời điểm đó, do Khu TĐC ở thị trấn Gia Ray chưa hoàn thành xây dựng nên cả gia đình phải đi thuê trọ. Gần 4 năm qua, Khu TĐC Gia Ray vẫn chưa hoàn thành xây dựng để giao đất cho người dân. Vì vậy, gia đình anh Lễ vẫn phải đang “gồng mình” đi ở trọ với vô vàn khó khăn vây quanh. “Bị giải tỏa trắng đã ảnh hưởng đến công việc, học hành của con cái và gia đình tôi với 5 thành viên còn phải đi ở trọ gần 4 năm qua nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Ở trọ thì làm sao bằng ở nhà mình được”- anh Lễ bày tỏ.
Nợ người dân hàng ngàn lô đất TĐC
Diện tích đất cần thu hồi cho các dự án tại Đồng Nai rất lớn, trong đó, đa số lấy vào đất của các hộ gia đình, cá nhân. Do đó, nhu cầu về đất TĐC để bố trí cho người dân rất cao. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng, tiến độ xây dựng các khu TĐC chưa theo kịp tiến độ công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Đây cũng là “điểm nghẽn” dẫn đến tình trạng “nợ” TĐC đối với người dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các dự án khi đã có quyết định phê duyệt đầu tư, triển khai thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thì thời điểm đó, việc xây dựng các khu TĐC mới được triển khai thực hiện.
Theo Sở Tài nguyên và môi trường, thống kê sơ bộ của các địa phương cho thấy, với số lượng các dự án đã và sẽ được triển khai so với số lượng các khu TĐC đã và sẽ được tiến hành xây dựng, từ nay đến năm 2026, toàn tỉnh sẽ “nợ” người dân có đất bị thu hồi gần 30 ngàn lô đất TĐC. “Các địa phương khác, việc xây dựng các khu TĐC có chậm nhưng không quá khó khăn, riêng thành phố Biên Hòa lại rất khó khăn vì thiếu quỹ đất. Hiện thành phố Biên Hòa là địa phương “nợ” TĐC nhiều nhất tỉnh” – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Hưng cho biết.
Theo lãnh đạo thành phố Biên Hòa, thống kê sơ bộ đến năm 2025, thành phố Biên Hòa sẽ “nợ” người dân có đất bị thu hồi để phục vụ triển khai các dự án gần 3 ngàn lô đất TĐC.
Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam thừa nhận, việc thiếu các khu TĐC để bố trí cho người dân có đất bị thu hồi khi triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn khiến cho công tác vận động người dân bàn giao đất gặp nhiều khó khăn. “Lâu nay triển khai các dự án nhưng chưa đề cập đến vấn đề TĐC. Nhiều dự án người dân sau khi bàn giao mặt bằng phải đi ở tạm”- ông Hồ Văn Nam chia sẻ.
Phạm Tùng
Bài 2: “An cư” cho người dân có đất bị thu hồi: Đụng đâu vướng đó