Chi phí đầu tư xây dựng và vận hành cao, thi công phức tạp khiến cho phương án làm hầm vượt sông tại Dự án Xây cầu thay phà Cát Lái (Dự án Cầu Cát Lái) khó khả thi hơn phương án xây cầu.
Phương án xây dựng cầu Cát Lái được đánh giá có nhiều ưu điểm hơn so với phương án làm hầm vượt sông. Ảnh:P.Tùng |
Do đó, đơn vị tư vấn đề xuất lựa chọn phương án xây cầu vượt sông đối với dự án này.
Chi phí đầu tư cao, vận hành, bảo dưỡng đắt đỏ khi làm hầm
Cuối tháng 12-2024, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan để nghe báo cáo bước lập nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng cầu Cát Lái kết nối Đồng Nai với Thành phố Hồ Chí Minh theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.
Tại buổi làm việc này, đại diện đơn vị tư vấn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã phân tích tính khả thi của 2 phương án xây cầu và làm hầm vượt sông khi triển khai thực hiện dự án. Theo TEDI, với các phương án xây dựng cầu vượt sông, tổng mức đầu tư của dự án dao động từ hơn 19,4-27,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó, phương án xây dựng cầu được đơn vị đề xuất lựa chọn có tổng mức đầu tư là hơn 19,4 ngàn tỷ đồng. Còn với phương án làm hầm vượt sông, tổng mức đầu tư sẽ dao động từ hơn 24,5-33,2 ngàn tỷ đồng.
Đối với đoạn tuyến dự án đi qua địa bàn huyện Nhơn Trạch, UBND tỉnh thống nhất phương án đề xuất của đơn vị tư vấn là điều chỉnh về phía Tây của tuyến quy hoạch, cơ bản bám theo hướng tuyến quy hoạch để tránh khu vực bảo vệ di tích địa điểm vụ thảm sát Giồng Sắn.
Đại diện TEDI cho hay, với phương án làm hầm vượt sông, có 2 công nghệ đã được nhiều nước áp dụng là hầm dìm và hầm khoan bằng máy TBM. Phương án sử dụng hầm dìm, tổng mức đầu tư là hơn 24,5 ngàn tỷ đồng, phương án hầm khoan bằng máy TBM, tổng mức đầu tư là hơn 33,2 ngàn tỷ đồng.
Ngoài chi phí đầu tư tăng cao, phương án xây dựng hầm vượt sông được đánh giá phức tạp hơn trong quá trình triển khai thi công. Cụ thể, phương án hầm dìm, hầm sẽ được làm ở độ sâu khoảng 3m so với mặt đất hiện hữu; hầm dìm phải dài 800m. Với phương án hầm khoan bằng máy khoan TBM, phải khoan ở độ sâu hàng chục mét so với mặt đất hiện hữu mới đảm bảo an toàn (đoạn sông khu vực này sâu khoảng 18m). Do đó, quá trình thi công sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Đại diện TEDI nêu một hạn chế nữa của phương án làm hầm vượt sông so với xây dựng cầu vượt sông là chi phí vận hành, bảo dưỡng hầm sẽ rất lớn. Nếu làm hầm vượt sông, mỗi năm cần khoảng 100 tỷ đồng để vận hành, bảo dưỡng. Trong khi đó, chi phí vận hành, bảo dưỡng cầu chỉ khoảng 10 tỷ đồng/năm.
Kiến nghị phương án xây dựng cầu phù hợp
Mới đây, trong thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng tại buổi làm việc nghe báo cáo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Cầu Cát Lái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cùng với đơn vị tư vấn khẩn trương làm việc cụ thể với Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh để thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái.
Trước đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh, TEDI đã kiến nghị phương án xây dựng cầu Cát Lái phù hợp nhất trong 3 phương án thiết kế.
Phương án được đơn vị tư vấn đề xuất lựa chọn có hướng tuyến phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 631/TTg-CN ngày 9-5-2017, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, Quy hoạch huyện Nhơn Trạch, Quy hoạch thành phố Thủ Đức và Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, với phương án được đề xuất, tổng chiều dài của dự án là hơn 11km, quy mô mặt cắt ngang đáp ứng nhu cầu giao thông hiện tại và tương lai, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, đảm bảo 6 làn cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Cầu Cát Lái sẽ được xây dựng là cầu dây văng 2 mặt phẳng dây, bề rộng 33,5m, tĩnh không thông thuyền là 55m.
Với phương án này, TEDI đánh giá, vị trí cầu đặt ở khu vực lòng sông hẹp, ổn định và có chiều dài cầu ngắn nhất. Đồng thời, tạo ra kết nối với các tuyến đường trục lớn, đường vành đai, các nút giao lớn ở cả phía Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, mức độ lan tỏa giao thông lớn ở cả hai bên. Phía Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến kết nối trực tiếp vào đường Nguyễn Thị Định và nút giao Mỹ Thủy sau đó kết nối vào đường vành đai 2 và đường Đồng Văn Cống để đi vào các trục chính khác của Thành phố Hồ Chí Minh như đại lộ Đông Tây và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Phía Đồng Nai, tuyến kết nối với đường Phạm Thái Bường, đường cầu Phú Mỹ 2 quy hoạch, đường tỉnh 25C và đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Theo TEDI, phương án hướng tuyến trên sẽ hoàn thiện tuyến đường Nguyễn Thị Định theo quy hoạch, không làm ảnh hưởng nhiều đến việc khai thác nút giao Mỹ Thủy.
Đối với Tân Cảng Cát Lái, đơn vị tư vấn cho rằng, phương án hướng tuyến có ảnh hưởng đến hoạt động của cảng trong giai đoạn thi công. Tuy nhiên, cầu Cát Lái chỉ được thi công khi tuyến đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu với quy mô 6 làn xe đã đi vào hoạt động, lượng giao thông trên đường Nguyễn Thị Định ra vào cảng sẽ giảm đáng kể. Cùng với đó, việc bố trí các trụ cầu đã được lựa chọn phương án ảnh hưởng tối thiểu tới hoạt động của cảng Cát Lái và các cảng bến quy hoạch.
Phạm Tùng
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202501/du-an-xay-cau-thay-pha-cat-lai-xay-cau-loi-hon-lam-ham-dda3aeb/