Trịnh Hoài Đức (1765-1825) tên khác là An, tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai, gốc người huyện Trường Lạc, Phúc Kiến, Trung Quốc. Đầu đời nhà Thanh, ông nội của ông là Trịnh Hội di cư sang Việt Nam, ngụ ở đất Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay). Cha của ông là Trịnh Khánh, nổi tiếng là người cao cờ.
Học sinh bên tượng Trịnh Hoài Đức tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, thành phố Biên Hòa. Ảnh: Huy Anh |
Lúc cha mất, Trịnh Hoài Đức mới 10 tuổi, rất bền chí hiếu học. Thời ấy gặp khởi nghĩa Tây Sơn, Trịnh Hoài Đức bèn theo mẹ vào ở Phiên Trấn (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) và vâng theo lời mẹ, theo học với Xử sĩ Võ Trường Toản tiên sinh.
Công thần thuộc hàng đầu của triều Nguyễn
Năm Mậu Thân 1788, lúc Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại Gia Định, Trịnh Hoài Đức cùng nhóm Lê Quang Định ra ứng cử, được cho làm chức Hàn Lâm viện Chế cáo. Năm 1789, nhiệm chức Điền Tuấn sứ huyện Tân Bình, coi việc mở mang vùng tam giác sông Me Kong và xác định chế độ điền thổ, đồng thời lo trù biện lương hướng cho quân đội.
Năm 1802, Trịnh Hoài Đức được vua Gia Long thăng nhiệm Thượng thư Bộ Hộ, cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh cầu phong. Tháng 7-1812, cải nhiệm Thượng thư Bộ Lễ, kiêm quản Khâm Thiên giám. Năm 1813, Trịnh Hoài Đức cải lãnh Thượng thư Bộ Lại. Tháng 11-1816, Thế Tổ cho rằng Gia Định là một thành lớn phương Nam, lại có việc giao thiệp với lân bang rất hệ trọng, cần phải có người giỏi trấn nhiệm mới được, bèn phái Thượng thư Bộ Lại Trịnh Hoài Đức nhiệm chức Gia Định Hiệp Tổng trấn.
Biên Hòa – Đồng Nai đã sinh ra Trịnh Hoài Đức – nhà văn hóa lớn, nhà sử học, nhà quân sự đại tài, Thượng thư 4 bộ triều Nguyễn. Chính mảnh đất này cũng đã gìn giữ, bảo quản linh cữu ông trong suốt 200 năm qua. |
Tháng 12-1819, vua Thế Tổ mất, Phúc Hiệu nối ngôi, đổi niên hiệu là Minh Mạng (Thánh Tổ triều Nguyễn). Vua Minh Mạng sớm nhìn thấy tài năng quân sự của Trịnh Hoài Đức, nên ngay khi mới lên ngôi, đầu năm Canh Thìn (1820) đã giao ông chức vụ Tổng trấn thành Gia Định. Tháng 6-1920, Thánh Tổ triệu ông về kinh, lãnh việc Bộ Lại. Tháng 8-1821, thăng cho ông làm Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Thượng thư Bộ Lại, kiêm Thượng thư Bộ Binh.
Trịnh Hoài Đức là công thần thuộc hàng đầu của triều Nguyễn. Ông đã có công rất lớn trong khai khẩn đất đai và xây dựng làng xã ở vùng đất Nam Bộ. Khi chúa Nguyễn đánh trận ở Phú Xuân (Huế ngày nay), ông lại được giao công việc hậu cần, tiếp vận quân lương, từ đấy ông chứng tỏ được tài năng quân sự của mình và ít người biết đến chức Thượng thư Bộ Binh (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay), bởi cái tài năng văn thơ của ông quá nổi trội, lấn lướt cả cái tài dùng binh. Trong bối cảnh nhà Nguyễn vào thời điểm thịnh trị, dẹp loạn vùng biên cương và mở mang bờ cõi phương Nam vốn có nhiều tướng tài; ông lại được phụ trách các tướng tài đó, chứng tỏ tầm nhìn chiến lược về quân sự, tài quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của ông nổi trội hơn cả.
Trịnh Hoài Đức là vị tướng văn võ song toàn, lại còn là một nhà ngoại giao xuất sắc, được vua Gia Long cử làm Chánh sứ sang giao thiệp với nhà Thanh (Trung Quốc). Chuyến đi sứ này đã được ông ghi lại trong tập thơ Đi sứ cảm tác gồm 18 bài bằng chữ Nôm.
Trịnh Hoài Đức còn là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng không chỉ ở Nam Bộ, ông là tác giả nhiều bộ sách giá trị như: Gia Định tam gia (ba nhà văn hóa lớn ở xứ Gia Định: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh), Thoái thực trung biên tập, Quan quang tập, Khả dĩ tập, Tự truyện, Lịch đại kỷ nguyên, Khang tế lục, Bắc sứ thi tập, Cấn trai thi tập (1782-1818)…
Đặc biệt là tác phẩm Gia Định thành thông chí (1805-1820), ghi chép sự kiện đến hết đời Gia Long (6 quyển) – một trong những bộ địa dư chí quan trọng bậc nhất của miền Nam nước ta thế kỷ XVIII, được bao thế hệ người đọc yêu mến, các nhà sử học coi đây là sách gối đầu giường mỗi khi nghiên cứu về đất và người phương Nam. Ông viết về xứ Gia Định cách đây hơn 200 năm với con mắt tinh tường của một sử gia có tài. Sách ghi chép mọi điều về xứ Gia Định, nơi ông từng làm Tổng trấn. Sách hay đến nỗi sau khi viết xong, dâng vua Minh Mạng trong dịp vua xuống chiếu cầu sách cũ, đã được vua khen và ban tặng.
Học giả người Pháp là ông Aubaret thấy sách có giá trị đã dịch sang tiếng Pháp. Sau đó, sách lại được nhiều người viết sử ở Nam Bộ trích dẫn, dịch. Năm 1998, Nhà xuất bản Giáo dục mới in lại bản dịch và giáo sư Đào Duy Anh hiệu đính, được coi là bản hoàn chỉnh nhất. Năm 2025, Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai in bản dịch, chú giải và hiệu đính của Lý Việt Dũng và Huỳnh Văn Tới.
Cuộc đời giản dị, thanh liêm, trong sáng
Trong suốt 36 năm làm quan dưới triều Nguyễn, Trịnh Hoài Đức luôn tận trung với vua, chăm lo cho dân. Ông là người tài lại được các vua triều Nguyễn trọng dụng nên đã phát huy hết tài năng của mình trong khá nhiều trọng trách vua giao. Tuy quyền cao, chức trọng, nhưng ông vẫn sống cuộc đời giản dị, thanh liêm, trong sáng. Để làm nên một Trịnh Hoài Đức nổi danh, ngoài tài năng, ông còn có những đức tính tuyệt vời mà không bề tôi triều Nguyễn nào sánh được: “Đức là người cẩn thận, phong độ, trầm tĩnh, nghiêm chỉnh, học vấn rộng rãi, nghị luận thường giữ đại thể” (Đại Nam liệt truyện).
Làm đến Thượng thư 4 bộ, mà ông không tơ hào chút nào của công, không nhà riêng, vua thương tình mới xây nhà cho; vợ chết không thể về Gia Định để lo hậu sự. Thật là một tấm gương sáng về liêm khiết, tận trung với nước, đáng để muôn đời noi theo.
Trịnh Hoài Đức còn là người con có hiếu. Mẹ ông là cô gái Việt, quê ở làng Bình Trước, quận Châu Thành (nay thuộc khu phố 3, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa). Thời thơ ấu nhiều năm gắn bó với quê mẹ, những năm làm quan dưới triều Nguyễn phải xa nhà, không chăm sóc mẹ được, nên trước khi mất, tâm nguyện của ông được đưa linh cữu về quê mẹ an táng…
Mộ phần ông bà Trịnh Hoài Đức nhìn ra công viên Biên Hùng thơ mộng, phía trước mộ là con đường mang tên ông rợp bóng mát. Ông đã trở về với dân dã, ngôi mộ đơn sơ xây bằng đá ong. Năm 1938, Trường Viễn Đông Bác cổ xếp mộ Trịnh Hoài Đức là di tích quý giá. Năm 1990, Bộ Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
Hồng Ân
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/nhan-260-nam-ngay-sinh-200-nam-ngay-mat-trinh-hoai-duc-trinh-hoai-duc-nha-van-hoa-lon-nha-su-hoc-nha-quan-su-dai-tai-0cb355f/