Kẻ sĩ Đồng Nai là tác phẩm mới nhất của nhà báo Mai Sông Bé – nguyên Giám đốc Đài Phát thanh – truyền hình Đồng Nai vừa ra mắt và giới thiệu đến bạn đọc.
Tác phẩm Kẻ sĩ Đồng Nai của nhà báo Mai Sông Bé. |
Đây là đứa con tinh thần thứ 19 mà nhà báo Mai Sông Bé trải lòng, kể về 17 nhân vật sống, làm việc, gắn bó với vùng đất Đồng Nai, Nam Bộ. Họ đã phấn đấu với chính bản thân, với dòng đời và lịch sử… để vượt qua và vươn lên, có những cống hiến cho quê hương.
1. Cuốn sách Kẻ sĩ Đồng Nai do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành quý 4 năm 2024, gồm 283 trang. Ngoài lời tựa, sách gồm 17 bài viết về 17 nhân vật, trong đó có danh nhân văn hóa, nhà thơ, nhà văn, nhà báo… mỗi người có một cuộc đời riêng không phẳng lặng. Có thể kể đến như: Trịnh Hoài Đức, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn An Ninh, Phạm Thị Bạch Vân, Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Trần Bạch Đằng, Trần Công An, Lê Bá Ước…
Một trong những nhân vật đầu tiên mở màn cho cuốn sách Kẻ sĩ Đồng Nai phải kể đến danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức – người mà nhà báo Mai Sông Bé kể rằng ông có cái “duyên” dù không được hạnh ngộ do vãng cách của thời gian quá dài. Cái “duyên” này theo nhà báo Mai Sông Bé là bởi danh nhân Trịnh Hoài Đức đã từng đến quê ông (cù lao Rùa) từ thời xa xưa để quan sát, ghi chép và mô tả vào sách Gia Định thành thông chí.
Sau này loay hoay tìm chỗ trú thân, gia đình nhà báo Mai Sông Bé lại mua được ngôi nhà gần nơi an nghỉ vĩnh hằng của Trịnh Hoài Đức (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) và đến nay, bức tượng bán thân của Trịnh Hoài Đức được ông đặt trang trọng trên bàn thờ “ngũ vị văn nhân sông Đồng Nai” mà sáng nào ông cũng thành tâm nhang khói để tỏ lòng biết ơn.
Tổng biên tập Báo Đồng Nai Đào Văn Tuấn chia sẻ tại buổi ra mắt tác phẩm Kẻ sĩ Đồng Nai của nhà báo Mai Sông Bé. Ảnh: C.T.V |
Nhắc đến ông Tổ nghề báo, nhà báo Mai Sông Bé kể câu chuyện về Trương Vĩnh Ký. Tờ Gia Định báo (ra đời năm 1865 tại Sài Gòn) do Trương Vĩnh Ký làm chủ biên từ năm 1869 đã mở đường cho một thời kỳ mới trong lịch sử nước ta, với việc dùng chữ quốc ngữ cho hoạt động báo chí. Mặc dù Trương Vĩnh Ký mất cách nay hơn 120 năm song hình ảnh về người thầy giáo, nhà báo… chỉ mặc áo dài, đầu quấn khăn đóng có hình chữ nhân vẫn bàng bạc trong cõi nhân gian. Ở nhiều địa phương, chính quyền và nhân dân lấy tên Trương Vĩnh Ký đặt tên đường, trường học và cả đặt tượng một người đến chết vẫn muốn truyền cho hậu thế nỗi khát khao “tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó”.
Nhà báo Mai Sông Bé vừa có buổi ra mắt bạn đọc tác phẩm Kẻ sĩ Đồng Nai tại Thư viện Cù lao Rùa. Đây là một trong những địa chỉ vừa thờ “ngũ vị văn nhân sông Đồng Nai” vừa là điểm đọc sách, báo miễn phí cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên.
2. Tác phẩm Kẻ sĩ Đồng Nai còn khắc họa rõ nét chân dung các nhà thơ, nhà văn lớn của Đồng Nai. Bằng những câu chuyện chân thật, với cách kể thủ thỉ, tâm tình, các nhân vật hiện lên khá sắc nét, sống động, sâu lắng, chân thật trong từng hoàn cảnh cụ thể. Các nhân vật rất thật và đời thường này như được các tác giả làm sống lại với lối viết khá công phu.
Trong bài viết “Chàng thi sĩ được dân phong tướng”, nhà báo Mai Sông Bé cho biết, Huỳnh Văn Nghệ – con của một gia đình lưu dân đi thuyền từ miền Ngũ Quảng vào cắm sào trên bãi bồi bến sông làng Tân Tịch, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa để chọn nơi đây làm quê hương cho hành trình khởi nghiệp, làm người trên vùng đất mới. Bài viết đã điểm lại cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, đặc biệt giới thiệu nhiều bài thơ hay của thi tướng viết về quê hương, đất nước…
Nhắc đến Bình Nguyên Lộc, nhà báo Mai Sông Bé kể những câu chuyện xoay quanh nhân vật, từ lúc sinh ra đến khi mất đi. Đọc những tác phẩm của Bình Nguyên Lộc viết về đồng quê, với nhà báo Mai Sông Bé biết bao hình ảnh, kỷ niệm sống động hiện về đầy ắp trong nỗi nhớ tình quê, nhớ người thân. Hay viết về Lý Văn Sâm, nhà báo Mai Sông Bé nhấn mạnh “bến nước sông Đồng Nai, rừng Mã Đà, rừng Tân Biên và người miền Đông của đất phương Nam mãi mãi nhớ đến ông – người con của các cánh rừng thăm thẳm”.
Với bài viết “Sholokhov của miền đất ven sông”, nhà báo Mai Sông Bé nói, ông được gặp và sinh hoạt cùng nhà văn Hoàng Văn Bổn và một số văn nhân miền đất ven sông Đồng Nai là “một cái duyên ngộ” mà không nhiều người cầm bút ở Việt Nam có được.
Nhà báo Mai Sông Bé chia sẻ: “Có lần ông Chín – nhà văn Hoàng Văn Bổn nói với tôi, những người cầm bút xứ mình còn nợ ông bà nhiều lắm. Nợ từ người đi mở cõi hơn 300 năm trước – những người đã làm nên hào khí Đồng Nai; nợ anh chị em công nhân lao động đã làm nên dáng đứng Đồng Nai công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Nợ nhiều lắm Sông Bé ơi”.
3. Phần lớn những nhân vật trong tác phẩm Kẻ sĩ Đồng Nai được nhà báo Mai Sông Bé thờ phụng tại không gian Thư viện Cù lao Rùa, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Hội, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Những câu chuyện đời thường về các nhân vật trong Kẻ sĩ Đồng Nai được nhà báo Mai Sông Bé thủ thỉ kể với thái độ khiêm nhường, thận trọng, ít khi bốc ai lên tận mây xanh dù đó là người ông khâm phục, ngưỡng mộ.
Trong lời mở đầu của cuốn sách, nhà báo Mai Sông Bé cho biết, ngày 3-11-2017, ông mở điểm đọc sách báo Cù lao Rùa và đây cũng là nơi thờ tự các “văn nhân sông Đồng Nai”. Hàng ngày, ông mở cửa đón các độc giả lớn, nhỏ gần xa đến mượn sách.
“Trời vừa hửng sáng, chiều vừa buông xuống, ông chủ nhà thành tâm thắp những nén nhang thơm cầu nguyện cho đất nước thanh bình, phát triển phồn vinh, cho nền báo chí, văn học nước nhà và địa phương ngày càng thăng hoa. Trong lúc chờ “qua bến lên đường”, được làm những chuyện nhỏ như vậy, tôi cảm thấy quá hạnh phúc nên có đột ngột lên đường cũng là chuyện hết sức bình thường. Cuộc đời vốn vô thường mà, có gì phải suy nghĩ… cứ theo quy luật mà hành xử” – nhà báo Mai Sông Bé chia sẻ.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/chan-dung-ke-si-dong-nai-qua-goc-nhin-cua-nha-bao-mai-song-be-01f7559/