Theo Bộ Tài chính, hiện tổng số lượng xe máy ở Việt Nam khoảng 72 triệu chiếc, nhưng chỉ có khoảng 6,5 triệu xe mua bảo hiểm.
Kiến nghị bảo hiểm xe máy là tự nguyện, không ép buộc phải mua
Bộ Tài chính cho biết vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai do Văn phòng Chính phủ chuyển tới và kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới.
Trong văn bản, cử tri hai tỉnh này đều kiến nghị nghiên cứu chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm của chủ xe mô tô, xe máy sang hình thức tự nguyện, không ép buộc người dân phải mua bảo hiểm này.
Vì thực tế, dù quy định bắt buộc chủ xe mô tô, xe máy phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, nhưng khi xảy ra tai nạn và đề nghị chi trả bảo hiểm thì công ty bảo hiểm nhũng nhiễu, gây khó khăn.
Thêm nữa, thủ tục rườm rà khiến người mua bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong quá trình đề nghị thanh toán chi trả bảo hiểm.
Đồng thời, cử tri cũng kiến nghị xem xét lại quy định việc công an giao thông xử phạt người tham gia giao thông khi không mua bảo hiểm mô tô, xe máy.
Trước đó, cử tri TP.HCM, Quảng Trị, Lạng Sơn… cũng có kiến nghị bỏ quy định bắt buộc người dân mua bảo hiểm đối với xe máy và chuyển sang hình thức tự nguyện.
Bởi nhiều người mua sản phẩm bảo hiểm này chỉ để đối phó lực lượng cảnh sát giao thông, thay vì quan tâm đến quyền lợi.
Bộ Tài chính: Bắt buộc mua bảo hiểm cho xe máy
Trả lời về kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho rằng trên thế giới hiện nay, hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy và thậm chí có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện.
Ngay cả các nước phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước đang phát triển có số lượng lớn xe mô tô, xe máy tham gia giao thông như Ấn Độ, Trung Quốc, các nước ASEAN… cũng quy định bắt buộc đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
Còn tại Việt Nam, theo Bộ Tài chính, loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện từ năm 1988.
Hiện nay, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới bao gồm chủ xe máy được quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022; Luật Giao thông đường bộ 2008, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024…
Nhiều quy định mới có gia tăng quyền lợi cho chủ xe cơ giới về phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục bồi thường…
Cụ thể, mức phí bảo hiểm đối với xe máy là 55.000 đồng hoặc 60.000 đồng/năm. Khi không may gây tai nạn đối với người thứ ba về sức khỏe, tính mạng, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả cho người thứ ba tối đa 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn. Còn bồi thường về tài sản, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả tối đa 50 triệu đồng/vụ tai nạn.
Hiện nay mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu, và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thông tin, theo số liệu thống kê, số lượng xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới 6 tháng đầu năm 2024 chỉ có khoảng 6,5 triệu xe. Trong khi đó, tổng số lượng xe máy ở Việt Nam đạt khoảng 72 triệu chiếc. Như vậy, tỉ lệ xe máy tham gia loại hình bảo hiểm này chỉ chiếm khoảng 9% số lượng xe lưu hành.
Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả triển khai loại hình bảo hiểm này, cùng với việc phối hợp với các bên đẩy mạnh tuyên truyền, Bộ Tài chính cho hay sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (nếu có).
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ bồi thường bảo hiểm, chi trả hỗ trợ nhân đạo, đảm bảo việc bồi thường bảo hiểm diễn ra nhanh chóng, đúng quy định.