Trong số các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, phần lớn các dự án bị chậm tiến độ; trong đó có dự án chậm tiến độ cả 10 năm.
Núi Chứa Chan, một “siêu” dự án về du lịch đang được tỉnh tìm nhà đầu tư khai thác phát triển du lịch. Ảnh:Ngọc Liên |
Để xử lý tình trạng “tồn” dự án, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL), Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Xây dựng… rà soát, báo cáo thực trạng và tham mưu tỉnh những giải pháp xử lý.
Nhiều dự án “giậm chân tại chỗ” nhiều năm
Theo báo cáo của Sở VHTTDL, thời gian qua, ngành du lịch Đồng Nai đã nỗ lực thúc đẩy sự phát triển. Nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được hình thành, thu hút sự chú ý của du khách. Các dự án du lịch được dư luận quan tâm, mong chờ sớm hoàn thành để đưa vào khai thác, vận hành.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ. Cụ thể, Dự án Du lịch sinh thái tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú; Dự án Điểm du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí cù lao Ba Xê tại thành phố Biên Hòa; Dự án Du lịch sinh thái Heaven Green tại huyện Vĩnh Cửu; Dự án Du lịch sinh thái Trị An Lake View của huyện Thống Nhất; Điểm du lịch sinh thái Trường Giang tại huyện Trảng Bom… đều đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và được UBND tỉnh chấp thuận gia hạn tiến độ dự án. Các dự án chậm tiến độ đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư từ 3-10 năm. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do khó khăn về tài chính, dịch bệnh Covid-19, vướng thủ tục đất đai…
Năm 2025, dự kiến sẽ đưa một số mỏ đá đã ngưng khai thác để mời gọi đầu tư các dự án du lịch, dự kiến sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngành VHTTDL sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan lập quy hoạch 1/500 đối với các dự án du lịch để tổ chức đấu giá.
Bên cạnh những dự án đã cấp chủ trương đầu tư lâu năm, có dự án được đánh giá là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh đang mời gọi các nhà đầu tư có quy mô trên 1,3 ngàn hécta, với 3 loại hình du lịch (sinh thái nghỉ dưỡng, văn hóa lịch sử và nông nghiệp nông thôn) đang điều chỉnh quy hoạch, bổ sung các thủ tục liên quan đến đất đai, phương án, đề án quản lý rừng để mời gọi các nhà đầu tư cũng đang bị chậm trễ.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) Trần Thế Vinh cho rằng, hầu hết các dự án du lịch hiện nay đều có tiến độ chậm. Sở đã đề nghị đơn vị chức năng liên quan rà soát, tìm hiểu rõ nguyên nhân để có cơ sở cung cấp thông tin đến lãnh đạo tỉnh, đồng thời cùng xem xét khả năng thực hiện dự án của doanh nghiệp để có phương án xử lý.
Theo ông Vinh, hiện nhiều luật liên quan đến đất đai, xây dựng… đã được sửa đổi, ban hành mới, trong khi các dự án được cấp chủ trương từ nhiều năm, theo các quy định cũ. Các dự án chậm tiến độ nhiều năm nay cần rà soát lại để có giải pháp tháo gỡ.
Rà soát quy hoạch cho ngành du lịch
Theo đánh giá của Sở VHTTDL, thời gian qua, ngành du lịch Đồng Nai đã có những dấu hiệu khởi sắc, có một số điểm đến ấn tượng, thu hút sự quan tâm của du khách; một số sản phẩm du lịch, cơ sở lưu trú mới được hoàn thành, các công trình, hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch vẫn còn nhiều hạn chế như: sản phẩm du lịch có bước phát triển nhưng nhìn chung tính hấp dẫn chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm du lịch nổi bật để hình thành chuỗi sản phẩm dịch vụ của địa phương; hoạt động của nhiều cơ sở kinh doanh còn mang tính nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực cạnh tranh còn thấp…
Để du lịch Đồng Nai phát triển bài bản, có quy hoạch, Phó giám đốc Sở TNMT Trần Thế Vinh cho rằng, hiện một số dự án du lịch, trong đó có cả dự án trọng điểm của tỉnh, có tầm cỡ nhưng khi thực hiện dự án vẫn còn vướng các thủ tục, trong đó có dự án chưa đáp ứng điều kiện về quy hoạch. Hiện nay, Đồng Nai chưa có quy hoạch phát triển du lịch đối với những khu vực đất lợi thế. Do đó, ngành du lịch cần khảo sát, lựa chọn và đề xuất, đưa vào quy hoạch những điểm có lợi thế khai thác du lịch. Đây là cơ sở tiến hành các bước bồi thường, đấu giá các dự án phát triển du lịch.
Để ngành du lịch có sự phát triển nhanh, bền vững, các sản phẩm du lịch bảo đảm các tiêu chí liên quan đến thủ tục cũng như các quy định của pháp luật, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, Sở VHTTDL phối hợp với các Sở liên quan gồm: TNMT, Xây dựng, Kế hoạch và đầu tư rà soát các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án chậm tiến độ. Trên cơ sở đó đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất để tham mưu UBND tỉnh có hướng xử lý kịp thời. Đối với những dự án không có khả năng thực hiện nhanh thì mạnh dạn đề xuất cắt bỏ dự án khỏi quy hoạch.
Ngoài ra, ngành du lịch cần có sự kết hợp với các sở, ngành để tìm các nhà đầu tư lớn về du lịch đầu tư vào Đồng Nai. Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, ngành du lịch cũng cần giới thiệu các dự án, điểm đến du lịch để mời gọi nhà đầu tư.
Ngọc Liên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202412/nhieu-du-an-du-lichcham-tien-do-5c06ad3/