Đồng Nai là địa phương đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ về số lượng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Không chỉ tăng nhanh về số lượng sản phẩm OCOP, nhiều địa phương của tỉnh nỗ lực nâng sao cho các sản phẩm OCOP, trong đó mục tiêu có các sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.
Dây chuyền chế biến hạt điều tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu một thành viên Nga Biên (thuộc xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên |
Với 36 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, huyện Xuân Lộc thuộc tốp đầu của tỉnh trong xây dựng sản phẩm OCOP. Đặc biệt, hiện trên địa bàn tỉnh có 6 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao cấp quốc gia thì huyện Xuân Lộc có 5 sản phẩm.
Phấn đấu có nhiều sản phẩm OCOP 5 sao
5 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao của huyện Xuân Lộc đều cùng chủ thể Công ty TNHH Xuất nhập khẩu một thành viên Nga Biên thuộc xã Xuân Hưng. Trước đây, doanh nghiệp (DN) này chủ yếu sơ chế nhân điều trắng xuất khẩu. Khi thị trường xuất khẩu nhân hạt điều gặp khó khăn, nhiều DN chuyển đổi hoặc thu hẹp sản xuất thì DN mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến hiện đại hơn, đầu tư chế biến sâu các dòng sản phẩm từ hạt điều để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Hiện DN có hơn 20 sản phẩm chế biến sâu gồm: hạt điều rang muối, hạt điều tẩm các loại gia vị, các loại bánh hạt… Trong đó, DN đã có 8 sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao. Năm 2024, DN có 5 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao cấp quốc gia gồm: hạt điều rang muối vị nguyên bản; hạt điều vị phô mai trứng muối; hạt điều rang chay; hạt điều vị tỏi ớt và bánh hạt dinh dưỡng.
Vài năm trở lại đây, DN này tập trung đầu tư xưởng sản xuất, dây chuyền chế biến sâu các mặt hàng hạt điều. Hiện dây chuyền sản xuất của DN hầu hết đều sử dụng các máy móc tự động. Để sớm có sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp quốc gia, DN tiếp tục đầu tư cải tiến, chuẩn hóa quy trình sản xuất, hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng…
Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu một thành viên Nga Biên Hiếu Lê cho biết, quan điểm của DN khi tiếp cận thị trường nội địa là làm những sản phẩm chất lượng tốt cung cấp ra thị trường. DN chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hiện DN đã hoàn thiện hồ sơ để nâng cấp nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao. Trong 5 sản phẩm làm hồ sơ OCOP 5 sao, có 4 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao và một sản phẩm mới.
Ngoài ra, DN định hướng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm hạt điều chế biến với thương hiệu Vigonuts. Sản phẩm của DN hiện đã xuất khẩu vào các nước như: Anh, Đức, Trung Quốc…
Trong đợt khảo sát của đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh), Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng ban Chỉ đạo 264 tỉnh Phạm Tấn Linh đánh giá cao về các sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao của Công ty Nga Biên.
Theo ông Phạm Tấn Linh, sản phẩm của DN này cũng là một ưu thế để khẳng định sản phẩm của Đồng Nai không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu tốt đi các nước.
Theo Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc LÊ KIM BẰNG, dự kiến đến cuối năm 2024, huyện sẽ có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4-5 sao. Chương trình OCOP góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán, nhỏ lẻ sang sản xuất theo cơ chế kinh tế thị trường, giúp người sản xuất đổi mới tư duy, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm OCOP đẹp, chất lượng tốt, sản xuất theo đúng các quy định của Nhà nước không chỉ tiêu thụ ở địa phương, mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển.
Làm thương hiệu OCOP cho nông sản
Điều ấn tượng là Xuân Lộc khai thác tốt thế mạnh nông sản của địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các hợp tác xã (HTX) trong làm sản phẩm OCOP. Nhờ vậy, đến nay, nhiều loại nông sản thế mạnh của các địa phương trên địa bàn huyện đều đạt chứng nhận OCOP. Cụ thể như: sầu riêng của HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định; sản phẩm chôm chôm của HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Bảo Hòa; xoài xanh của HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại và du lịch Suối Lớn; rau xà lách gai của HTX Rau an toàn Lộc Tiến; tiêu đen của HTX Hồ tiêu Xuân Thọ.
Giám đốc HTX Ca cao xã Suối Cát Trương Văn Mỹ chia sẻ, nhờ triển khai hiệu quả chuỗi liên kết từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ ca cao, hiện HTX đã tăng xã viên tham gia lên hơn 100 thành viên; diện tích trồng ca cao tham gia chuỗi liên kết từ vài chục hécta tăng lên hơn 100 hécta. Khi tham gia chuỗi liên kết, người nông dân được hỗ trợ về vật tư, phân bón và hệ thống tưới tiết kiệm. Toàn bộ các thành viên trong HTX đang canh tác theo chuẩn GlobalGAP.
HTX đã ký kết tiêu thụ với các công ty nước ngoài bao tiêu đầu ra cho nông dân. Hiện HTX có 2 sản phẩm chế biến đạt chứng nhận OCOP là bột ca cao nguyên chất và socola sữa. HTX đã làm nhãn hiệu hàng hóa là Ca cao Thành Ý. Nhãn hiệu này vinh dự được Viện Nghiên cứu châu Á quyết định cấp chứng nhận đạt Top 10 Thương hiệu xuất sắc châu Á năm 2024. Nhờ đó, nhiều nông dân trước đây trồng điều cho thu nhập rất thấp, nay vào chuỗi liên kết sản xuất ca cao đạt thu nhập từ 500-600 triệu đồng/hécta.
Dưới góc nhìn DN, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) Trần Quang Tính cho hay, DN trồng nhiều sản phẩm như: ớt chuông, cà chua, một số rau củ quả khác, và tập trung nhất là dưa lưới, đều đã có chứng nhận GlobalGAP. DN đang xây dựng kế hoạch liên kết với địa phương để hợp tác với các HTX, hộ nông dân trên địa bàn huyện sản xuất theo chuỗi khép kín. Trong đó, DN sẽ hỗ trợ cho các HTX, nông dân từ nguồn phân hữu cơ, quy trình trồng sạch đến đầu tư cho chế biến sâu để giải quyết khó khăn về đầu ra cho nông sản. Mong muốn của DN là đầu tư thêm những dòng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thật sự chất lượng, không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu.
Bình Nguyên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/trang-dia-phuong/202411/no-luc-dat-nhieu-san-pham-ocop-5-sao-b156ee4/