Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu của năm 2024 nói riêng và của cả giai đoạn 2021-2025 nói chung. Một trong những vướng mắc, khó khăn chung của nhiều địa phương trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là thực hiện tiêu chí nước sạch nông thôn.
Nhà máy cấp nước của Công ty CP Cấp nước Gia Tân tại huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên |
Đến nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh còn thấp, toàn tỉnh đạt hơn 40% trên tổng số hộ dân. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh phải đạt 55%; riêng với các xã NTM nâng cao tỷ lệ này phải đạt từ 65% trở lên. Đây là tiêu chí rất khó thực hiện. Theo đó, một số địa phương kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước sạch nông thôn.
Khó khăn lớn của nhiều địa phương
Nước sạch là nhu cầu rất cần thiết trong đời sống hàng ngày của người dân. Trước khi có Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều khu vực nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, miền núi chủ yếu sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ nguồn ao, hồ hoặc là nguồn nước ngầm từ giếng khơi, giếng khoan. Chính vì vậy, đầu tư nước sạch cho vùng nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.
Trong suốt quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ tỉnh đến các địa phương rất quan tâm thực hiện tiêu chí nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, đây là tiêu chí khó, đến nay nhiều địa phương của tỉnh vẫn chưa đạt trong xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết, một trong những khó khăn của huyện trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là vướng về tiêu chí nước sạch nông thôn, nhất là về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung. Toàn huyện hiện có 10 công trình cấp nước tập trung nhưng các công trình này đều có quy mô nhỏ lẻ, khai thác không hiệu quả. Thời gian qua, nhiều xã trên địa bàn huyện đã có DN đầu tư hệ thống cấp nước sạch. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện vẫn còn 4 xã khó khăn chưa có công trình cấp nước. Trước đây, huyện có kế hoạch bố trí vốn ngân sách đầu tư các dự án cấp nước tại những xã trên nhưng do có nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong triển khai nên đang dừng các dự án công. Địa phương mong có chính sách hỗ trợ cho DN để khuyến khích đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho các xã còn lại trên địa bàn huyện.
Huyện Trảng Bom là địa phương hiện có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung thấp nhất tỉnh.
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam chỉ ra những khó khăn trong thực hiện tiêu chí cấp nước sạch tập trung là DN chỉ đầu tư đường ống chính, hệ thống đường nhánh cấp nước về từng khu dân cư vẫn chưa được đầu tư. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Vì khi đầu tư các dự án đường ống nhánh cấp nước về khu dân cư bằng nguồn vốn ngân sách sẽ gặp khó khăn trong công tác vận hành, quản lý. Còn nếu bàn giao lại cho đơn vị tư nhân, việc làm thủ tục bàn giao từ địa phương sang công ty vận hành, quản lý rất phức tạp và cũng chưa rõ về quy trình chuyển đổi.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, trên địa bàn Đồng Nai hiện có 2 đơn vị chính đầu tư hệ thống nước máy là Công ty CP Cấp nước Đồng Nai và Công ty CP Cấp nước Gia Tân. UBND tỉnh sẽ xin chủ trương Tỉnh ủy ban hành nghị quyết hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN này trong đầu tư nước sạch nông thôn. Ngoài ra, các địa phương cần vận động người dân sử dụng nước máy khi có đường ống về đến nơi.
Cần cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp
Để đạt mục tiêu cấp nước sạch cho nông thôn, Đồng Nai đã triển khai Đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, trong đó đưa ra nhiều giải pháp đầu tư xây dựng các công trình cấp nước nông thôn cũng như đấu nối nguồn nước từ các công trình cấp nước đô thị để đưa nước máy về nông thôn. Nhờ đó, nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được sử dụng nước sạch từ nguồn nước máy.
Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu về nước sạch nông thôn của tỉnh đến năm 2025 vẫn là bài toán khó. Nguyên nhân, đầu tư công trình, hệ thống nước sạch ở nông thôn rất tốn kém vì mật độ dân cư nhiều khu vực còn thưa. Đa số DN chỉ đầu tư các tuyến đường ống chính, còn các đường ống nhánh vào các hộ dân do người dân tự bỏ tiền đầu tư. Nhưng do chi phí đầu tư này khá cao, nhiều hộ dân ở nông thôn vẫn chọn tự khoan giếng để sử dụng dù nguy cơ nguồn nước ngầm không đảm bảo vệ sinh là rất lớn.
Đầu tư hệ thống nước sạch vùng nông thôn hiệu quả thấp cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều địa phương khó thu hút DN đầu tư. Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ cho DN để họ đầu tư đồng bộ từ hệ thống đường ống chính đến hệ thống đường ống nhánh trên địa bàn huyện. Vì thời gian qua, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn do chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, nhiều địa phương hiện gặp khó khăn chung trong thực hiện tiêu chí cấp nước sạch tập trung. Trên cơ sở kiến nghị của một số địa phương đang xây dựng huyện NTM nâng cao, UBND tỉnh sẽ đề xuất HĐND tỉnh bổ sung ngân sách hỗ trợ cho các huyện: Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Tân Phú… đang đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao đến năm 2025. Cần rà soát lại việc cấp nước sạch, các công trình cấp nước sạch tập trung và các vấn đề khác liên quan đến nguồn kinh phí sự nghiệp, đầu tư công để triển khai nội dung này. UBND tỉnh cũng sẽ kiến nghị HĐND tỉnh thống nhất cho xây dựng nghị quyết hỗ trợ về lãi suất cho DN đầu tư hệ thống chính cấp nước sạch đến tận các khu dân cư, vì đây là những dự án cần nguồn vốn lớn, cần có sự hỗ trợ dài hạn để DN đầu tư căn cơ hơn.
Bình Nguyên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202411/can-ho-tro-doanh-nghiep-dau-tu-nuoc-sach-nong-thon-4040309/