Trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước, Đảng và Nhà nước luôn xem trọng phát triển văn hóa doanh nghiệp (DN). Do đó, văn hóa DN được đề cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để góp phần xây dựng các DN ngày càng lớn mạnh, vươn xa, hướng tới phát triển bền vững. Đây cũng được xem là giá trị cốt lõi, trụ cột tinh thần để tạo nên vị thế riêng của DN và là sợi dây kết nối các thành viên trong công ty để cùng thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch chung. Tại mỗi DN đều tập trung nhiều người lao động, nhà quản lý có trình độ, năng lực, tính cách, quê quán… khác nhau. Vì thế, DN muốn tạo nên được sự đoàn kết, gắn bó để phát huy được nguồn lực thì phải xây dựng được văn hóa DN với những giá trị chung, sẽ tạo ra sự đồng thuận, chia sẻ giữa các thành viên và cùng hướng đến mục tiêu là phát triển công ty vững mạnh. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho cả chủ DN lẫn người lao động.
Hiện nay, cả nước có khoảng 1 triệu DN, riêng Đồng Nai khoảng 56 ngàn DN. Dự tính, mỗi năm, tỉnh tăng khoảng 4 ngàn DN. Các DN sẽ là trụ cột trong phát triển kinh tế của tỉnh cũng như đất nước. Về số lượng DN của Việt Nam tăng nhanh, nhưng đa số có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và vừa. Vì thế, Chính phủ đặt ra mục tiêu phải xây dựng được nhiều DN, tập đoàn lớn mang thương hiệu quốc gia như: Viettel, Vinamilk, VNPT, Vietcombank, Vinhomes, Petrovietnam, Hòa Phát, Trường Hải… để vươn ra thị trường quốc tế.
Mấy năm trở lại đây, các DN Việt rất quan tâm trong việc xây dựng văn hóa DN và xem đây là sứ mệnh, tầm nhìn, triết lý, đạo đức kinh doanh, ứng xử giữ quản lý với người lao động, giữa người lao động với nhau… trong quá trình hoạt động. Mục tiêu là để xây dựng uy tín, hình ảnh, thương hiệu để phát triển ổn định và bền vững.
Tuy mục đích chính của DN là hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhưng tại Đồng Nai, nhiều DN còn tích cực tham gia công tác xã hội và xem đây như là một phần trong hoạt động của DN. Việc này sẽ chia sẻ bớt những khó khăn, gánh nặng của Chính phủ, chính quyền địa phương trong công tác đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ người nghèo… Ngoài ra, nhiều DN còn nỗ lực tham gia các phong trào khác như: xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trồng rừng, hiến máu nhân đạo… Đây không chỉ thể hiện văn hóa, trách nhiệm của DN với xã hội mà còn giúp cho hình ảnh của DN tốt đẹp hơn trong mắt nhiều đối tác và người tiêu dùng.
Thực tế, hiện nay, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khi nhập khẩu hàng hóa đòi hỏi DN cung ứng sản phẩm phải đảm bảo 3 tiêu chuẩn là ESG (môi trường – xã hội – quản trị). Đây là thước đo cho sự phát triển bền vững của từng DN và được xem là chìa khóa cho phát triển dài hạn ở mọi lĩnh vực. Đồng Nai là một trong 5 trung tâm sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam và hơn 70% sản phẩm công nghiệp đưa đi xuất khẩu. Do đó, xây dựng văn hóa DN, EGS là điều không thể thiếu được, vì đây là những tiêu chuẩn cần thiết trong cho phát triển bền vững.
Uyển Nhi
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202411/xay-dung-van-hoa-trong-doanh-nghiep-chia-khoa-de-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-aa05d21/