Để vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp (DN) đều phải tham gia vào cuộc đua chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Trong cuộc đua trên, nếu DN nào đi trước sẽ chiếm được thế thượng phong.
Tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác, khoảng 5-6 năm trở lại đây, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh rất được chú trọng, vì đây là điều kiện để các DN giữ được thị phần trong nước và mở rộng xuất khẩu. Hầu hết, các nhãn hàng quốc tế đều có cam kết theo lộ trình giảm phát thải khí nhà kính và đến năm 2050 đạt phát thải bằng 0. Theo đó, các nhãn hàng cũng đặt ra quy định cho khách hàng và các nhà máy gia công cũng phải tham gia vào giảm phát thải.
Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sản phẩm làm ra đa số là xuất khẩu. Do đó, các DN, hợp tác xã muốn có đầu ra ổn định phải đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và xu hướng chung của toàn cầu là sản xuất xanh. Muốn tham gia vào sản xuất xanh nhanh và hiệu quả thì các DN, hợp tác xã phải ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số. Đầu tư vào chuyển đổi số, sản xuất xanh cần có chính sách rõ ràng để tạo thuận lợi cho DN, hợp tác xã gọi vốn từ các tổ chức, tập đoàn khác trong và ngoài nước. Đồng thời, Chính phủ cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho những dự án chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Theo các quỹ đầu tư nước ngoài, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, gần đây Chính phủ ban hành nhiều chính sách khuyến khích chuyển đổi công nghệ hình thành các nhà máy thông minh để phát triển xanh. Tuy nhiên, các chính sách đó cần chi tiết, cụ thể hơn và phân cấp, phân quyền cho các địa phương để DN dễ dàng tham gia thực hiện. Đơn cử, hiện có nhiều DN đang đi đầu trong việc đầu tư, sử dụng năng lượng tái tạo nhưng lại vướng các quy định nên chưa phát triển mạnh lĩnh vực này. Nhiều DN liên kết thực hiện mô hình cộng sinh, tuần hoàn, tái sử dụng nước thải, chất thải, mang lại những lợi ích là giảm chi phí, tốt cho môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, thêm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thế nhưng, quá trình thực hiện vẫn gặp một số nút thắt do chính sách chưa rõ ràng nên ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuyển đổi xanh của DN.
Vì thế, các DN mong Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ban hành những chính sách cụ thể, chi tiết để DN có thể liên kết, gọi vốn đầu tư vào chuyển đổi số để sản xuất xanh, phát triển bền vững. Đây là con đường DN phải đi trong tiến trình hội nhập của đất nước.
Khánh Minh
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202411/thach-thuc-khi-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau-bb2098f/