Năm 2024 là năm thứ 3 Đồng Nai tổ chức Liên hoan Văn nghệ các khu nhà trọ (KNT) văn hóa.
Khu nhà trọ văn hóa tiêu biểu trên địa bàn thành phố Long Khánh tham gia Liên hoan Văn nghệ các khu nhà trọ văn hóa tỉnh Đồng Nai năm 2024. Ảnh: L.Na |
Không chỉ tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để công nhân, người lao động trong các KNT văn hóa thể hiện năng khiếu, đây còn là dịp để các KNT giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau xây dựng, phát huy và nhân rộng mô hình KNT văn hóa.
Nhiều khu nhà trọ văn hóa tích cực tham gia
KNT văn hóa của bà Nguyễn Thị Hiếu (ở khu phố 11, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) là một trong những KNT được công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố Biên Hòa lựa chọn. KNT có 12 dãy phòng trọ với 50 phòng, có gần 200 người ở trọ sinh sống.
Bà Hiếu cho biết, từ khi được công nhận KNT văn hóa, thực hiện Bộ tiêu chí KNT văn hóa của tỉnh, người ở trọ tuân thủ đúng các quy định. KNT không tụ tập nhậu nhẹt, không hát karaoke gây tiếng ồn làm ảnh hưởng những người xung quanh. Vào các dịp lễ, Tết, KNT tổ chức tặng quà, thăm hỏi những người ở trọ có hoàn cảnh khó khăn…
“Đặc biệt, KNT văn hóa của tôi đã thành lập tổ phụ nữ công nhân nhà trọ. Tổ sinh hoạt 3 tháng/lần. Đây là nơi để chị em phụ nữ cùng gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái, giữ lửa hạnh phúc gia đình; đồng thời, tích cực tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao nâng cao đời sống tinh thần. Nhờ vậy, người ở trọ sống rất đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau” – bà Hiếu chia sẻ.
Đại diện cho huyện Vĩnh Cửu tham gia Liên hoan Văn nghệ các KNT văn hóa tỉnh Đồng Nai năm 2024, anh Phạm Ngọc Hiệp, công chức văn hóa – xã hội xã Thạnh Phú, cho hay toàn xã hiện có 15 KNT văn hóa/600 cơ sở cho thuê trọ. Phần lớn người dân tạm trú lựa chọn KNT văn hóa để thuê bởi ở đây sạch sẽ, an ninh, an toàn. Các KNT văn hóa trên địa bàn xã thường xuyên tổ chức các sân chơi văn hóa, thể thao thu hút người ở trọ tham gia.
Bên cạnh những thuận lợi, theo anh Phạm Ngọc Hiệp, khó khăn trong xây dựng và thực hiện mô hình KNT văn hóa ở xã Thạnh Phú hiện nay là người ở trọ trên địa bàn đa phần là đồng bào dân tộc Chăm, Khmer, khả năng giao tiếp hạn chế, khó khăn trong công tác tuyên truyền. Một số chủ nhà trọ chưa hiểu ý nghĩa của việc tham gia mô hình KNT văn hóa… Do vậy, việc tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ để chủ nhà trọ và người thuê trọ cùng tham gia là cách gắn kết mọi người gần nhau hơn.
Chị Trần Thị Linh, đến từ KNT văn hóa Tố Uyên (khu phố 6, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc), phấn khởi nói: “Đây là lần đầu tiên tôi và người ở trọ tại KNT Tố Uyên được tham gia chương trình văn nghệ cấp tỉnh sôi nổi, hào hứng. Ai nấy đều rất vui, mong muốn trong thời gian tới KNT và địa phương tổ chức nhiều hơn các sân chơi văn nghệ, tiếp thêm năng lượng cho người ở trọ sau những giờ làm việc căng thẳng”.
Liên hoan Văn nghệ các KNT văn hóa tỉnh Đồng Nai năm 2024 đã bế mạc và trao 38 giải cho 21 KNT đến từ 8 huyện, thành phố tham gia. Trong đó, giải nhất toàn đoàn thuộc về huyện Thống Nhất; giải nhì thuộc về huyện Nhơn Trạch và huyện Xuân Lộc; 3 giải ba thuộc về huyện Long Thành, huyện Trảng Bom và thành phố Long Khánh, cùng 2 giải khuyến khích.
Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư
Theo Phó trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Trảng Bom Phạm Văn Trọng, nhiều năm nay, địa phương đã nhân rộng được 32 KNT văn hóa, thường xuyên tổ chức liên hoan văn nghệ, chiếu phim lưu động, trao tặng sách phục vụ người ở trọ. Đã có nhiều mô hình hay tại các KNT văn hóa ra đời như: Tổ công nhân KNT tự quản, Chi đoàn KNT, Chi hội Thanh niên KNT… Địa phương kỳ vọng thời gian tới, các chủ nhà trọ tiếp tục phối hợp với chính quyền thực hiện tốt Bộ tiêu chí KNT văn hóa, đảm bảo an ninh, an toàn của người ở trọ.
Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, từ năm 2013, UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí KNT văn hóa tỉnh Đồng Nai nhằm phát động Phong trào Xây dựng mô hình KNT văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đây là cách làm mới trong công tác tuyên truyền, vận động người dân nói chung và công nhân, người lao động nói riêng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường nơi cư trú. Phong trào vừa phù hợp với tình hình thực tế, vừa mang lại hiệu quả thiết thực, huy động được đông đảo nhân dân tham gia.
“Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 200 mô hình KNT văn hóa. Tất cả các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng đời sống văn hóa và văn minh đô thị ở các khu dân cư trong tỉnh” – bà Mộng Bình chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Mộng Bình, mặc dù số lượng KNT văn hóa được công nhận hàng năm có tăng song với hơn 200 mô hình hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn so với tổng số KNT trên địa bàn toàn tỉnh. Để phát huy hiệu quả, nhân rộng mô hình KNT văn hóa, trong thời gian tới, sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ nhà trọ đăng ký tham gia.
Cùng với công tác tuyên truyền, sở tiếp tục tổ chức các diễn đàn, liên hoan văn nghệ, thể thao… để chủ nhà trọ và người ở trọ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hay tại KNT văn hóa. Từ đó, nâng cao nhận thức cộng đồng về thực hiện nếp sống văn minh, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần đưa chất lượng Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202411/san-choi-cho-cac-khu-nha-tro-van-hoa-9bf71ea/