Hoạt động khảo cổ học trên địa bàn Đồng Nai vài năm trở lại đây diễn ra sôi động với nhiều đợt khai quật cùng với hoạt động trùng tu tôn tạo, xếp hạng di tích khảo cổ…
Các em học sinh tham quan Di tích khảo cổ Tân Lại, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Ảnh: L.Na |
Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ học không chỉ góp phần kết nối quá khứ và hiện tại, phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, mà qua đó còn thúc đẩy phát triển du lịch.
Nhiều di tích khảo cổ học được xếp hạng
Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Hồng Ân cho biết, hệ thống các di tích ở Đồng Nai hiện có 71 di tích xếp hạng (cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh). Trong danh mục di tích xếp hạng, có nhiều di tích liên quan đến khảo cổ học, thể hiện các giai đoạn lịch sử: tiền sử, sơ sử và cả giai đoạn lịch sử sau này. Trong đó, quan trọng nhất là Mộ cự thạch Hàng Gòn – di tích khảo cổ học được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt.
Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có các di tích khảo cổ xếp hạng cấp tỉnh gồm: Di tích Đồi Phòng không thuộc địa phận ấp 3, xã Hiếu Liêm và Di tích Suối Linh (huyện Vĩnh Cửu); Di tích khảo cổ Gò Me, xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch); Di tích khảo cổ Tân Lại, phường Bửu Long và Di tích khảo cổ Long Hưng, xã Long Hưng (thành phố Biên Hòa).
Phó chủ tịch UBND phường Bửu Long (thành phố Biên Hòa) Lê Thị Thu Hiền cho hay: “Với Di tích khảo cổ Tân Lại trên địa bàn phường được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2024, địa phương đã và đang có kế hoạch chỉ đạo Đoàn Thanh niên tổ chức nhiều hoạt động tham quan, tìm hiểu di tích khảo cổ cho những người trẻ, đoàn viên, học sinh. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý di tích đình Tân Lại gìn giữ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn phường”.
Ngoài các di tích khảo cổ học đã xếp hạng, thời gian qua, Đồng Nai đã tiến hành khai quật khảo cổ Di tích Cầu Sắt, xã Bình Lộc và Di tích Suối Chồn, phường Bảo Vinh (thành phố Long Khánh). Đồng thời, lấy số liệu lập bản đồ GIS các di chỉ khảo cổ học trên địa bàn các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom, thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh.
Tuy nhiên, việc lấy số liệu GIS (hệ thống thông tin địa lý) các di chỉ khảo cổ học không phải lúc nào cũng thuận lợi, bởi có một số di tích có tên trong tư liệu lưu trữ tại Bảo tàng Đồng Nai nhưng chưa được khảo sát hoặc không tìm được địa điểm. Việc lập bản đồ GIS nhằm lưu giữ những thông tin di tích khảo cổ dưới dạng cơ sở dữ liệu số, giúp người làm công tác quản lý thu nhận và quản lý thông tin hiệu quả, chính xác.
Với Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã có góp ý gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Trong đó có nội dung: cần xác định chủ sở hữu di sản và xác định rõ các hình thức sở hữu di sản văn hóa; những nguyên tắc chung trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản và nếu có tranh chấp thì xử lý thế nào? Nếu di sản là sở hữu của cá nhân, gia đình thì khi được xếp hạng quyền quản lý, sử dụng của họ tới đâu, chia sẻ trách nhiệm bảo vệ, quản lý và nguồn lợi (nếu có) như thế nào?
Để bảo vệ và phát huy giá trị
Theo ông Nguyễn Hồng Ân, khảo cổ học muốn bảo tồn phải giữ trong lòng đất, khi các nhà khảo cổ học can thiệp, khai quật thì xem như phá đi tầng văn hóa của di tích. Chính vì vậy, việc tham mưu cho UBND tỉnh xếp hạng các di tích khảo cổ học, ngành văn hóa muốn giữ nguyên tầng văn hóa ở dưới đất để thế hệ mai sau có đủ các điều kiện khoa học – công nghệ sẽ tiếp tục nghiên cứu, giải mã được nhiều vấn đề bí ẩn của lịch sử.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai Trần Quang Toại cho biết, trên dòng sông Đồng Nai đã phát hiện ra nhiều di chỉ khảo cổ học, dọc theo hai bên bờ sông có nhiều di tích khảo cổ, di tích xếp hạng cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt. Di tích khảo cổ có vị trí địa lý thường không thuận lợi, việc bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Muốn bảo vệ, trước hết phải nhận thức đúng được giá trị của di chỉ khảo cổ, phải có phương án cụ thể.
“Hầu hết các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh sau khi thám sát, đào, khai quật, đưa hiện vật ra thì lấp tại chỗ vì chúng ta chưa có điều kiện, phương tiện để thực hiện các bước tiếp theo. Bởi tốc độ phát triển đô thị của Đồng Nai quá nhanh nên nhiều di chỉ khảo cổ không bảo vệ được. Ví dụ như Di chỉ khảo cổ học Bình Đa – nơi đầu tiên phát hiện đàn đá Bình Đa, rất quý nhưng hiện nay đã mất” – ông Toại nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, việc xếp hạng di tích khảo cổ học để bảo tồn giá trị của di tích. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị văn hóa các di tích này phải có những điều kiện nhất định về con người, kinh phí và biện pháp thực hiện. Điều quan trọng là phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa, không làm biến dạng hay mất đi các di chỉ khảo cổ học. Hiện nay, ngay trong Luật Di sản văn hóa cũng chưa xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của chủ sở hữu di sản khi xếp hạng di tích. Do vậy, nhiều di chỉ khảo cổ học hay các nhà cổ không muốn xếp hạng di tích.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202410/bao-ton-phat-huy-di-tich-khao-co-hoc-f7172e0/