Phân cảnh lấy nước mắt của tôi nhiều nhất không phải là những khoảnh khắc đẹp và buồn đến nghẹt thở của mối tình tay ba Miền – Vinh – Phúc, mà là giây phút cha Miền dùng cây roi quất túi bụi vào người mình, khi đứa con gái út xinh đẹp ngoan hiền quỳ dưới sàn nhà thú tội.
Phúc và Miền trong Ngày xưa có một chuyện tình. Ảnh: Đoàn phim cung cấp |
Người đàn ông miền Trung khắc khổ đó tưởng chừng có thể chết đi ngay lúc đó, khi đứa con gái đầu lòng (chị gái Miền) từng vì yêu mà tự tử, rồi đến đứa con gái út cũng vì yêu mà vướng lỗi lầm. Làm sao một người cha nông dân khắc khổ cả đời sống trong lề thói cũ, sống giữa hàng xóm láng giềng có thể chấp nhận được những cú “vượt rào” vì yêu của 2 cô con gái?
Tôi cũng rơi nước mắt trước hình ảnh ông giáo Dưỡng với tuổi già bệnh tật sống đơn côi trong ngôi nhà toàn sách. Lòng đau đáu nhớ thương người con trai và đứa cháu trai bỏ làng đi biệt xứ. Ông tự trách sự nghiêm khắc của mình đã khiến con cháu rời xa, nhưng có lẽ chính ông cũng không biết rằng – sự nghiêm khắc đó chẳng qua chỉ là hàng rào yếu ớt ông dựng lên để cố gắng “gò” thằng con lang bạt về gần hơn với một cuộc sống bình thường – cũng là cách ông bất lực mong mỏi con trai và cháu nội gần mình.
Ngày xưa có một chuyện tình là phim chuyển thể từ sách cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: Đoàn phim cung cấp |
Tôi khóc khi Phúc lên chuyến xe sớm rời làng quê một lần nữa, rưng rưng hồi hộp khi Vinh quay về ngôi nhà mà anh không biết vợ con mình có còn ở đó nữa không, và chờ đợi Vinh sau cánh cửa đóng kín là yêu thương hay sẽ là một niềm tiếc nuối?
Dưới bàn tay đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, thêm một tác phẩm trong “vũ trụ văn học Nguyễn Nhật Ánh” rời trang sách, lên màn ảnh. Cả bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình tràn ngập những khung hình tươi sáng với làng quê Phú Yên đẹp như trong mộng. Nơi đó có bộ ba thân thiết Vinh – Phúc – Miền, cùng chơi thân, cùng lớn lên, yêu nhau, xa nhau, gặp lại…
Phúc và Vinh. Ảnh: Đoàn phim cung cấp |
“Qua tay” Trịnh Đình Lê Minh, suốt bộ phim, góc nhìn nào, khung cảnh nào, tình tiết nào cũng thấy sự trong sáng, tràn ngập yêu thương, dù buồn hay vui, dù chia xa hay gặp gỡ.
Ai cũng dễ dàng thấy Vinh thích Miền, Vinh yêu Miền bằng một tình yêu thầm lặng từ lúc thiếu thời đến khi thành người lớn. Một tình cảm đơn phương mà Phúc năm lần bảy lượt hối thúc, tạo điều kiện để Vinh bộc bạch với Miền. Nhưng Vinh vẫn không nói nổi lời yêu khi đối diện với đôi mắt trong veo của cô bạn nhỏ.
Người cha của hai chị em Lụa – Miền cũng thương yêu con trong thầm lặng. Cả mẹ Miền cũng vậy. Tôi chỉ có thể “đọc” được tình thương đó một cách rõ ràng nhất khi cha mẹ Miền run rẩy nắm tay Vinh khi anh dâng rượu trong ngày cưới, trong đôi mắt rưng rưng của đôi vợ chồng già là nước mắt của tình yêu thương và sự biết ơn, là sự an tâm khi giao con gái mình cho một người đàn ông tử tế.
Ông giáo Dưỡng cũng không bao giờ nói yêu thương con trai hay cháu nội. Ông “che chắn” tình thương của mình trong những lời nghiêm khắc. Lụa cũng không nói thương Miền, cô nhẹ nhàng đưa vai gánh cho em mình gánh nặng nhất đời người con gái.
Ngoại trừ lời yêu mà Vinh dồn nén bao năm mới dám nói với Miền – một lần duy nhất, thì cả bộ phim dường như không ai nói thương ai. Không ai nói, sao xem đến chỗ nào cũng thấy tràn ngập yêu thương.
Nhạc phim cũng là một điểm nhấn khó quên. Ảnh: Đoàn phim cung cấp |
Nhưng, suy cho cùng, có phải tình yêu luôn phải được – nói – thành – lời? Xem phim, có thể thấy người ta nói lời yêu bằng nhiều cách, bằng sự che chở, bao dung, bảo vệ, nhường nhịn, chăm chút, la mắng, đỡ đần… hay bằng những quan tâm vụng về, bé nhỏ.
Người cha thương con, người vợ thương chồng, người chị thương em, người anh trai thương em gái, đứa con trai thương cha, ông thương cháu, một người yêu thương một người yêu, một người bạn thương một người bạn… có thể dịu dàng, nhẹ nhàng, đôi khi khắc nghiệt, đôi lúc bao dung, thăng hoa hay hối tiếc thì đều có điểm chung là rất hiếm khi được nói thành lời.
Tôi tự hỏi, những người làm nên bộ phim này đã làm gì mà sau bao nhiêu dâu bể xảy ra, tôi không thể “ghét” nổi ai? Trái lại, sao nhân vật nào, sao tình yêu, tình bạn, tình cha con ông cháu chị em nào cũng khiến tôi thương đứt ruột?
Phim điện ảnh Ngày xưa có một chuyện tình thuộc thể loại tâm lý, tình cảm, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh phát hành lần đầu năm 2016, từng bán hơn 100.000 bản, lọt vào top 10 tác phẩm bán chạy nhất của ông. Phim do Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (phim Thưa mẹ con đi) làm đạo diễn, biên kịch Nhi Bùi (Bố già, Thưa mẹ con đi) và Đỗ Hoa Trà chấp bút chuyển thể.
Chuyện phim xoay quanh mối tình tay ba của Vinh (Avin Lu), Miền (Ngọc Xuân), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) – nhóm bạn thân gắn bó suốt thời niên thiếu thập niên 90 ở vùng quê Phú Yên.
Các diễn viên nhí vào vai 3 nhân vật chính thuở nhỏ gồm Thanh Tú (Vinh), Bảo Tiên (Miền) và Hạo Khang (Phúc).
Phim sẽ ra rạp ngày 1-11 trên toàn quốc. Tại thành phố Biên Hòa, Ngày xưa có một chuyện tình có các suất chiếu đặc biệt từ 18h ngày 25-10 và cả ngày 26; 27-10. Khán giả Đồng Nai có thể xem các suất chiếu đặc biệt tại các cụm rạp CGV (Coop Mart Biên Hòa, Go Big C); Lotte Mart Biên Hoà và Beta Cinema.
Vi Lâm
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202410/ngay-xua-co-mot-chuyen-tinh-khi-yeu-thuong-khong-de-noi-thanh-loi-86d57d6/