Với lợi thế về di sản văn hóa, cảnh quan…, nhiều địa danh của Biên Hòa – Đồng Nai đã và đang được các nhà làm phim lựa chọn.
Chương trình truyền hình thực tế 2 ngày 1 đêm năm 2024 được quay tại Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: VMTB |
Không chỉ thực hiện các phim điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu, phim quảng bá du lịch, mà nhiều địa danh còn được lựa chọn thực hiện các MV ca nhạc, giới thiệu bộ sưu tập áo dài… Đây cũng là cơ hội để Đồng Nai phát triển văn hóa, du lịch.
Điểm đến của các nhà làm phim
Một trong những địa điểm được nhiều đoàn làm phim điện ảnh, phim truyền hình lựa chọn, được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây phải kể đến biệt thự Võ Hà Thanh (hay còn gọi là nhà lầu ông Phủ, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa). Đây là công trình được khởi công xây dựng từ năm 1922, khánh thành năm 1924, có kiến trúc biệt thự Pháp những năm đầu thế kỷ XX.
Trong đó, có nhiều phim được quay đã lâu tại nhà lầu ông Phủ nhưng đến nay vẫn còn nổi tiếng. Cụ thể như: phim Người đẹp Tây Đô của cố đạo diễn Lê Cung Bắc; phim Những nẻo đường phù sa của đạo diễn Châu Huế và Trần Ngọc Phong; phim Sương gió biên thùy của đạo diễn Hồ Ngọc Xum; phim Cô Ba Sài Gòn do Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn đạo diễn; phim Bóng ma học đường do đạo diễn Lê Bảo Trung thực hiện; hay phim Ranh giới trắng đen – một phim hành động với sự hợp tác của Việt Nam – Indonesia…
Hay trong phim điện ảnh Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khởi quay năm 2020, một số bối cảnh trong phim cũng được đoàn làm phim lựa chọn Biên Hòa để thực hiện. Mặc dù bối cảnh thời gian của phim lùi lại đến 50-60 năm song những hình ảnh tại thành phố Biên Hòa lên phim đã góp phần tạo nên thành công, tiếng vang cho bộ phim. Qua phim, vùng đất Đồng Nai nhiều tiềm năng du lịch đã được giới thiệu đến công chúng, thôi thúc du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên là địa điểm để nhiều nhà làm phim tài liệu, thực hiện các MV ca nhạc, giới thiệu bộ sưu tập áo dài… lựa chọn. Trong đó có phim tài liệu Hành trình đất phương Nam và nhiều phim ngắn cuối tuần phát sóng trên kênh THVL1; chương trình truyền hình thực tế 2 ngày 1 đêm năm 2024 với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng như: Lê Dương Bảo Lâm, Ngô Kiến Huy, Trường Giang, Kiều Minh Tuấn, hieuthuhai (Trần Minh Hiếu), Cris Phan.
Mới đây nhất, đạo diễn Lê Việt đã chọn Văn miếu Trấn Biên để tổ chức trình diễn bộ sưu tập áo dài trong chương trình Festival Áo dài di sản Việt Nam 2024. Chương trình có sự tham gia của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng như: Việt Hùng, Dũng Nguyễn, Huy Doãn, Thạch Linh, Ngô Duy Lê, Lê Hữu Nhân, Nguyễn Tùng Chinh.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hướng đến ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh. Không chỉ đẩy mạnh công tác quảng bá những hình ảnh đẹp, giá trị văn hóa, Đồng Nai đã và đang tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các đoàn làm phim nhằm khai thác tốt hơn ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt ở khía cạnh văn hóa điện ảnh.
Góp phần phát triển văn hóa, du lịch
Theo đạo diễn Lê Việt, việc chọn Văn miếu Trấn Biên không chỉ giới thiệu áo dài mà còn góp phần quảng bá điểm đến du lịch. Bởi mục đích của chương trình chính là bảo tồn di sản, quảng bá di sản áo dài của Việt Nam nên sàn catwalk được khai thác triệt để không gian của di tích, tuyệt đối không xâm phạm đến công trình, giữ được nét uy phong, cổ kính của văn miếu.
Là một trong những người thực hiện nhiều phim tài liệu trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, đạo diễn Đào Anh Dũng, Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Đồng Nai là vùng đất có nhiều di tích, danh thắng, thiên nhiên hữu tình, phù hợp cho các bối cảnh trong phim điện ảnh, phim truyền hình và cả phim tài liệu. Thông qua các phim, Đồng Nai có cơ hội giới thiệu về di sản, cảnh quan, con người, văn hóa truyền thống hơn 325 năm hình thành và phát triển.
Văn miếu Trấn Biên được lựa chọn là địa điểm giới thiệu bộ sưu tập áo dài trong Chương trình Festival Áo dài di sản Việt Nam 2024. Ảnh: VMTB |
“Để hấp dẫn thêm các nhà làm phim, Đồng Nai cần cung cấp nhiều thông tin hơn cho các nhà sản xuất với tinh thần cởi mở, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ. Đồng Nai có đội ngũ các nhà nghiên cứu tâm huyết, có thể tư vấn, hỗ trợ các đoàn làm phim các nội dung liên quan đến lịch sử. Qua đó, tạo ra sản phẩm du lịch gắn với bối cảnh phim, xây dựng tour kết nối các điểm đến” – đạo diễn Đào Anh Dũng chia sẻ.
Với hệ thống di tích lịch sử, cảnh quan, các địa danh nổi tiếng…, Đồng Nai hoàn toàn có thể trở thành một “phim trường” phù hợp cho tất cả thể loại phim, hay các việc thực hiện các video, MV ca nhạc. Việc khai thác tốt tiềm năng, giá trị di sản, cảnh quan vào phim góp phần quảng bá và lan tỏa hình ảnh, văn hóa, con người Đồng Nai đến với người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202410/nhieu-dia-danh-cua-bien-hoa-dong-nai-len-phim-b7560b0/