Với đặc thù đào tạo thời gian dài, khổ luyện và đòi hỏi người học phải có năng khiếu, các cơ sở chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật (VHNT) được xem là nơi “đãi cát, tìm vàng”.
Thạc sĩ Phùng Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Ảnh: M.Ny |
Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, thạc sĩ PHÙNG NGỌC LONG cho biết, những năm qua, nhà trường đã đẩy mạnh tuyển sinh, chú trọng đào tạo, thực hành góp phần cung cấp nguồn nhân lực nghệ thuật, quảng bá và lan tỏa thương hiệu VHNT tỉnh nhà.
* Thưa ông, năm học 2024-2025, Trường trung cấp VHNT Đồng Nai đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt thu hút khá đông học sinh theo học nghệ thuật truyền thống. Để đạt được kết quả này, nhà trường đã có sự chuẩn bị như thế nào?
– Có một thực trạng hiện nay là nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật trên toàn quốc không tuyển đủ chỉ tiêu học sinh, sinh viên các chuyên ngành. Tuy nhiên, tại Đồng Nai, số lượng tuyển sinh vài năm trở lại đây luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đa số các em sau khi ra trường đã tìm được việc làm tại các thiết chế văn hóa, các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.
Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm, nhà trường đã lên kế hoạch và đẩy mạnh tuyển sinh bằng nhiều hình thức (trực tiếp, trực tuyến), nhất là trường đã tổ chức các đợt tuyển sinh về cơ sở, tại các trường học, khu dân cư để “đãi cát tìm vàng”.
* So với các năm trước, có phải số học sinh theo học các chuyên ngành nhạc cụ truyền thống tăng nhiều, thưa ông?
– Số lượng học sinh theo học nhạc cụ truyền thống có xu hướng tăng. Đặc biệt, năm học này có 20 em học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số theo học. Đây là tín hiệu vui không chỉ trong đào tạo nghệ thuật của nhà trường, mà còn góp phần cung cấp nguồn nhân lực nghệ thuật cho cơ sở, phục vụ công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.
* Nhiều ý kiến cho rằng, Đồng Nai cần mở thêm các chuyên ngành đào tạo sân khấu cải lương, đờn ca tài tử. Ý kiến của ông như thế nào về việc khôi phục các ngành học này tại nhà trường?
– Trước đây, Trường trung cấp VHNT Đồng Nai đã có đào tạo cải lương, đờn ca tài tử, rất nhiều nghệ sĩ đã thành danh từ môi trường này, có thể kể đến như: Nghệ sĩ Nhân dân Quế Anh, Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Vui… Tuy nhiên, thời gian qua, nhu cầu theo học các chuyên ngành ít, việc tuyển sinh gặp khó khăn do ít người học.
Thời gian tới, nhà trường sẽ nghiên cứu, mở lại các chuyên ngành cải lương, kịch nói, đờn ca tài tử, tiếp tục phát hiện, đào tạo những “mầm xanh” nghệ thuật từ lớp tuổi còn nhỏ đến kết nối những người có thâm niên trong nghề. Qua đó, góp phần tạo nên bức tranh muôn màu về sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại của Đồng Nai.
Thạc sĩ PHÙNG NGỌC LONG cho biết, năm học 2024-2025, nhà trường đã có 226 học sinh đăng ký dự tuyển. Kết quả, có 108 học sinh trúng tuyển nhập học, trong đó 9 em theo học thanh nhạc, 11 em học múa, 37 em theo học nhạc cụ truyền thống và 51 em học nhạc cụ phương Tây.
* Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có tạo đột phát trong việc phát triển nguồn nhân lực VHNT. Để thực hiện chiến lược này, nhà trường có kế hoạch gì, thưa ông?
– Bên cạnh nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, liên kết đào tạo về VHNT. Trong đó, đổi mới giáo trình, giáo án và phương pháp dạy và học; từng bước chuẩn hóa chương trình đào tạo, tích cực ứng dụng công nghệ vào dạy học. Đặc biệt, quan tâm tới các chuyên ngành âm nhạc truyền thống, có nhiều chính sách ưu đãi cho học sinh, nhất là con em vùng đồng bào dân tộc, thu hút người học đông hơn.
Học sinh Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn tại thiết chế văn hóa ở huyện Trảng Bom. |
* Nhà trường đã và đang làm gì để phát huy tài năng của học sinh đang theo học các chuyên ngành nghệ thuật?
– Thời gian qua, nhà trường thường xuyên tham gia các cuộc thi tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo VHNT trên toàn quốc. Nhiều em tham gia đã đoạt các huy chương vàng, huy chương bạc. Đây là những nhân tố quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển trong đào tạo nghệ thuật ở Đồng Nai. Qua cuộc thi toàn quốc, nhà trường đã đánh giá được chất lượng của hoạt động dạy và học, thực trạng lực lượng theo nghệ thuật, nhất là các bộ môn âm nhạc truyền thống, từ đó có giải pháp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trong thời gian tới.
* Thưa ông, cùng với đào tạo và tham gia các cuộc thi, những chương trình thực hành biểu diễn sẽ được nhà trường thực hiện như thế nào?
– Năm học 2024-2025, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch giao nhà trường tổ chức các buổi ngoại khóa tìm hiểu về các loại hình âm nhạc dân tộc như: đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu; dàn dựng chương trình biểu diễn âm nhạc bằng các loại hình âm nhạc truyền thống tại các trường tiểu học, trung học cơ sở.
Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương, trường học tổ chức nhiều Chương trình Âm nhạc và đời sống, tạo điều kiện cho học sinh của trường nâng cao kỹ năng thực hành, thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”; đồng thời, quảng bá âm nhạc và nghệ thuật Đồng Nai.
* Xin cảm ơn ông!
My Ny (thực hiện)
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202410/lan-toa-thuong-hieu-van-hoa-nghe-thuat-dong-nai-6940c24/