Có một người thơ vốn đã đi qua nhiều vùng đất, nếm trải qua những dòng sông để chắt lọc cho mình chất sống, chất thơ. Cái duyên của dòng sông Đồng Nai và hồn thơ Nguyễn Thành Tuấn đã giúp tạo nên nhiều thi phẩm mới.
Làng quê và những dặm đường
Nguyễn Thành Tuấn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, còn có bút danh Hiến Văn, sinh năm 1965. Ông nguyên là Tổng biên tập Tạp chí Phố Hiến, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hưng Yên. Năm 2016, ông làm một cuộc “hành phương Nam” và chọn Đồng Nai làm nơi dừng bước, một mình nghiền ngẫm thơ ca. Căn nhà nhỏ của ông bên cù lao vườn bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) lộng gió, chỉ có sách vở cùng với tư duy rộng mở của chủ nhân.
Làng quê là nơi in đậm dấu ấn trong thơ ông nhiều nhất. Khi viết về quê hương – Phố Hiến, Nguyễn Thành Tuấn nói nhiều về kỷ niệm, về cuộc đời của chính mình:
“bố dắt con ra cổng làng
tít xa kia là bến nước
năm nao bố mới hai mươi
trang nghiêm trong màu quân phục
trong bao gái làng đưa tiễn
có người độ tuổi trăng tròn
tan giặc bố về bến cũ
và người ấy hóa… mẹ con…”
(Đường làng)
Thơ Nguyễn Thành Tuấn đi từ sự chân thực đến những ám ảnh, khi ông kể về từng bước đi, từng thanh âm, màu sắc – thành những tập hợp lớn của cuộc đời dội lại trái tim ông, một cá thể cô đơn, nhạy cảm, với những rung động rất nhân văn:
“bạn cũ vẫn thương tôi nghèo túng
về làng Nôm như thể về nhà
tôi chỉ xin theo một bông hoa gạo đỏ
ngóng trông nhau cháy kiệt tháng ba”
(Làng Nôm)
Chính từ những gắn bó máu thịt ấy, mà Nguyễn Thành Tuấn mang theo quê hương, mang theo đời sống quê nhà ấy trên lưng, vời theo từng tín hiệu, từng tiếng nói, câu chào của người quê mình.
Nhưng theo bước chân nhà thơ, thơ của ông đã từng viết về nhiều vùng đất, chất chứa nhiều vốn sống, vốn văn hóa dày dặn: Cầu Hầu, Phóng túng sông Hồng, Lời ru Cao Bằng, Yên Bái, Trở lại Sà Phìn, Với mùa xuân Hà Giang, Mây Mẫu Sơn, Huế… Những vần thơ mang chất thiên di, lãng tử, và cũng mênh mang, xa ngái:
“…Chử Đồng Tử không cam chờ may rủi
lập những làng hoa trù phú Hưng Yên
cả anh nữa cũng đã quên cổ tích
nếu chẳng gặp cánh buồm em thả thuở sinh viên
thì ta cứ ghé vào bờ cát
kìa một vùng rau khúc xanh mơ
vị rau khúc nở xa xưa giáp hạt
lại nở bây giờ cho khúc hoang sơ…”
(Phóng túng sông Hồng)
Hay một sự trở về trong tâm tưởng và trong đơn độc, khiến bao người trở nên tỉnh thức:
“bạn bè anh ai chưa ngủ bên trang giấy
ai còn thức cùng cột mốc biên cương
không ai biết người lính chăn ngựa năm xưa trở lại
trừ một tiếng trở mình rất khẽ…
(Không ai biết anh lên Cao Bằng)
Bước chân thiên di ấy không quá mơ mộng, cũng không nhiều may rủi (Đinh Quang Tốn cho rằng thơ Nguyễn Thành Tuấn “bắt đầu từ cổng làng”); song Nguyễn Thành Tuấn đã lắng nghe tiếng nói của nội tâm, mà trước hết là sự thúc bách của tâm hồn mình: “tôi nói với CHỮ: – ta đã cạn kiệt. Tôi nói với THƠ: – nợ cũng đã xong. CHỮ nói với tôi: – ta vẫn dành người. THƠ nói với tôi: ta đè cổ ngươi suốt đời” (Đầu năm Quý Mão).
“Bén rễ xanh cây”
Nhà thơ Ngô Kim Đỉnh viết về sự dừng bước, tuy rất lặng lẽ, của Nguyễn Thành Tuấn bên dòng sông Đồng Nai là “chàng thư sinh bên sông đào Bắc Hưng Hải, đã thành người cất rượu xứ cù lao”: Trước “dắt con ra cổng làng”/Nay cổng làng mở mãi tận phương Nam/Bạn riêng khoảnh cù lao trù mật/Nước chảy quanh nhà, nước kể quanh năm…”.
Có thể nói, nhà thơ luôn mang trong mình tâm thế một tình yêu cuộc sống, tình yêu thơ ca đến kiệt cùng, nhưng để tìm và chạm đến đúng chỗ, phải là điều phù hợp với giá trị cuộc sống, cũng là phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ của nhà thơ. Trong bài thơ Hoa dại Tân Triều, nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn đã tự nói lên điều đó: …ta quỳ trước tím em/cứ tím thôi – tím vắt/cứ cạn kiệt – như khô nẻ đất/cứ tím như – từ chối ta sao?
Hay từ những lời nói về quả bưởi lão, nhà thơ mời bạn: – dân cù lao chỉ ăn bưởi lão?/ – bác dùng đi/ bưởi loại nào cũng giữ được nguyên hương/ – ừ, chỉ hoa trái mới chắt chiu được vậy!
Hương sắc, đời sống, tình cảm đất và người Đồng Nai bắt đầu đi vào thơ của Nguyễn Thành Tuấn một cách đơn sơ, mộc mạc như vậy. Song những triết thuyết cũng được mở ra từ những hình ảnh bình dị ấy, cho phép ông nghiền ngẫm sâu hơn những vấn đề triết học ông đã từng nghiên cứu trước đó (Nguyễn Thành Tuấn đã từng là nghiên cứu sinh triết học). Ông cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn sống ở Đồng Nai, ông đã hoàn thành 7 tập sách mới và những tập sách đã được bạn văn đón nhận, quan tâm bởi những triết luận về cuộc sống, về việc đọc và viết trên nền xã hội hiện đại.
Đơn cử, trong tập thơ Độc thoại, nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn chọn cách viết chỉ dành cho ngôn ngữ thoại và không có đối thoại, chỉ là những lời tự vấn, tự thoại với bản thân, với nội tâm của mình. Ông độc thoại rất nhiều, về bản thể, về vũ trụ, về sự tu tập của con người, về những chánh niệm, về những nhân vật – có thật và huyền thoại… Cái đích cuối cùng chính là nhà thơ nhận chân về bản thân, và về cuộc sống:
– đường đi tới đâu?
– không đích!
– vậy ta bay!
– không ra khỏi thiên hà!
– nhưng ta muốn đi xa
xa thật xa càng tốt
– như những vần thơ, nốt nhạc?
– nó nhanh hơn tứ mã sao?
– ngựa – nhạc – thơ sẽ gặp nhau tại đích!
– vậy độc hành ta sẽ mãi đứng im đây!
(Độc hành)
Những thể nghiệm mới
Quá một mùa xa là một tập tùy bút của Nguyễn Thành Tuấn, vừa mang màu sắc phê bình văn học, vừa là một thể nghiệm văn chương rất mới mẻ của ông. Lấy cảm hứng từ những tác phẩm của các bạn thơ (phần đầu viết về tập thơ Mùa xa của Trần Hùng và phần sau là tập thơ Quá một như không của Trần Hưng), ông đã mang đến nhiều điều thú vị cho người đọc từ những phát hiện và những diễn ngôn rất lạ. Nói về thơ Trần Hùng, ông mượn hình ảnh lửa quê:
“Lửa quê, những người nhà quê chúng ta có “vốn” như nhau. Chỉ là do cách tiếp nhận và lưu giữ.
Cho nên ta hãy thử “lạc về” miền lửa quê Trần Hùng, trước tiên với sắc vàng nhẹ nhàng: “Thôi nhé ta lạc về làm cánh bướm vườn xưa
Rồi bướm vàng từ hoa vàng lạc vào mê lộ”
Tác giả Mùa xa đang lạc vào mê lộ. Tôi thì không. Tôi đang bận “tính số” với các loại “lửa” của anh”
Ở tác phẩm của Trần Hưng, Nguyễn Thành Tuấn khai thác tính hậu hiện đại của những tác phẩm văn chương. Ông tự hỏi:“Vậy quyền lực của tôi – người tiếp nhận là toàn năng ư?”, song chính ông tự khẳng định người đọc nói chung, nhà phê bình nói riêng phải đứng trước một thế giới nghệ thuật khách quan (có lúc Nguyễn Thành Tuấn ví von gọi là “vật đối chiếu”). Vốn sống cộng với chất liệu của thơ ca, của triết học đã cho ông cái nhìn nhạy bén về phê bình văn học và ông đã làm công tác phê bình một cách nghiêm túc, cẩn thận. Đồng thời ông cũng rất quan tâm đến kỹ thuật viết, luôn tạo nên những con chữ “ý tại ngôn ngoại” trên những trang viết của mình. Nguyễn Thành Tuấn mang đến cho bạn đọc sự thú vị khi đọc những tác phẩm phê bình văn chương đầy chất thơ của ông. Mỗi chuyên luận đều ngắn gọn, nhưng sâu sắc, hấp dẫn, như thể loại “tiểu thuyết trong lòng bàn tay” của văn học Nhật Bản hiện đại.
Chậm rãi, thâm trầm, song rất đa dạng, tinh tế, Nguyễn Thành Tuấn đi vào địa hạt của phê bình văn học bằng một cách viết riêng, tung tẩy và sâu sắc. Những cuốn sách của ông không đồ sộ ở số trang, nhưng có độ nén và có sức hấp dẫn khiến người đọc thích thú khi thưởng thức những cảm nhận nghệ thuật của ông: Mượn từ mở kho Faceback, Thạc sỹ Fây bút Văn chương và cỏ dại (chuyên luận), Fây bút (tạp văn)…
Không chấp nhận theo lối mòn trong đời sống và văn chương, lặng lẽ đọc, lặng lẽ viết, Nguyễn Thành Tuấn đã chắt lọc cho mình những giá trị mới, từ việc tự làm mới mình và ngẫm ngợi thật sâu những điều cơ bản của cuộc sống. Ông thường chọn cho mình cái kết bình dị, không hoa mỹ, nhưng mang triết lý tình yêu và sức sống tiềm tàng mãnh liệt:
“cây đã vươn mơn mởn trời xuân
củi đã bổ tay đàn ông mùa hạ
đã phơi giữ tay đàn bà mùa thu…”
(Khói bếp nhà).
Mai Sơn
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202409/mot-nguoi-tho-ben-dong-song-dong-nai-f38042b/