Tăng trưởng theo chiều sâu, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân là những mục tiêu Đồng Nai hướng tới trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Công nhân Công ty TNHH Công nghệ năng lượng CSB Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) trên chuyền sản xuất. Ảnh:P. Tùng |
Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh cũng sẽ gắn liền với khai thác các động lực mới, tạo bước đột phá trong mô hình kinh tế.
Công nghiệp công nghệ cao chiếm chưa đầy 3% giá trị sản xuất công nghiệp
Theo Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đồng Nai đang nắm giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2023, GRDP của tỉnh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành của cả nước. Kinh tế Đồng Nai cũng đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng trong giai đoạn 2011-2023 với mức 7,06%/năm.
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã dần phục hồi và có bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm các địa phương cao nhất cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 của tỉnh ước đạt khoảng 140 triệu đồng, xếp thứ 7 cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng ở trong nhóm các địa phương tốp đầu cả nước, cao hơn nhiều so với trung bình của vùng và trung bình cả nước, giúp kinh tế Đồng Nai vươn lên vị trí thứ 3 của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong cùng giai đoạn. Tỉnh cũng tiếp tục giữ vị trí trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước.
Theo đánh giá của Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, năng lực khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những điểm hạn chế hiện nay của Đồng Nai.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập của người dân ngày càng cải thiện, mức sống dân cư ngày càng tăng. Năm 2023, Đồng Nai xếp thứ 3 cả nước về thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng, đạt mức 6,6 triệu đồng. Tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát thải ít carbon, ứng dụng các mô hình kinh tế mới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Tuy nhiên, theo đánh giá, mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm. Ngành công nghiệp vẫn thâm dụng lao động.
“Nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 2,7-2,9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, trong khi mục tiêu phấn đấu là đến năm 2025 đạt 8-10%” – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết.
Cùng với đó, các ngành dịch vụ có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Đóng góp của ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chưa có sự cải thiện, thậm chí giảm nhẹ từ 23,6% năm 2010 xuống 22,6% năm 2022. Ngành nông nghiệp của tỉnh có điểm sáng là dẫn đầu cả nước về phát triển chăn nuôi, nhưng còn nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường.
Phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột chính
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, các xu thế phát triển kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh ngày càng mạnh thì yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả đối với Đồng Nai lại càng trở nên bức thiết.
Công nhân Công ty TNHH Công nghệ năng lượng CSB Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) trên chuyền sản xuất. Ảnh:P.Tùng |
Với Đồng Nai, việc hoàn thành và đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành trong thời gian tới sẽ tạo cơ hội, điều kiện khai thác các động lực mới, bước đột phá trong mô hình kinh tế của tỉnh.
PGS-TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng 3 trụ cột chính để Đồng Nai phát triển bền vững gồm: bền vững về kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Về đổi mới mô hình kinh tế Đồng Nai phát triển bền vững, lấy công nghiệp là trọng tâm và trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp giá trị cao, công nghệ cao. Khu vực dịch vụ, lấy trọng tâm là sự phát triển của đô thị Sân bay Long Thành và các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Đoàn Thị Ngọc Vân cho rằng, Đồng Nai sẽ thay đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng chọn lọc các nhà đầu tư có công nghệ tốt hơn, không thâm dụng lao động, nâng cao chất lượng lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động… Gắn kết hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, môi trường, chăm lo phát triển toàn diện cho con người, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Theo Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có xác định 3 nhóm sản phẩm mũi nhọn của tỉnh gồm: công nghiệp hàng không; công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin.
Phạm Tùng
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202408/dong-nai-chuyen-doi-mo-hinh-tang-truong-3c859e9/