Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Nai vẫn còn diễn ra tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ).
Mô hình Câu lạc bộ Nam giới nói không với bạo lực gia đình đã và đang được duy trì, nhân rộng tại 11 huyện, thành phố. Ảnh: L.Na |
Trước thực trạng đó, các địa phương đã đồng loạt triển khai, duy trì và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ (CLB) gia đình, nhóm phòng, chống BLGĐ…, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của nhân dân.
“Phá vỡ” sự im lặng…
BLGĐ xảy ra ở tất cả các nhóm xã hội cơ bản, không phân biệt khu vực, văn hóa, thu nhập, mức sống, tuổi tác, địa vị, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Phần lớn nguyên nhân xảy ra BLGĐ đến từ rượu chè, cờ bạc, bất bình đẳng về giới, ngoại tình… Không ít trường hợp phụ nữ bị chồng bạo hành chọn cách im lặng, cam chịu khiến công tác phát hiện và hòa giải ở nhiều địa phương gặp khó khăn.
Hè 2024, Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa – điện ảnh Đồng Nai tích cực đưa các chương trình văn nghệ về cơ sở phục vụ.
Một trong số rất ít trường hợp bị BLGĐ trên địa bàn tỉnh lên tiếng, mới nhất là chị L.T.H. (ngụ khu phố 3A, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa). Ngày 13-6-2024, chị H. đã có đơn gửi đến Công an tỉnh, Công an thành phố Biên Hòa và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tố giác ông N.S.M. về hành vi BLGĐ, cưỡng đoạt tài sản và đe dọa giết người. Theo chị H., từ tháng 6-2022, chị quen biết ông M. và về sống chung nhưng không đăng ký kết hôn. Thời gian sống chung, ông M. thường xuyên uống rượu say, ghen tuông, bạo hành chị với những trận đòn roi…
Trong đơn tố giác, chị L.T.H. viết: “Mục đích sống chung với ông M. để hai bên nương tựa vào nhau nhưng trong thời gian chung sống, cuộc sống của tôi như địa ngục, thường xuyên bị bạo lực về thể xác lẫn tinh thần, tính mạng. Với niềm tin vào công lý, tôi mong cơ quan pháp luật nhanh chóng điều tra, xử lý ông M. về hành vi côn đồ, coi thường tính mạng, danh dự, sức khỏe, nhân phẩm của tôi”.
Việc “phá vỡ” sự im lặng trong phòng, chống BLGĐ được xem là điều cần thiết. Cũng vì vậy mà trong những thông điệp tuyên truyền phòng, chống bạo lực thời gian qua có nhiều thông điệp kêu gọi cộng đồng hãy hành động và lên tiếng.
Bên cạnh công tác tuyên truyền phòng, chống BLGĐ, Đồng Nai đang triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 11 huyện, thành phố.
Phó chủ tịch UBND phường Bửu Long (thành phố Biên Hòa) Lê Thị Thu Hiền cho biết, để đưa bộ tiêu chí đến với từng gia đình, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn bằng
pa-nô, băng-rôn, khẩu hiệu, các buổi sinh hoạt ở tổ, khu phố và hệ thống loa đài; đồng thời, phát các tờ rơi đến tận các gia đình. Nhờ vậy, các gia đình hưởng ứng tích cực, tình trạng bạo lực giảm đáng kể, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa được giữ vững.
Nhân rộng mô hình CLB
Với vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới, nhiều năm qua, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, các địa phương đã duy trì, nhân rộng nhiều mô hình Gia đình hạnh phúc, Gia đình “5 không 3 sạch”; CLB Phòng, chống BLGĐ; địa chỉ tin cậy cộng đồng.
Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa – điện ảnh Đồng Nai giao lưu với học sinh trên địa bàn tỉnh về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em hè 2024. Ảnh: TTVHĐA |
Định Quán là một trong những địa phương triển khai, nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình CLB Nam giới nói không với BLGĐ. Từ thành lập CLB tại xã Gia Canh vào năm 2015, đến nay toàn huyện có 13 CLB Nam giới nói không với BLGĐ; 96 CLB Gia đình nông dân hạnh phúc và phát triển bền vững… Các mô hình đã và đang tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân. Nhờ vậy, trên 85% gia đình ở địa phương được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống BLGĐ; 60% gia đình tham gia sinh hoạt trong các mô hình, CLB và được cung cấp các tài liệu phòng, chống bạo lực.
Tuy nhiên, theo Phòng Văn hóa và thông tin huyện Định Quán, hoạt động của các mô hình CLB hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, thành viên tham gia các CLB ở mọi lứa tuổi, ngành nghề khác nhau nên một số người sinh hoạt chưa thường xuyên, việc tổ chức sinh hoạt định kỳ đôi khi phải thực hiện vào buổi tối. Mặt khác, các CLB hoạt động trên tinh thần tự nguyện, mọi sinh hoạt, hội họp và tổ chức các hoạt động do các thành viên đóng góp nên một số thành viên chưa thật tâm huyết…
Tại huyện Cẩm Mỹ, công tác phòng, chống BLGĐ hàng năm được lồng ghép vào các hoạt động của Phong trào Xây dựng gia đình văn hóa và Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hiện địa phương duy trì hoạt động 74 CLB gia đình; 74 nhóm phòng, chống BLGĐ; 70 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 13 nhà tạm lánh tại trạm y tế các xã, thị trấn cho nạn nhân bị BLGĐ và một CLB Nam giới nói không với BLGĐ. Các mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống của mỗi gia đình, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, BLGĐ.
Đánh giá cao các mô hình phòng, chống BLGĐ, Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Thị Mộng Bình cho hay, mặc dù những con số thống kê mô hình CLB chưa phải là con số mong muốn tối đa song các mô hình đã và đang chung tay phòng, chống BLGD ở Đồng Nai. Để hoạt động của các mô hình đi vào thực chất, ngành văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp tài liệu, đầu sách cho các mô hình, nhân rộng và lan tỏa hơn nữa… hoạt động phòng, chống BLGĐ cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202407/nhan-rong-mo-hinh-cau-lac-bo-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-e646cf9/