Tại Đồng Nai, mực nước dưới đất một số nơi sụt giảm, số khác thì ô nhiễm kim loại và hữu cơ. Trong khi đó, nắng nóng vẫn kéo dài khiến người dân tiếp tục bơm nước giếng khoan để sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (bìa trái) đi kiểm tra giếng khoan khai thác nước phục vụ sản xuất công nghiệp tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc |
Thực tế này đặt ra bài toán cần hạn chế khai thác nước dưới đất để giảm các nguy cơ: sụt lún, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước.
Suy giảm trữ lượng và chất lượng
Trữ lượng và chất lượng nước dưới đất trên địa bàn Đồng Nai năm 2023 suy giảm so với các năm trước đó. Đây là thông tin được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên chỉ ra trong báo cáo công khai kết quả quan trắc mực nước và chất lượng nước dưới đất năm 2023 ban hành cuối năm qua.
Về trữ lượng, báo cáo chỉ ra, mùa khô năm 2023 (tháng 4 và 5) khu vực các huyện: Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán… có mực nước dưới đất thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Từ tháng 7 trở đi, mưa lớn trên diện rộng, nguồn nước dưới đất dần phục hồi, đảm bảo cho khai thác nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Quan trắc cho thấy chất lượng nước giảm nhẹ so với các năm trước và giảm so với Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất do Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành năm 2023 (QCVN 09:2023/BTNMT). Một số khu vực quan trắc phát hiện có thông số dinh dưỡng và kim loại vượt quy chuẩn như thành phố Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Định Quán, Xuân Lộc.
“So với QCVN 01-1:2018/BYT do Bộ Y tế ban hành năm 2018 (Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt) thì chất lượng nước dưới đất tại đa số khu vực phát hiện có những thông số không đạt. Do đó, Sở Tài nguyên và môi trường khuyến cáo người dân hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất để sinh hoạt; không khai thác, sử dụng nước dưới đất tại những khu vực đã có nguồn nước máy để đảm bảo sức khỏe của người dân. Đối với khu vực chưa có nước máy, trước khi sử dụng phải có biện pháp xử lý phù hợp” – báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường thể hiện.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 83,7% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Trong đó, tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch nông thôn 12,4%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước máy 23,8%; còn lại là dùng giếng khoan kết hợp thiết bị lọc nước nhỏ lẻ hộ gia đình.
|
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Hưng thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có 832 giấy phép giếng khoan còn hiệu lực, chưa kể giếng khoan hộ gia đình không đăng ký. Trong số này có cả giếng khoan khai thác nước lưu lượng lớn cấp cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp.
“Kết quả quan trắc năm 2023 có một số giếng khoan “báo động” về chất lượng và mực nước” – ông Hưng cho hay.
Từ những năm 2000, tỉnh đã có chủ trương chỉ cấp phép khai thác nước dưới đất tại các khu vực chưa có nước máy tập trung. Đến năm 2018, tỉnh thực hiện không xem xét, cấp phép khai thác nước dưới đất đối với các trường hợp nằm trong khu vực đã có nước máy; không gia hạn giấy phép khai thác nước dưới đất. Chủ trương này tiếp tục được áp dụng trong Đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 do UBND ban hành. Cụ thể, trong đề án này, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 không khai thác nước dưới đất cấp cho sinh hoạt tại tất cả các đô thị nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất, bảo vệ sức khỏe người dân.
* Cần “siết” khai thác nước dưới đất
Đồng Nai có nguồn nước mặt dồi dào chưa khai thác hết công suất. Trong khi đó, nước dưới đất có chiều hướng suy giảm cả về trữ lượng lẫn chất lượng. Nếu cứ tiếp tục khai thác nước dưới đất, không những sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng, mà còn gia tăng các hệ lụy sụt lún, ô nhiễm, thiếu nước sản xuất nông nghiệp.
Thực tế đợt nắng nóng đang diễn ra này, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp lớn như: Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán đã xuất hiện tình trạng cạn nước giếng khoan. Bên cạnh đó, một số trạm cấp nước sạch nông thôn cũng bị khan hiếm nước, phải luân phiên thời gian bơm nước cấp cho người dân.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, cần phải hạn chế khai thác nước dưới đất, đặc biệt là nước cấp sinh hoạt, để dành nguồn này cho sản xuất nông nghiệp.
“Tôi cho rằng, hạn chế khai thác nước dưới đất không khó, bài toán đặt ra là phải có nguồn nước cấp bù lại. Cần phát triển hạ tầng nước máy cho người dân, hệ thống thủy lợi cấp nước sản xuất nông nghiệp” – ông Hưng cho hay.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, hiện một số vùng nước dưới đất không còn đáp ứng cho sinh hoạt của người dân. Đây là hệ quả của việc khai thác nước ngầm không kiểm soát trước đây. Cần “siết” hoạt động khai thác nước dưới đất để bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ nguồn nước và duy trì sản xuất nông nghiệp.
Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường xem xét các quy định hiện hành, đề xuất tăng phí cấp quyền khai thác nước dưới đất; công khai kết quả quan trắc chất lượng nước, đặc biệt là các khu vực có thông số vượt quy chuẩn để người dân biết, hạn chế khai thác nước sử dụng.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát lại 74 giếng khoan đang khai thác nước dưới đất và có giải pháp đẩy nhanh việc đấu nối nước máy vào hệ thống này. Tính toán đầu tư hệ thống thủy lợi đảm bảo cấp nước cho các khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm, kết hợp tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Khai thác hiệu quả công suất nguồn nước mặt tại các hồ chứa.
Về lâu dài, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát vùng “lõm” nước sạch để kêu gọi nhà đầu tư. Nghiên cứu đề xuất cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nước máy. Cùng với đó, hướng dẫn, hỗ trợ các công ty cấp nước giải quyết bất cập về thủ tục đất đai, tăng công suất, giá bán nhằm tạo điều kiện tái đầu tư hạ tầng.
Có thể thấy, biến đổi khí hậu và sử dụng chưa hợp lý đang làm nguồn tài nguyên nước ngày một suy kiệt và ô nhiễm. Cần có giải pháp đồng bộ và hiệu quả để bảo vệ nguồn nước. Trong đó có phát triển hạ tầng cung ứng nước máy, hạn chế khai thác nước dưới đất, bảo vệ và sử dụng nước tiết kiệm.
Hoàng Lộc