Từ đầu năm (đặc biệt là cuối tháng 3-2024) tới nay, USD liên tục tăng giá so với nhiều đồng tiền trên thế giới. Điều này đã gây áp lực lên chính sách điều hành của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, tỷ giá USD tăng sẽ phải chi nhiều hơn để nhập khẩu. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí, chế tạo ở Biên Hòa. Ảnh: V.Gia |
Áp lực tỷ giá USD không chỉ tác động vĩ mô, mà còn tác động đối với từng doanh nghiệp (DN) với những ảnh hưởng khác nhau. Nhiều DN phải nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu cho hay, nếu không có giải pháp để hạ nhiệt tỷ giá USD thì việc duy trì hoạt động sẽ thêm phần khó khăn.
* DN sốt ruột
Nếu tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD liên tục biến động, trong đó chủ đạo là tăng giá USD so với đồng Việt Nam. Ngày 1-1, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 23.866 đồng/USD; đến ngày 3-5, con số đó là 24.242 đồng. Giao dịch tại các ngân hàng đều trên mức 25 ngàn đồng/USD. Cụ thể, Vietcombank mua vào 25.114 đồng và bán ra 25.454 đồng; BIDV mua vào 25.154 đồng và bán ra 25.454 đồng.
Tỷ giá USD tăng khiến cho nhiều DN có hoạt động nhập khẩu đứng ngồi không yên. Bình thường, tỷ giá USD tăng sẽ làm tăng giá trị hàng xuất khẩu nhưng ngược lại cũng tăng chi phí vốn để nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, cũng như lãi – lỗ từ chênh lệch tỷ giá.
Công ty CP Chien You Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) là nhà sản xuất các loại sơmi rơ-mooc phục vụ cho thị trường vận tải; các loại bồn chứa có áp lực cao, bồn chứa hóa chất. Công ty đang phát triển thêm sản phẩm mạ kẽm nhúng nóng và tráng phủ kim loại cho ngành cơ khí, xây dựng… Với đặc thù DN chuyên sản xuất cơ khí, chế tạo nên các loại sắt, thép đặc chủng DN này đều phải nhập khẩu. Tuy nhiên, với tình hình giá cả tăng vọt do ảnh hưởng bởi tỷ giá ngân hàng cũng như khó khăn kinh tế khiến Chien You Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo DN nên tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm đối tác thay thế trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Việc chủ động được các yếu tố này sẽ giúp giảm bớt chi phí, hạn chế rủi ro khi thị trường thế giới biến động. |
Theo Phó tổng giám đốc Công ty CP Chien You Việt Nam Hà Ngọc Dũng, mặc dù chi phí tăng nhưng giá bán vẫn phải giữ do đã ký hợp đồng với khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc DN phải giảm lợi nhuận, thậm chí có mặt hàng chịu lỗ, về lâu dài rất khó gồng gánh.
Không chỉ trong khu vực sản xuất, chủ một chuỗi nhà hàng ở thành phố Biên Hòa còn chia sẻ, phải nhập thịt bò ngoại về để chế biến, phục vụ thực khách. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá thịt bò nhập liên tục tăng cao và lại khan hiếm, một phần nguyên nhân cũng do biến động tỷ giá USD. Trong khi đó, nhà hàng không thể đứt nguyên liệu vì đây là một trong những thành phần chính chế biến món ăn cho khách.
“Xung đột vũ trang ở một số nơi trên thế giới cũng khiến cho tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước bị ảnh hưởng, sức mua thị trường suy giảm, giá nhiều mặt hàng tăng, DN kinh doanh lại càng khó khăn” – chủ hệ thống này than thở.
* Tìm cách ứng phó biến động tỷ giá USD
Cùng với nguyên vật liệu, tỷ giá USD tăng còn thêm khó khăn với DN xuất – nhập khẩu (XNK) có hợp đồng vận chuyển ký bằng USD.
Theo Phó chủ tịch Hội XNK Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng, chi phí vận chuyển của các DN XNK đang đắt đỏ hơn do tỷ giá USD biến động tăng liên tục. Cùng với áp lực từ tỷ giá USD thì xung đột vũ trang tại nhiều điểm nóng trên thế giới chưa hạ nhiệt, thậm chí leo thang. Điều này khiến cho cước vận tải biển từ Việt Nam sang châu Âu và bờ Đông nước Mỹ tăng gấp 2-3 lần so với trước.
Theo ông Hưng, tỷ giá tăng là điều mà các DN không thể can thiệp được, bởi tác động chung từ thế giới, nhưng DN cần tỉnh táo hơn để hạn chế những tiêu cực gặp phải. Theo đó, cần chú ý bám sát diễn biến tỷ giá để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, lựa chọn thị trường XNK, đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần phụ thuộc vào đồng USD.
Tuy nhiên, các DN không thể tác động lên tỷ giá mà điều này đòi hỏi sự điều hành linh hoạt từ phía Nhà nước. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã theo sát diễn biến tỷ giá của đồng Việt Nam và các đồng tiền trên thế giới để có những biện pháp giải tỏa áp lực trên thị trường ngoại tệ. Theo đó, đã phát hành tín phiếu hút bớt lượng tiền dư thừa, từ đó giảm bớt áp lực tỷ giá, để biến động trong ngưỡng cho phép.
Mới đây, từ ngày 19-4, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức bán ngoại tệ cho các ngân hàng và ra thị trường. Nguồn cung USD từ Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ là yếu tố giúp giữ ổn định tỷ giá khi nhu cầu từ thị trường vẫn còn lớn.
Văn Gia