Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hội chẩn về các ca ngộ độc nặng. Ảnh: Bích Nhàn |
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, hiện bệnh viện đang điều trị 6 bệnh nhi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng (thành phố Long Khánh). Trong đó, có 2 ca nặng đang thở máy, lọc máu chu kỳ thứ 2.
“Dù có cải thiện so với lúc đầu nhập viện (1 ca ngưng tim, ngưng thở) nhưng cả 2 bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nặng và phải lọc máu nhiều chu kỳ để lọc độc chất. Do đó, các bác sĩ sẽ hội chẩn để tìm ra phương án chữa trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhi” – bác sĩ Nghĩa cho hay.
Từ khi bệnh viện tiếp nhận các ca bệnh nặng, các bác sĩ của 2 bệnh viện thường xuyên hội chẩn trực tuyến.
Cũng theo bác sĩ Nghĩa, trong 2 ca đang lọc máu có 1 ca không có bảo hiểm y tế. Trong khi đó, chi phí chữa trị rất cao do bệnh nhi phải lọc máu. Dù vậy, trước mắt bệnh viện vẫn đặt việc cứu chữa cho bệnh nhi lên hàng đầu.
“Điều quan trọng nhất là cứu sống bệnh nhi, còn chi phí chữa trị, chúng tôi sẽ tìm cách sau” – bác sĩ Nghĩa chia sẻ.
PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, 2 trường hợp này rất nặng. Một cháu 6 tuổi nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, sốc nhiễm trùng nặng. Một cháu bị sốc nặng.
2 bệnh viện đã hội chẩn, tiến hành lọc máu, xác định tình trạng nhiễm trùng. Hiện tại, huyết động học của 2 cháu tạm ổn định nhưng 1 cháu 6 tuổi vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Các bác sĩ tiến hành chẩn đoán các bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng do nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm. Tác nhân gây ngộ độc chính xác phải đợi kết quả phân lập vi sinh của cơ quan an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, những trường hợp nặng như vậy thường do 2 tác nhân chính, một là do tụ cầu, hai là do Salmonella.
PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh (trái) trao đổi với bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong việc điều trị cho các bệnh nhi. Ảnh: H.Dung |
Ngoài điều trị chống sốc, truyền dịch, vận mạch, lọc máu để loại bỏ các độc tố, trưa nay 2 bệnh nhi được lọc máu hấp phụ bằng quả lọc đặc biệt để loại bỏ độc tố và các chất không tốt cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Phạm Văn Quan, 1 bệnh nhi bị nặng cũng đang được điều trị tại bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đêm 1-5, bé sốt nhiều, mệt lả, tiêu chảy ồ ạt nên gia đình đưa đã chuyển bé đến Bệnh viện đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh để cấp cứu ngay trong đêm. Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng rất nặng.
Đến 4 giờ ngày 2-5 thì bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh trong tình trạng sốt cao, mạch rất nhanh, mệt lả. Bệnh nhi nhanh chóng được chẩn đoán nhiễm trùng huyết đường tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Các bác sĩ nhanh chóng truyền kháng sinh mạnh để khống chế các tác nhân độc hại, hạ sốt cho bệnh nhi.
Sau 12 tiếng được điều trị tích cực, bệnh nhi đã bớt sốt, tốc độ đi cầu giảm, tươi tỉnh và đã có cảm giác thèm ăn. Hy vọng cháu sẽ sớm hồi phục.
Bích Nhàn – Hạnh Dung