Hiện nay, Đồng Nai là tỉnh có diện tích đất rừng lớn nhất Đông Nam Bộ, với hơn 181,6 ngàn hécta. Nhiều năm qua, Đồng Nai là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế rừng của tỉnh chưa được như kỳ vọng.
Rừng ngập mặn Long Thành – Nhơn Trạch có thể khai thác du lịch, bán tín chỉ carbon và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng. Ảnh: K.Minh |
Theo UBND tỉnh, rừng của Đồng Nai tập trung ở 5 huyện gồm: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Nhơn Trạch. Trong đó, có gần 100 ngàn hécta rừng đặc dụng, hơn 34,9 ngàn hécta rừng phòng hộ và diện tích còn lại là rừng trồng.
Nguồn thu từ rừng thấp
Từ năm 1997, Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 631/QĐ-UBT về đóng cửa tất cả các loại rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Đồng Nai là địa phương ban hành quyết định đóng cửa rừng tự nhiên sớm nhất trên cả nước, nhằm phục hồi, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên và giữ đa dạng sinh học. Theo đó, trong gần 30 năm qua, hơn 124,3 ngàn hécta rừng tự nhiên của tỉnh luôn được bảo vệ khá tốt, không để xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng với diện tích lớn.
Thời gian qua, tỉnh quy hoạch, mời gọi đầu tư, phát triển kinh tế rừng thông qua việc cho thuê môi trường rừng để phát triển các dự án du lịch sinh thái rừng. Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành thu phí của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất thủy điện, cung ứng nước sạch, doanh nghiệp gây phát thải khi nhà kinh lớn… theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Thế nhưng, khoản thu trên không lớn, nhiều đối tượng còn chưa thực hiện đầy đủ việc trả phí môi trường rừng.
Mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất lâm nghiệp sẽ tăng từ 7,92 – 9%/năm. Năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh đạt 2 tỷ USD; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 215 tỷ đồng; diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững hơn 10 ngàn hécta. |
Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đồng Nai, năm 2023, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng của tỉnh được hơn 49 tỷ đồng. Số tiền trên được chi trả cho các đối tượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ trồng cây phân tán theo đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Hiện diện tích rừng đủ điều kiện được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại Đồng Nai là gần 149,6 ngàn hécta. Trong đó gồm có rừng do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý. Như vậy, bình quân mỗi hécta rừng ở Đồng Nai được chi trả số tiền dịch vụ môi trường rừng gần 300 ngàn đồng.
Ngoài ra, trong những năm qua, Đồng Nai có nhiều giải pháp phát triển kinh tế rừng, tăng thêm nguồn thu cho các chủ rừng để đầu tư bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn. Trong đó, có mô hình trồng cây công nghiệp, cây dược liệu dưới tán rừng, khai thác du lịch sinh thái rừng… Tuy nhiên, các mô hình trên chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao vì còn vướng về cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến quy hoạch, đất đai, xây dựng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, nhiều năm qua, Đồng Nai bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên rất tốt. Điều này mang đến giá trị rất lớn cho môi trường, cuộc sống hiện tại và tương lai. Rừng của Đồng Nai được xem là lá phổi xanh cho vùng Đông Nam Bộ. Thế nhưng, khai thác giá trị kinh tế từ rừng, nhất là rừng sản xuất của tỉnh chưa cao, chỉ vài chục triệu đồng/hécta/năm. Vì thế, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tìm cách vừa bảo vệ, phát triển rừng, vừa khai thác được giá trị kinh tế của rừng.
Giữ rừng và tăng thu từ rừng
Vào giữa tháng 6-2023, khi làm việc với Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị nhận xét, Đồng Nai là địa phương có diện tích rừng và tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất khu vực Đông Nam Bộ. Đây là thế mạnh của tỉnh nên cần tiếp tục gìn giữ, vì góp phần cho phát triển kinh tế bền vững. Trong tương lai, Đồng Nai có thể khai thác bán tín chỉ carbon rừng để thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Theo UBND tỉnh, từ nay đến năm 2025, Đồng Nai sẽ xây dựng, triển khai Đề án phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở Núi Chứa Chan, Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành. |
Trong mục tiêu phát triển kinh tế của Đồng Nai từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo thì môi trường vẫn được đặt lên hàng đầu. Vì thế, rừng tự nhiên của tỉnh tiếp tục được bảo vệ nghiêm ngặt để góp phần tăng độ che phủ, đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, tỉnh cũng mời gọi các doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch sinh thái rừng. Hiện nhiều dự án du lịch sinh thái rừng đã được quy hoạch và mời gọi đầu tư nhằm khai thác các tiềm năng lợi thế từ rừng. Các dự án trên sẽ đảm bảo hai yếu tố là góp phần bảo tồn, phát triển rừng tự nhiên và khai thác được các giá trị kinh tế của rừng.
Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết, đơn vị đang quản lý hơn 10 ngàn hécta rừng. Việc khai thác các tiềm năng kinh tế từ rừng chưa thực hiện được nhiều, chủ yếu mới triển khai được một số mô hình trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng. Việc cho thuê môi trường rừng để triển khai các dự án du lịch sinh thái hoặc bán tín chỉ carbon chưa triển khai được. Ban Quản lý rất mong sớm có cơ sở pháp lý rõ ràng để cho các doanh nghiệp thuê môi trường rừng, thực hiện các dự án du lịch hoặc bán tín chỉ carbon rừng, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và có thêm kinh phí cho công tác bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng.
Lối vào rừng tự nhiên tại huyện Vĩnh Cửu. |
Trong chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh thì Đồng Nai sẽ xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế, kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu quả và cạnh tranh cao. Đồng thời, tỉnh sẽ liên kết tạo thành chuỗi từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến lâm sản và tiêu thụ. Tỉnh sẽ huy động các thành phần kinh tế đầu tư vào lâm nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào công tác bảo vệ, phát triển rừng. Góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Khánh Minh