Ông Urs Kloeti. |
Năm 2023, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Nestlé Việt Nam) dẫn đầu trong Top 100 doanh nghiệp (DN) bền vững trong lĩnh vực sản xuất và nằm trong Top 5 DN tiên phong thực hiện kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải carbon tại Việt Nam.
Giám đốc Nhà máy Nestlé Đồng Nai Urs Kloeti cho biết, Nestlé đầu tư vào Việt Nam 4 nhà máy, trong đó có 3 nhà máy ở Đồng Nai. Gần 30 năm qua, Đồng Nai luôn là địa phương quan trọng và chủ lực cho mục tiêu phát triển lâu dài của Nestlé. Trong quá trình hoạt động, Nestlé luôn ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) tại các nhà máy. Đồng thời, Nestlé gắn liền hoạt động kinh doanh với xã hội, đồng hành cùng cộng đồng trong hành trình phát triển bền vững và lâu dài.
Đi đầu trong CĐS
Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm về CĐS tại các nhà máy của Nestlé Việt Nam?
– Các nhà máy của Nestlé tại Việt Nam luôn được tập đoàn quan tâm, đầu tư và thúc đẩy CĐS. Nestlé Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đầu tư vào CĐS trên toàn bộ chuỗi giá trị của mình. Cách tiếp cận của chúng tôi tập trung theo định hướng từ dưới lên (bottom-up), trong đó chúng tôi sẽ xác định nhu cầu nội bộ về các giải pháp CĐS, sau đó mới tìm thêm các công nghệ bên ngoài. Điều này sẽ giúp đảm bảo các khoản đầu tư của chúng tôi phù hợp với nhu cầu cụ thể của nhân viên và người tiêu dùng.
Ở phạm vi sản xuất và chuỗi cung ứng, CĐS đã hỗ trợ cho Nestlé trong việc đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả giữa việc sản xuất các sản phẩm chất lượng cao và giao hàng đúng thời hạn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, chúng tôi đang tận dụng công nghệ kỹ thuật số trong các lĩnh vực như marketing và bán hàng để hiểu rõ, tùy chỉnh sản phẩm linh hoạt hơn, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, Nestlé là một trong 10 nhà đầu tư nước ngoài có tổng vốn lớn nhất ở Đồng Nai. Nestlé có 3 nhà máy sản xuất tại Đồng Nai gồm: Nhà máy Nestlé Đồng Nai ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Nhà máy Nestlé Trị An và Nhà máy Nestlé Bình An đặt tại Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa).
Trong quá trình CĐS, ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành sản xuất, Nestlé có gặp khó khăn, thuận lợi gì? Đồng Nai có những chính sách hỗ trợ gì cho việc chuyển đổi?
– CĐS giúp Nestlé mang lại nhiều lợi ích cho nhân viên và người tiêu dùng. Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành một “DN toàn cầu am hiểu địa phương” và dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo về CĐS. Nestlé đang chủ động thực hiện các bước để giải quyết vấn đề nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. Chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc đầu tư vào con người, bồi đắp năng lực của nhân viên để thích ứng với quá trình CĐS của công ty. Tại Nestlé, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tự động hóa sẽ giúp chúng tôi đạt được các mục tiêu về an toàn, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Do đó, việc ưu tiên đầu tư vào chuyển đổi số là rất quan trọng, đảm bảo thành công cho các chiến lược phát triển toàn diện của công ty.
Trong quá trình thực hiện CĐS, Nestlé Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng của tỉnh. Điều đó giúp các nhà máy của Nestlé hoàn thành được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của quá trình CĐS.
Tạo niềm tin từ môi trường đầu tư
Theo ông, môi trường đầu tư của Đồng Nai có những thuận lợi, khó khăn gì cần khắc phục?
– Nestlé Việt Nam tin rằng, một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy thành công của công ty nằm ở sự hỗ trợ và hợp tác của Chính phủ và chính quyền địa phương trong việc khuyến khích và tạo điều kiện cho sự phát triển của DN. Với vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào cùng nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia đang được triển khai, Đồng Nai giữ vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Nestlé Đồng Nai. Ảnh: Nestlé |
Bên cạnh đó, những cam kết của Chính phủ, Đồng Nai trong việc cải thiện môi trường đầu tư, sẽ tạo niềm tin và khuyến khích các DN mở rộng quy mô, đầu tư vào thiết bị, máy móc hiện đại để CĐS, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.
Trong tương lai, Nestlé sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước và của tỉnh. Nestlé mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh thông qua các cơ chế, chính sách thuận lợi, cải cách hành chính nhanh chóng, đặc biệt là trong các lĩnh vực: cấp giấy phép xây dựng, giấy phép phòng cháy, chữa cháy…
Theo ông, trong quá trình CĐS, các DN cần chú trọng đến những điều gì?
– CĐS là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế và là con đường tất yếu cho các DN thuộc mọi quy mô. CĐS mở ra cơ hội cho các DN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của DN.
Để thực hiện CĐS thành công, DN cần có chiến lược hoạch định rõ ràng, đầu tư phù hợp và ưu tiên áp dụng các công nghệ mới để phục vụ hiệu quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, DN chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm chủ công nghệ. Tại Nestlé, chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng đó và liên tục có những có chính sách đầu tư cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Tôi nghĩ, CĐS là một hành trình đòi hỏi phải lựa chọn kỹ lưỡng các công nghệ dựa trên quy mô, nhu cầu và định hướng phát triển của DN. Do đó, DN cần thường xuyên đánh giá và điều chỉnh lộ trình CĐS để đảm bảo những kế hoạch diễn ra phù hợp với mục tiêu kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Liên (thực hiện)