Khu bến cảng Long Bình Tân, Cảng Đồng Nai sau năm 2030 được đề xuất tái thiết để trở thành không gian công cộng, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và du lịch.
Cảng Đồng Nai được đề xuất ý tưởng chuyển đổi công năng sau năm 2030 để tái thiết thành không gian công cộng, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và du lịch. Ảnh: P.Tùng |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng và các chuyên gia, không gian công cộng sau khi tái thiết Cảng Đồng Nai không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân thành phố Biên Hòa, mà sẽ là khu chức năng quan trọng của vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
* Có thể chuyển đổi công năng sau năm 2030
Cùng với việc thực hiện chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, đề xuất ý tưởng chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 2, trong dự thảo Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, Khu bến cảng Long Bình Tân, Cảng Đồng Nai cũng đã được đề xuất ý tưởng chuyển đổi công năng bằng việc tái thiết lại không gian khu vực này.
Hiện nay, Cảng Đồng Nai có quy mô hơn 5,4 hécta. Đây là khu cảng tổng hợp, sản lượng hơn 600 ngàn tấn hàng hóa mỗi năm.
Trong quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn từ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng Đồng Nai là cảng biển loại 1 (nhóm cảng biển số 4) với chức năng là khu bến vệ tinh, đầu mối gom hàng cho các cảng biển khu vực, gắn liền chức năng cảng cạn. Cảng Đồng Nai có bến container, tổng hợp, đáp ứng cỡ tàu đến 5 ngàn tấn.
Theo đơn vị tư vấn lập Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, Cảng Đồng Nai hiện là hạ tầng logistics quan trọng của khu vực. Do đó, trong giai đoạn đến năm 2030 vẫn duy trì hoạt động của Cảng Đồng Nai. Tuy nhiên, xu hướng phát triển logistics hàng hải hiện nay và trong tương lai sẽ chuyển đổi theo hướng sử dụng tàu container lớn, tự động hóa để tăng hiệu quả, giảm chi phí. Với xu hướng này, vị thế của Cảng Đồng Nai cũng sẽ giảm dần.
Mặt khác, cũng theo đơn vị tư vấn, sau năm 2030, các cảng biển lớn trong vùng dự kiến sẽ hoàn thành, lúc đó vai trò của Cảng Đồng Nai nếu không còn quan trọng nữa có thể phát triển cảng thành không gian công cộng, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch.
Năm 1991, Cảng Long Bình Tân với cầu cảng 20.000DWT được xây dựng. Năm 2010, Cảng container Long Bình Tân được khánh thành và ngay sau đó khai thông luồng đường vào cảng năm 2011. |
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho hay, Sở Xây dựng ủng hộ rất cao ý tưởng chuyển đổi công năng của Cảng Đồng Nai. Ông Hà cho biết thêm, mới đây, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát lại quy hoạch đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh và Cảng Phước An. Khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, cụ thể là đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng hoàn thiện và Cảng Phước An đi vào hoạt động, năng lực vận chuyển cảng biển có thể chuyển đổi dần từ Cảng Đồng Nai về Cảng Phước An.
“Cảng Phước An ở huyện Nhơn Trạch gần với Cảng biển Cái Mép – Thị Vải nên về lâu dài sẽ phát triển tốt hơn Cảng Đồng Nai” – ông Hồ Văn Hà nói.
* Tái thiết Cảng Đồng Nai thành không gian công cộng, thương mại dịch vụ
Trên cơ sở đề xuất xem xét chuyển đổi công năng Cảng Đồng Nai sau năm 2030, đơn vị tư vấn lập Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045 cũng đề xuất ý tưởng tái thiết lại không gian khu vực này.
Từ kinh nghiệm quốc tế là mô hình Tái thiết Cảng Kobe (Nhật Bản), đơn vị đã đề xuất phương án tái thiết Cảng Đồng Nai trở thành không gian công cộng, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và du lịch.
Theo đơn vị tư vấn, trong giai đoạn đầu, Cảng Kobe của thành phố Kobe đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do xu hướng dịch chuyển của ngành logistics hàng hải thế giới chuyển sang sử dụng tàu lớn, cảng nước sâu, khu vực cảng cũ nằm gần trung tâm đô thị được chuyển đổi công năng trở thành trung tâm công cộng, thương mại dịch vụ. Sau tái thiết, khu vực này hiện là điểm du lịch nổi tiếng của vùng Kansai.
Ông Hồ Văn Hà cho rằng, việc định hướng chuyển đổi công năng, tái thiết Cảng Đồng Nai theo mô hình Cảng Kobe là phù hợp. Trên thực tế, không chỉ ở nước ngoài, tại Việt Nam, Cảng Ba Son, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chuyển đổi công năng sau khi “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”.
Trong định hướng phát triển đô thị Biên Hòa đến năm 2045, mục tiêu cơ bản là sẽ chuyển dịch dần cấu trúc đô thị từ đô thị công nghiệp sang đô thị dịch vụ và công nghiệp. Chính vì vậy, việc chuyển đổi công năng Cảng Đồng Nai được đánh giá phù hợp với mục tiêu quy hoạch. Mặt khác, việc chuyển đổi công năng Cảng Đồng Nai nằm trong khu vực nội đô thành phố Biên Hòa cũng sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống hạ tầng giao thông vốn đã quá tải của đô thị Biên Hòa.
Phạm Tùng