Cây ca cao là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao của Đồng Nai. Tại huyện Xuân Lộc, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ca cao. Nhờ sự ổn định về giá cả và năng suất cao nên người nông dân thu được kết quả tốt.
Không chỉ thu lợi từ việc chế biến ca cao, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát còn là nơi cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái, tìm hiểu thiên nhiên cho các cơ quan, đơn vị, trường học. Ảnh: V.Gia |
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát là mô hình tiêu biểu của Xuân Lộc trong việc liên kết người nông dân trồng, khai thác các lợi ích kinh tế từ cây ca cao. Đây là một trong 2 đơn vị của Đồng Nai vinh dự được nhận giải thưởng Ngôi sao HTX năm 2024 của Liên minh HTX Việt Nam.
Liên kết để thu lợi ích từ cây ca cao
HTX Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát được thành lập vào tháng 7-2020. Tiền thân của HTX này là những người trồng, chăm sóc cây ca cao tại xã Suối Cát, trong đó tiêu biểu là ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc hiện tại của HTX.
Trước đây, do thiếu vốn, thiếu kiến thức nên vườn ca cao của gia đình ông Mỹ thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất thấp, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất nhà mình, ông Mỹ đã cất công tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật và tự nghiên cứu thêm qua các tài liệu sách báo, trang mạng để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Học tập được cái gì hay là ông về áp dụng ngay cho vườn ca cao nhà mình. Nhờ chăm bón đúng kỹ thuật nên năng suất vườn ca cao gia đình không ngừng tăng lên, từ 20-30 tấn/năm trước đây lên đến hơn 100 tấn/năm.
Từ kinh nghiệm của gia đình, ông Mỹ đã đứng ra vận động các nông dân trồng ca cao xây dựng HTX. Đồng thời ký kết cung ứng cho nhiều công ty thu mua ca cao trên địa bàn trong và ngoài tỉnh hàng trăm tấn mỗi năm. Đặc biệt, Công ty TNHH Marou Chocolate, một trong những công ty sản xuất chocolate có thương hiệu lớn trên thế giới đã đến HTX này tìm hiểu và tạo cơ hội hợp tác.
Hiện tại, HTX Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát đã hình thành được vùng nguyên liệu với tổng diện tích trên 70 hécta và 30 thành viên. Ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc HTX, chia sẻ sau 3 năm thực hiện dự án liên kết, diện tích ca cao tăng rõ rệt. Hiện nay trái ca cao tươi được HTX mua với giá 7 ngàn đồng/kg, cao hơn giá ký hợp đồng, người dân rất phấn khởi.
Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho các thành viên, HTX đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng một số hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ cho khách du lịch, hay các đoàn học tập, trải nghiệm.
Ngôi sao tiêu biểu trong phát triển HTX
Dù HTX rất non trẻ nhưng từ sự nỗ lực học hỏi trong trồng, chăm sóc cây ca cao của các thành viên, ban lãnh đạo, HTX Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát đang từng bước gây dựng thương hiệu của mình. Mới đây, Dự án Cải thiện đời sống nông dân trồng ca cao tại các tỉnh phía Nam Việt Nam đã về khảo sát tại HTX. Theo đó, dự án hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn (tái sử dụng vỏ cứng trái, vỏ lụa hạt, lá, nước ca cao để chế biến thực phẩm); chuyển giao công nghệ sản xuất chocolate không tan chảy trong nhiệt độ phòng; hình thành chuỗi giá trị… HTX đang mong muốn tham gia dự án với tư cách là đối tượng nghiên cứu và đơn vị thụ hưởng dự án và sẵn sàng phối hợp để thực hiện.
Nhờ liên kết sản xuất ca cao, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát từng bước tạo được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: V.Gia |
Để nâng cao giá trị từ cây ca cao và phát triển thương hiệu của mình, HTX đã nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm. Hiện đơn vị đã sản xuất ra các sản phẩm như: rượu vang ca cao, bơ ca cao, son môi được chiết xuất từ bơ ca cao, bột ca cao nguyên chất, chocolate các loại với nhãn hiệu Thành Ý. HTX cũng đã kết hợp được phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững với du lịch trải nghiệm để tăng giá trị nông sản làm ra, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho người nông dân.
Với những thành tích đạt được, nhân dịp kỷ niệm Ngày HTX Việt Nam 11-4 vừa qua, HTX Dịch vụ ca cao Suối Cát đã vinh dự được trao giải thưởng Ngôi sao HTX 2024. Ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc HTX, chia sẻ đây là sự ghi nhận, động lực lớn cho đơn vị tiếp tục nỗ lực, góp phần vào phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng nông mới kiểu mẫu, phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Văn Gia