(ĐN)- Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng vừa ký ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024.
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ em tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Dung |
Theo đó, trong số 15 bệnh, nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan cao, có khả năng gây tử vong cho nhiều người thì có đến 9 bệnh, nhóm bệnh chưa có vaccine phòng bệnh hoặc chưa có vaccine để triển khai tại Việt Nam, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Đó là các bệnh: Ebola, MERS-CoV; cúm gia cầm độc lực cao gây bệnh cho người (cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, cúm A/H5N6); tay chân miệng; sốt xuất huyết; Chikungunya; Zika; sốt rét; nhóm bệnh than, liên cầu lợn ở người, các bệnh do Hanta virus, leptospira.
Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết tại nhà dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Dung |
Để giảm thiểu hậu quả do các loại bệnh truyền nhiễm gây ra, lãnh đạo UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh. Mục tiêu tập trung vào các dịch bệnh đang lưu hành tại các địa phương có tỷ lệ mắc cao như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, sởi, dại, khống chế, kiểm soát không để dịch bệnh lan rộng.
Đối với các bệnh đã có vaccine phòng bệnh, cần tăng cường bao phủ vaccine cho người dân, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95%, giữ vững kết quả đạt được của Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp để phòng bệnh hiệu quả cho chính bản thân, người thân và cộng đồng.
Hạnh Dung