Theo kế hoạch, Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong tháng 9-2026. Khi đó, Sân bay Long Thành giai đoạn 1 cần số lượng rất lớn nhân lực để vận hành.
Công nhân thi công dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Ảnh: P.Tùng |
Quỹ thời gian đến thời điểm Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác là không còn nhiều. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho “siêu” sân bay này đòi hỏi phải có sự bứt tốc.
Cần gần 14 ngàn người tham gia vận hành sân bay
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Trưởng ban chuẩn bị khai thác Sân bay Long Thành thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), với tiến độ đề ra và thực tế thi công trên công trường, Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ vận hành thử nghiệm vào tháng 6-2026 và chính thức khai thác tháng 9-2026.
Với định hướng trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế, Sân bay Long Thành được thiết kế với các công nghệ tiên tiến nhất để bảo đảm an toàn hoạt động bay, đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách theo tiêu chuẩn của các cảng hàng không hàng đầu trong khu vực, chất lượng dịch vụ hàng không đạt tiêu chuẩn cao nhất của thế giới. Với nền tảng công nghệ 4.0, Sân bay Long Thành sẽ là một cảng hàng không thông minh, hiệu quả trong vận hành và khai thác (Smart Airport), đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái về bảo vệ môi trường (Eco Airport) và phù hợp với xu hướng chung về phát triển bền vững (Sustainable Development) đang được áp dụng cho các cảng hàng không mới, hiện đại trên thế giới.
Cũng theo ông Phong, cảng hàng không trung chuyển quốc tế là công trình cấp kỹ thuật cao nhất trong hệ thống hàng không dân dụng, với quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn và tính chất phức tạp do có sự tham gia của rất nhiều tổ chức đơn vị như: hãng hàng không, công ty phục vụ mặt đất… Cho nên, bên cạnh công tác đầu tư xây dựng, công tác vận hành khai thác nhằm tích hợp đầy đủ cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thì quy trình quy chuẩn và nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt trong việc quyết định tính hiệu quả cũng như đảm bảo mục tiêu đầu tư của dự án. Chính vì vậy, công tác vận hành khai thác cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp và bài bản.
Theo ACV, trước khi vận hành, Sân bay Long Thành giai đoạn 1 phải có đầy đủ nguồn nhân lực để chạy toàn bộ hệ thống, bao gồm: đội ngũ công chức, viên chức thuộc bộ máy cơ quan quản lý nhà nước, nhân lực các doanh nghiệp hàng không và nhiều ngành nghề phi hàng không.
Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội chủ động làm việc với Cục Hàng không Việt Nam về nhu cầu nhân lực phục vụ cho dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã cung cấp số liệu dự báo nhu cầu nhân sự và lao động làm việc trong khu vực Sân bay Long Thành giai đoạn 1 là gần 14 ngàn người.
Theo Sở Lao, động thương binh và xã hội, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện Long Thành tổ chức các hoạt động về tuyên truyền cung cấp các thông tin như: tiêu chuẩn, ngành nghề, nơi đào tạo và nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ Sân bay Long Thành.
Đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo ACV, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, song song với công tác đầu tư xây dựng, ACV đã nghiên cứu các mô hình quản lý, khai thác để kịp thời đề xuất, xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với công tác chuẩn bị và tổ chức vận hành, khai thác Sân bay Long Thành. “Năm 2022, ACV đã tổ chức nhiều hội nghị với các sân bay quốc tế trung chuyển lớn tại châu Á cũng như trên thế giới là: Sân bay Incheon (Hàn Quốc), Sân bay Changi (Singapore) và Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác đầu tư, vận hành và khai thác cảng hàng không trung chuyển quốc tế” – ông Nguyễn Xuân Phong cho biết.
Kinh nghiệm triển khai các sân bay trung chuyển quốc tế cho thấy, để đảm bảo các sân bay được đưa vào vận hành thống nhất, đồng bộ, liên tục và hiệu quả thì công tác tổ chức và chuẩn bị cho vận hành khai thác Sân bay Long Thành cần được triển khai từ xa, từ sớm và đồng bộ, song song với công tác đầu tư xây dựng.
Đại diện ACV cũng cho biết, theo kế hoạch, ACV sẽ thành lập chi nhánh Sân bay Long Thành nhằm thực hiện vai trò và trách nhiệm của người khai thác sân bay theo quy định của pháp luật và chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, hệ thống, công nghệ, quy trình quy chuẩn, đặc biệt là nguồn nhân lực cho quản lý, vận hành khai thác Sân bay Long Thành. Cụ thể, chi nhánh Sân bay Long Thành sẽ thực hiện các công tác tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực về công tác bảo trì, bảo dưỡng và vận hành khai thác các kết cấu hạ tầng sân bay, hệ thống công nghệ và quy trình khai thác. Nguồn nhân lực sẽ sớm được tiếp cận các công nghệ hiện đại trong dây chuyền hàng không để đảm bảo chất lượng trong công tác bảo trì, bảo dưỡng và vận hành khi sân bay được đưa vào khai thác.
Công nhân thi công đường băng Sân bay Long Thành giai đoạn 1. |
Cũng theo ACV, về nhu cầu nguồn nhân lực, theo tính toán sơ bộ (chưa tính nguồn nhân lực phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước), chi nhánh Sân bay Long Thành (thuộc ACV) cần khoảng 2 ngàn lao động; trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay (trực thuộc chi nhánh Công ty Quản lý bay miền Nam) cần 250 lao động.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet cần khoảng 200 lao động; các hãng hàng không nước ngoài (chặng bay trên 1 ngàn km tính từ Sân bay Long Thành) cần khoảng 100 lao động.
Các công ty phục vụ mặt đất (Ground handling) cần khoảng 2 ngàn lao động; các công ty hàng hóa hàng không (Cargo handling) cần 500 lao động; Công ty cung cấp xăng dầu hàng không (Aviation fuel company) cần 500 lao động; các đơn vị cung cấp suất ăn hàng không (Catering company) cần 200 lao động; các công ty bảo dưỡng tàu bay cần 750 lao động.
Cùng với đó, các công ty được nhượng quyền kinh doanh tại Sân bay Long Thành như: bán hàng miễn thuế, khách sạn hàng không, bán hàng lưu niệm, ăn uống, đổi tiền, kinh doanh vận tải… Các doanh nghiệp được thuê thực hiện một số dịch vụ tại sân bay như: chăm sóc cây xanh, cảnh quan; dịch vụ vệ sinh nhà ga và các công trình hàng không… cũng cần khoảng 5 ngàn lao động.
“Về yêu cầu năng lực, chuyên môn, đối với cán bộ lãnh đạo quản lý phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy, tiếng Anh tối thiểu đạt TOEIC 500 hoặc tương đương trở lên. Đối với lao động có tay nghề thì tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng hệ chính quy, tiếng Anh tối thiểu TOEIC 400 hoặc tương đương trở lên. Riêng lao động phổ thông thì tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên và yêu cầu tiếng Anh tối thiểu TOEIC 300 hoặc tương đương trở lên” – đại diện ACV cho hay.
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Sân bay Long Thành là dự án đặc biệt cấp quốc gia. Vì vậy, công tác chuẩn bị cho dự án tầm cỡ quốc gia đi vào hoạt động cần phải chuẩn bị ngay từ lúc này. Đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. “Nhân sự phục vụ cho ngành hàng không có yếu tố đặc thù là phải đáp ứng được điều kiện về bảo đảm an ninh và an toàn” – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH: Chuẩn bị nhân lực cho sân bay, thành phố sân bay
Những thành phố có sân bay không có thành phố nào nghèo, những thành phố có sân bay lớn không thể nghèo được. Những khu vực này hứa hẹn sẽ là đô thị sầm uất, thịnh vượng trong tương lai. Như vậy đòi hỏi nguồn lực, vốn liếng và nhân lực là hết sức quan trọng. Sân bay là một “thỏi nam châm” hút nguồn lực về và hút nhân lực về. Chúng ta không có sự chuẩn bị nó cũng sẽ hút về nhưng nếu chúng ta chuẩn bị thì nó sẽ thúc đẩy nhanh hơn, mau đến đích hơn.
Do đó, công tác chuẩn bị để biến từ tiềm năng trở thành hiện thực càng nhanh thì chúng ta càng đi đến đích sớm. Như vậy, nói về nhân lực Sân bay Long Thành là chỉ nói một yếu tố nhỏ, thực ra là phải chuẩn bị nguồn lực cho cả vùng sân bay, trong đó có thành phố Sân bay Long Thành trong tương lai. Chuẩn bị nguồn nhân lực không chỉ đến năm 2026 khi Sân bay Long Thành đưa vào vận hành mà còn dài hơi hơn. Chính vì vậy, chúng ta phải nhận thức vấn đề chuẩn bị nhân lực cho phát triển tương lai của Sân bay Long Thành và thành phố Sân bay Long Thành trong tương lai là thực sự quan trọng.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC: Nhân lực phải đáp ứng yêu cầu của sân bay trung chuyển quốc tế
Dự án Sân bay Long Thành là nguồn động lực mới cho sự phát triển của tỉnh Đồng Nai nói riêng, toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước nói chung. Vì vậy, việc hoàn thành sớm, đưa vào khai thác Sân bay Long Thành là việc làm cấp bách. Để đưa “siêu” dự án này đi vào khai thác hiệu quả thì không chỉ cần đầu tư xây dựng hoàn thành hạ tầng sân bay hoàn chỉnh mà còn phải đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, áp dụng công nghệ quản lý hiện đại và đặc biệt là đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu của sân bay trung chuyển quốc tế với trình độ cao, thái độ phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện. Từ đó, đưa Sân bay Long Thành trở thành điểm đến để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Ông NGUYỄN THANH THẮNG, đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam: Hỗ trợ các đơn vị, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực
Thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản thông báo cho UBND tỉnh Đồng Nai về nhu cầu và dự báo nguồn nhân lực khai thác giai đoạn 1 dự án Sân bay Long Thành. Khi đi vào khai thác, ngoài lực lượng lao động sản xuất trong sân bay còn có nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong hoạt động khai thác sân bay sẽ có ngành nghề hàng không và phi hàng không với nhu cầu cụ thể riêng.
Cảng vụ Hàng không miền Nam cũng đã phối hợp, mời các đơn vị đào tạo trong lĩnh vực hàng không và các cơ sở đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép để tổ chức hội thảo, cung cấp thông tin. Cảng vụ Hàng không miền Nam cũng đề nghị các đơn vị đào tạo, các cơ sở đã được cấp phép chủ động liên hệ với các sở, ngành của tỉnh tổ chức liên kết đào tạo tại địa phương nhằm tiết kiệm nguồn lực xã hội. Cảng vụ Hàng không miền Nam sẽ hỗ trợ tối đa các đơn vị, các cơ sở đào tạo đã được cấp phép trong lĩnh vực hàng không. Trong đó, bộ phận an ninh giám sát sẽ hỗ trợ cấp thẻ an ninh, hướng dẫn tham quan các khu vực hoạt động trong các sân bay để các đơn vị, cơ sở hình dung cụ thể hơn công việc để đào tạo nguồn nhân lực. Bộ phận pháp chế sẽ hỗ trợ thêm các đơn vị trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, bồi dưỡng thêm kiến thức về lĩnh vực này.
Quỳnh Nhi (thực hiện)
Phạm Tùng