Nhiều bậc phụ huynh không chấp nhận việc con mình bị bệnh tự kỷ vì sợ bị kỳ thị, ngại người xung quanh. Tâm lý này khiến nhiều trẻ bị mất thời điểm “vàng” trong can thiệp, điều trị sớm, giảm dần cơ hội hòa nhập của trẻ tự kỷ.
Những phụ huynh có nhận thức đúng về hội chứng này sẽ có đủ bình tĩnh, can đảm để đối diện với thực tế, đồng hành cùng con. Điều này giúp trẻ có cơ hội thoát khỏi thế giới của riêng mình, hòa nhập với bạn bè, biết giao tiếp xã hội. Nếu can thiệp sớm, kịp thời, trẻ có thể đi học hòa nhập cùng bạn bè bình thường.
“Sốc” khi phát hiện con tự kỷ
Đó là câu chuyện của chị N.T.T.V. (38 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hoà). Sau gần 10 năm lập gia đình, chị V. sinh được bé trai đầu lòng trong niềm vui sướng cả hai bên gia đình nội ngoại. Tuy nhiên, mãi đến gần 3 tuổi, con trai của chị V. mới tập nói; cậu bé cũng thường lảng tránh ánh mắt của người lớn và không phản ứng khi được gọi tên.
Trẻ tự kỷ đang được can thiệp 1-1 tại Trung tâm Can thiệp và trị liệu tâm lý EMH (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa). Ảnh: Hải Yến |
Thấy con có biểu hiện bất thường nên chị V. đã lên mạng tìm hiểu thông tin và được biết đó là các biểu hiện của tự kỷ. Lúc này, hai vợ chồng chị gần như khủng hoảng tâm lý, không muốn tin con mình lại bị tự kỷ. Sau đó, chị V. đưa con đi khám và được bác sĩ xác định bé bị bệnh tự kỷ.
Nghĩ rằng nếu tiếp xúc nhiều với con thì sẽ giúp con khỏi bệnh nên chị V. đã quyết định nghỉ việc ở nhà để chăm sóc, đồng hành với con. Tuy nhiên, chị hầu như không thể giao tiếp được với bé vì không hiểu con mình đang cần gì, muốn gì. Do vậy, chị V. đã cho con tham gia các buổi can thiệp trẻ tự kỷ theo hình thức 1-1 (1 chuyên gia, 1 bé). Sau hơn một năm, nhận thấy con có tiến bộ, chị quyết định cho con học bán trú tại 1 trung tâm hỗ trợ can thiệp trẻ tự kỷ, bé có cải thiện rõ rệt và được đánh giá đủ điều kiện đi học hòa nhập.
Gia đình anh N.V.H. (phường Phước Tân, thành phố Biên Hoà) cũng có con hơn 6 tuổi đang trị bệnh tự kỷ. Bé không biết tự chăm sóc bản thân, không giao tiếp với mọi người xung quanh, rối loạn ngôn ngữ, sợ hãi mỗi khi gặp người lạ… Sau khi đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), anh H. cũng cho con đi can thiệp tại trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ. Sau 1 năm, con anh H. đã bắt đầu nói, nhận biết màu sắc và tương tác với mọi người trong gia đình.
Đừng đánh mất thời điểm ‘vàng’ can thiệp trẻ tự kỷ
Theo cô Hoàng Thị Mai, Quản lý chuyên môn tại Trung tâm Can thiệp và trị liệu tâm lý EMH (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hoà), chứng tự kỷ thường gặp trước 3 tuổi. Những trẻ biết nói, biết chơi, có thể kết nối với người khác nhưng gặp khó khăn như: nói không đầy đủ, diễn đạt kém, thích ở một mình… được xem là tự kỷ dạng nhẹ. Còn trẻ kém về mặt trí tuệ thường hay kèm theo những khuyết tật về trí tuệ sẽ ở mức độ nặng.
Ngày 2-4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng xã hội đối với những người không may mắc phải hội chứng tự kỷ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính trên toàn cầu, cứ 160 người thì có 1 người tự kỷ.
Mức độ nhẹ hay nặng chỉ mang tính tương đối, có thể thay đổi theo sự can thiệp phù hợp của các bác sĩ, các chuyên gia nên phụ huynh không nên nản lòng. Việc phát hiện, điều trị sớm bệnh rối loạn tự kỷ rất quan trọng vì nếu trẻ được can thiệp sớm thì các triệu chứng của bệnh sẽ giảm nhanh, đặc biệt là các rối loạn hành vi. Nếu phát hiện và can thiệp muộn thì khả năng phục hồi các kỹ năng cho trẻ lâu hơn và rất khó khăn.
Tuy nhiên trên thực thế có rất nhiều bậc phụ huynh lại không chấp nhận việc con mình bị tự kỷ và giấu mọi người xung quanh về tình trạng của trẻ. Vì phụ huynh sợ bị kỳ thị, không đưa trẻ đi điều trị nên đã đánh mất thời điểm vàng can thiệp cho con.
Can thiệp sớm giúp trẻ tự kỷ có nhiều cơ hội hòa nhập. Trong ảnh: Các trẻ tự kỷ đang được can thiệp Trung tâm Can thiệp và trị liệu tâm lý EMH (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa). Ảnh: Hải Yến |
Theo Tiến sĩ Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khoẻ tinh thần, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân Văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), nếu phát hiện trẻ có nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là điều trị sớm. Bên cạnh đó cha mẹ cần tìm kiếm các chuyên gia để đánh giá và chẩn đoán xác định rối loạn của con mình, bình tĩnh chấp nhận và thảo luận với các chuyên gia về chiến lược điều trị cho con.
“Việc điều trị cần kết hợp đa ngành và do các chuyên gia, giáo viên được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn, có đủ năng lực, mô hình để can thiệp cho trẻ” – Tiến sĩ Lê Minh Công nói thêm.
Hải Yến