Là người con của khoai sắn ruộng đồng, trở lại với làng quê là trở lại với đất mẹ, với hương đồng nội thân quen, nơi cả tuổi thơ cày sâu cuốc bẫm trên bát ngát cánh đồng.
Cánh đồng lúa tại xã Phú Điền, huyện Tân Phú. Ảnh minh họa: Ngọc Liên |
Theo lời mời của chị bạn ở xã Phú Điền, tôi cùng các bạn học đến vùng quê xã Phú Điền, huyện Tân Phú. Trước mắt tôi, con đường đất nhỏ với hai bên lúa hàng hàng thẳng tắp. Lúa mới được gieo sạ nên đất còn thưa thớt, chưa phủ kín. Mùa nắng nóng năm nay kéo dài hơn mọi năm, khắp nơi khô hạn, vậy mà ở đây nước ngập qua chân mạ non chảy rí rách êm tai. Cùng với ánh nắng chiều hắt xuống, cánh đồng phản chiếu vô số ánh bạc lấp lóa cuốn theo gió nhẹ bồng bềnh chao mặt nước.
Con đê nhỏ đưa tôi qua cánh đồng đến những hòn đá khum khum đen xám giữa xanh rì lúa non. Hòn lớn là đá Voi, do hình thù giống con voi đang đứng, hay do đọc chệch của núi đá Vôi. Hòn Voi cao lớn dành cho ai muốn khám phá mây trời và chinh phục khả năng leo núi của mình. Hai hòn đá nhỏ thoai thoải với những nét cong độc đáo và chân rết chìa ra như bảo: “Anh hãy đứng đây mà ngắm đá, ngắm cảnh này!”. Tất cả tạo nên một quần thể đá sừng sững giữa bát ngát xanh trong trời chiều đỏ ửng.
Trở lại đây, tôi như gặp cả tuổi thơ của mình. Ngày ấy, lũ trẻ đi hái rau mỗi buổi tan học và chỉ đến mùa hè chúng tôi mới đi xa như để khám phá và để vui chơi thỏa thích. Từ xã Gia Canh, huyện Định Quán, qua xã Phú Điền, huyện Tân Phú, không rõ bằng cách nào, những đứa trẻ như chúng tôi đã băng đồng băng rẫy tung tăng. Sớm tinh sương, những chiếc bao nhỏ chắn sương cùng chúng tôi men đường mòn theo chân những người đi trước để đến hòn đá Phú Điền (hồi đó chúng tôi gọi thế). Vừa hái những cọng rau muống lẫn trong đám cỏ, trên bờ đê, vừa tung tăng khắp nơi để ngắm cảnh đẹp. Tiếng cười hồn nhiên vang dội khắp núi đá. Có khi cao hứng, chúng tôi chơi đuổi bắt, chơi trốn tìm quanh đá.
Hương mạ non quyện trong tiếng cười hồn nhiên giữa chốn đồng quê yên ả đã làm cho những đứa trẻ quên bụng đói, quên nghèo khổ. Cũng có khi, ai đó giận ai khóc thút thít sau hòn đá đen kịt, hoặc ai lén trao nhau cái cầm tay đầy tình cảm của con nít. Ấy thế, dù trưa hơn 12 giờ, đám trẻ vẫn vui vẻ với bao rau đầy tràn và cái bụng toàn cóc ổi và nước suối để về nhà.
Quá nửa đời người, qua bao bôn ba sóng gió chốn thị thành, chúng tôi lại bắt gặp tuổi thơ, gặp chính mình, cảm nhận được hương đất hương quê qua hương mạ non bằng một buổi chiều đáng nhớ.
Nhỏ bạn gọi chụp hình, tôi quay lại thực tại để thấy bao thay đổi nơi đây. Hòn đá vẫn thế, cánh đồng vẫn thế nhưng đường vào đá đã được làm mới, thẳng tắp. Những mương nước thủy lợi chạy men theo bờ đê uốn lượn với đường mòn nhỏ xinh và sạch sẽ. Không còn cảnh bụi hoang cỏ xước cắt da thịt như thời chúng tôi vẫn hái rau, bắt bướm.
Nhìn ra xa chút là cánh đồng sen. Sen Phú Điền nổi tiếng dẻo và bùi ngon hơn hẳn so với vùng lân cận. Với những đôi bàn tay chăm chỉ của người nông dân, bùn non đã ngát hương sen. Sen mùa này hoa chưa rộ, nhưng cũng thỏa lòng bao chị em thích chụp hình thơ mộng trong bộ áo dài duyên dáng. Tiếng xe và bước chân người lạ làm giật mình bầy vịt đồng đang bơi lội trên ao nước mênh mông và ửng vàng do mặt trời chiếu xuống, nhưng cũng không làm tan không gian thôn quê yên bình.
Tháng ba về, không khí mùa xuân đã tạm lắng. Tháng ba về, miền Nam nắng như đổ lửa. Mặt đường nhựa rát bỏng. Từ quốc lộ 20, rẽ vào đường liên huyện Định Quán đi Tân Phú, tạt qua đường đất đỏ sạch sẽ là bát ngát ruộng đồng với mênh mông nước, mênh mông đồng lúa và mênh mông ngát xanh. Đám bạn đi cùng ai cũng trầm trồ: “Đẹp quá! Bình yên quá!”. Có bạn lại nói: “Quê hương mình đâu đâu cũng đẹp, chứ không cần phải đi du lịch thật xa nhỉ!”.
Đúng thế, khi tâm hồn rát bỏng những đớn đau cuộc đời, khi tháng ba cứ đổ chan chát nắng, ai cũng khao khát tìm điểm dừng chân. Ghé về đây, về với cánh đồng quê xanh mát, về với hồn đá, về với hương quê, mùi mạ non thoảng trong gió chiều sẽ xoa dịu bão lửa của cuộc đời. Về đây, núi đá Voi, đá Chữ Thập Phú Điền với hương mạ non, hương quê để thấy bao vết thương rồi cũng sẽ xóa nhòa, nỗi đau nào cũng trôi qua…
Hồng Nhạn